Dịch bệnh Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay là một vấn đề đang tác động đến mọi mặt về kinh tế - xã hội của 220 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đặc biệt tác động cực mạnh hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Gần 2 năm qua vừa duy trì hoạt động, vừa đáp ứng các yêu cầu phòng chống dịch của Nhà nước, phần lớn các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đều thể hiện tâm trạng kiệt sức, cạn kiệt nguồn lực về tài chính, nhân lực và giải pháp để tiếp tục hoạt động.
Nhận được nhiều phản ánh kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian gần đây, Chính phủ, các bộ ngành đã liên tục ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn với hàng loạt công cụ kinh tế, tài chính, an sinh,…Tuy nhiên, doanh nghiệp dường như cảm thấy chưa đủ để phục hồi, doanh nghiệp tiếp tục đề xuất các khuyến nghị chính sách mới.
'Chủ trương của Chính phủ là 'chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích', Thủ tướng nhấn mạnh. |
Giải pháp trước mắt và kiến nghị lâu dài
Tổng hợp các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đã nêu 7 nhóm kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị ngày 26 tháng 9, trong đó có cả các kiến nghị “dài hơi” và các đề xuất cần thay đổi ngay. Đó là doanh nghiệp cần sự đồng thuận của Chính phủ và toàn xã hội về việc “sống chung với dịch bệnh”, cân bằng mục tiêu chống dịch và chống suy sụp kinh tế; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương không chỉ kiểm soát dịch mà cả phục hồi kinh tế. Với cách tiếp cận này, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đề nghị đổi tên Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế.
Tại hội nghị này nhiều ý kiến đề nghị chính sách của trung ương cần thống nhất, rõ ràng và đồng bộ, nhưng địa phương thực thi cần phù hợp với tình hình thực tế, ví dụ áp dụng giãn cách theo các tiêu chí dịch tễ, không nên áp dụng giãn cách, phong tỏa rộng theo địa bàn hành chính. Các doanh nghiệp đề nghị hiểu an toàn trong chống dịch là tương đối, không có nghĩa là không được có F0 nào, bóc tách F0 nhưng không có nghĩa là ngừng hoạt động. Các cơ quan quản lý cần thay đổi tư duy quản lý bằng mệnh lệnh hành chính, giẩy phép con tùy tiện cấm đoán đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, ví dụ như việc cấp phép vận chuyển, lưu thông hàng hóa, không để tình trạng gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng.
Để có thể trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đề nghị vấn đề cấp bách nhất là Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng chống dịch theo “điểm” trong phạm vi hẹp, không theo khu vực hành chính để giảm thiệt hại cho doanh nghiệp, tránh lãng phí; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện Bộ quy tắc “y tế tại chỗ”, đánh giá để kịp thời cho phép thay đổi các mô hình sản xuất, áp dụng công thức 7K cộng 3T gồm: “Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế - Không khí trong lành - Khỏe mạnh” và “Tự phát hiện - Tự cách ly - Tự chăm sóc”; ưu tiên vắc xin cho người lao động; không bắt buộc doanh nghiệp phải xét nghiệm định kỳ cho người lao động rất tốn kém, chỉ xét nghiệm khi có nguy cơ; cho phép doanh nghiệp tự tìm kiếm nguồn vắc xin, được mua sinh phẩm xét nghiệm, kít xét nghiệm với giá cạnh tranh hơn (khoảng 30.000 đồng/test) so với các tổ chức y tế mua hiện nay (khoảng 80.000 đồng/ test); kiểm soát giá kit xét nghiệm như mặt hàng bình ổn giá hoặc Nhà nước trợ giá.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19. |
Cần thay đổi tư duy và biện pháp phòng chống dịch
Vấn đề đau đầu nhất với các doanh nghiệp hiện nay là cơ cấu, sắp xếp lại lực lượng lao động trong tình hình di chuyển của lao động giữa các tỉnh vẫn khó khăn, cản trở, doanh nghiệp đề nghị các bộ hoàn thiện hệ thống “Thẻ xanh Covid-19” trên 1 nền tảng ứng dụng thống nhất để coi đó như “hộ chiếu vắc – xin” trong nước, đồng thời bỏ giấy xác nhận từ nước ngoài để tạo điều kiện cho các chuyên gia, lao động nước ngoài trở lại làm việc tại Việt Nam và di chuyển giữa các địa phương.
