Sáng ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp (DN) năm 2021. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Chính phủ rất quan tâm đến tình hình DN bởi DN "có khỏe" thì nền kinh tế mới mạnh. Chính phủ cũng đã có nhiều cuộc họp nhằm đánh giá tình hình, khảo sát khó khăn của doanh nghiệp để có những thông tin và những chỉ đạo kịp thời.
Hơn 93% DN chịu tác động bởi COVID-19
Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tác động của dịch COVID-19 đến tình hình “sức khỏe” DN rất nghiêm trọng. Kết quả điều tra khảo sát do VCCI thực hiện tháng 9/2021 trên gần 3.000 DN cho thấy, có tới 93,9% DN cho biết tác động của dịch ở mức độ “hoàn toàn tiêu cực” và “phần lớn là tiêu cực”, tăng so với con số 87,2% của khảo sát năm 2020.
Hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2021. |
Hầu hết DN trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề đều đối diện khó khăn gây ra bởi dịch bệnh. Dịch COVID-19 tác động rất tiêu cực đến DN trong nhiều ngành như giáo dục đào tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống, y tế và trợ giúp xã hội... với gần 100% DN chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Dịch bệnh kéo dài trong gần hai năm qua khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ trên nhiều khía cạnh như duy trì lực lượng lao động, giữ ổn định chuỗi giá trị, và đảm bảo khả năng tăng trưởng doanh thu. Về lao động, trung bình có 90,8% DN đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh.
Về chuỗi giá trị, trung bình có 96,2% DN gặp ít nhất một trong các vấn đề liên quan đến chuỗi giá trị. Các vấn đề này có thể là khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, khó khăn khi quản lý nhân công hay đứt gãy chuỗi cung ứng.
Về doanh thu, đại dịch COVID-19 kéo dài khiến 71% DN báo cáo doanh thu dự kiến năm 2021 giảm so với năm 2020. Trong đó, các nhóm DN quy mô siêu nhỏ và nhỏ bị giảm doanh thu đáng kể nhất bởi dịch bệnh với lần lượt 71% và 72% DN thuộc các nhóm này dự đoán tình hình suy giảm doanh thu so với năm đầu đại dịch.
Kết quả ước tính doanh thu năm 2021 (năm dịch bệnh thứ hai) tiếp tục giảm so với năm trước đó dự báo tình trạng “kiệt quệ” về tài chính của rất nhiều DN trong thời gian tới nếu không có những giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Đặc biệt, làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 từ ngày 27/4/2021 đến nay đã nhanh chóng lan ra 40 tỉnh, thành phố, trong đó có cả các trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước như Tp. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội, khiến nhiều hoạt động kinh tế bị đình đốn.
Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, thiệt hại kinh tế mỗi ngày do giãn cách, cách ly là rất to lớn. Nếu các DN bị dừng hoạt động quá lâu, không tránh khỏi làn sóng phá sản DN sẽ xuất hiện tại Việt Nam. Đặc biệt, với các DN FDI, nếu bị thiệt hại quá nhiều do dừng sản xuất, nhiều DN sẽ buộc phải rút khỏi thị trường.
"Trường hợp đó sẽ dẫn tới đình đốn ngành công nghiệp sản xuất của Việt Nam, kéo theo đó là giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị kinh ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ sụt giảm đáng kể, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu ngân sách nhà nước. Những vấn đề về thất nghiệp, gánh nặng chi an sinh xã hội của Nhà nước sẽ gia tăng đáng kể", ông Công đánh giá.
Để tái khởi động nền kinh tế, VCCI kiến nghị Chính phủ ngoài chú trọng đối tượng DN sản xuất, DN trong chuỗi cung ứng, còn cầu lưu ý các chính sách hỗ trợ phù hợp với đối tượng là hộ kinh doanh cá thể, các DN nhỏ và siêu nhỏ.
Đồng thời, để hoạt động sản xuất kinh doanh được tái khởi động và nhanh chóng tăng tốc, các quy định về phòng chống dịch cũng như lộ trình nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại cần có sự phối hợp, thống nhất giữa các địa phương nhằm đảm bảo phục hồi và ổn định chuỗi cung ứng, DN chủ động lên phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, giảm thiểu rủi ro về đứt gãy nguồn cung, không đảm bảo tiến độ đơn hàng, gây thiệt hại lớn cho DN.
Về trung và dài hạn, bên cạnh việc song song thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng, các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững cũng cần được xây dựng ngay từ bây giờ.
Tìm 'ánh sáng ở cuối đường hầm'
Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá vừa qua các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho DN được quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP đã được cộng đồng DN trong và ngoài nước đánh giá cao, về cơ bản, những vấn đề khó khăn mà DN đang phải đối mặt đã và đang được xem xét, giải quyết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng đưa ra thực tế qua theo dõi và tổng hợp các kiến nghị phản ánh của cộng đồng DN cho thấy vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN. Việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.
Tỷ lệ DN tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp. Đặc biệt, vấn đề các DN tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để DN có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.
Trước tình hình trên, Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện nghiên cứu các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 105/NQ-CP về các chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch bệnh OVID-19 với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực của Nhà nước và DN; khẩn trương rà soát, sửa đổi điều kiện, quy trình, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch, trong đó, cần có hướng dẫn cụ thể điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới để các địa phương và doanh nghiệp áp dụng trong thực tế...
Bộ KH&ĐT khẩn trương trình Chính phủ xem xét, ban hành Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, trong đó có các giải pháp hỗ trợ khu vực DN phục hồi.
Về phía cộng đồng DN và hiệp hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhìn nhận qua giai đoạn khó khăn, thách thức hiện nay và dự báo còn có thể kéo dài hơn nữa, đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đó là: Càng khó khăn càng phải nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, tương thân tương ái, hợp tác chia sẻ (ví dụ như chia sẻ đơn hàng, hàng đổi hàng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhau, mua hàng trả chậm…).
Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN trên nền tảng số, thông qua chuyển đổi số; nâng cao năng suất, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, sắp xếp, cơ cấu lại lao động hợp lý; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, đổi mới thiết bị, mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, giải pháp mới trong sản xuất kinh doanh; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
"Trong đó, chúng ta cần lưu ý, trong khủng hoảng, công nghệ, thiết bị thường rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm thông thường, đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chỉ ra cơ hội trong đại dịch.
Lê Thúy