Các doanh nghiệp cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ về địa điểm, một phần chi phí để các cơ sở kinh doanh, khu công nghiệp lập cơ sở lưu trú cho người lao động, lập trạm y tế tại chỗ hoặc lưu động; có phương án hỗ trợ người lao động từ địa phương khác về; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động mất việc do dịch Covid-19; các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho doanh nghiệp rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giãn thời gian thực hiện các nghĩa vụ tài chính, rút ngắn thời gian hoàn thuế VAT đối với hàng xuất khẩu để doanh nghiệp bớt khó khăn về nguồn vốn.
Trong khi cạn kiệt về tài chính, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp với lãi suất thấp, có thể lập quỹ bảo đảm cho doanh nghiệp vay hoặc nới lỏng điều kiện vay để doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn bơm vào phục hồi hoạt động. Các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời gian qua cần xem xét cả trong ngắn hạn và dài hạn, như giảm phí công đoàn, giảm thuế giá trị gia tăng để giảm giá thành, giảm tiền thuê đất lên mức 50% (hiện nay 30%).
Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp đề nghị không quá chú trọng hỗ trợ tiền cho doanh nghiệp, cái doanh nghiệp cần là tháo gỡ về cơ chế, chính sách, nếu cần thì Thủ tướng xin phép Quốc hội có cơ chế đặc biệt, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và hộ kinh doanh, nhưng cũng không để thâm hụt ngân sách quá lớn. Các chính sách phân cấp, phân quyền cần được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu sửa đổi các luật liên quan, thậm chí phân quyền đến cấp tỉnh, huyện để có thẩm quyền trực tiếp thực hiện các thủ tục cho doanh nghiệp.
Đại diện hiệp hội nhựa cho rằng cần tháo gỡ tận gốc bằng việc sửa đổi pháp luật, nếu cần thiết lập một ủy ban xây dựng pháp luật trực thuộc Chính phủ để tập hợp ý kiến cần sửa đổi nhanh các bất cập, bảo đảm có sự tham gia của hiệp hội, doanh nghiệp trong quá trình ban hành chính sách.
Nêu các khó khăn lớn của hợp tác xã, đại diện Liên minh hợp tác xã Việt Nam đề nghị có gói hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã vì đang thiếu vốn hoạt động trầm trọng và tăng hạn mức cho vay với hợp tác xã, đơn giản hóa thủ tục cho vay, hiện nay các hợp tác xã không được thế chấp bất động sản, các thành viên Ban quan trị hợp tác xã phải lấy tài sản riêng để thế chấp vay vốn cho hợp tác xã; cần sửa đổi chính sách giao đất, cho thuê đất, giảm hoãn các loại thuế cho hợp tác xã,…
Nhìn chung, các doanh nghiệp, hợp tác xã đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lắng nghe, chia sẻ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp tới các địa bàn khó khăn, các đối tượng đặc thù để tháo gỡ vướng mắc.
Tại hội nghị này, Thủ tướng cũng khẳng định các chủ trương của Chính phủ là “chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích”, coi doanh nghiệp, là trung tâm, là chủ thể và đối tượng tham gia phòng chống dịch cùng Chính phủ và người dân.
Chính phủ sẽ tiếp tục ủng hộ doanh nghiệp, hợp tác xã khắc phục những yếu kém, khiếm khuyết về cơ chế, chính sách để hoàn thiện trong thời gian tới, đặc biệt là chính sách nhà ở cho công nhân, tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy hợp tác công tư, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực y tế, trang thiết bị, vật tư y tế, dược,… để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phòng chống dịch và phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Quang Minh