Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp sáng 26/9, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, ngay khi Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 được ban hành, VCCI đã cùng Liên minh HTX Việt Nam, Hiệp hội DNNVV kịp thời triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao trong Nghị Quyết.
Theo đó để nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của cộng đồng DN, HTX để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đồng thời, tăng cường việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của DN, HTX, hộ kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin, giao thương trong mùa dịch.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN) |
“Cộng đồng DN, HTX đánh giá rất tích cực các nguyên tắc, giải pháp của Chính phủ tại Nghị quyết 105. Nguyện vọng chung các DN, HTX đều mong các giải pháp đề ra trong nghị quyết nhanh chóng được triển khai thực hiện, kịp thời hỗ trợ DN, HTX trong thời điểm khó khăn này", Chủ tịch VCCI nói.
Báo cáo được lãnh đạo VCCI trình bày tại hội nghị cũng cho thấy tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy, mong muốn các chính sách hỗ trợ sớm được thực thi.
Đặc biệt, vấn đề các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp, đặc biệt với các DNNVV.
Tại hội nghị, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhấn mạnh, trong 2 năm qua, các doanh nghiệp trên toàn quốc đã trải qua 4 đợt bùng phát của dịch bệnh COVID-19 khiến các doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn.
Cũng theo ông Hồng Anh, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam đánh giá rất cao việc Ngân hàng nhà nước vừa qua đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN, trong đó quy định điều kiện giãn nợ trong vòng 12 tháng là rất kịp thời.
Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là phải chứng minh doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi COVID-19 và được ngân hàng đánh giá có khả năng trả nợ sau thời gian giãn nợ sẽ rất khó cho doanh nghiệp.
"Vì vậy, tôi đề nghị xem xét các doanh nghiệp đều khó khăn như nhau và được giãn nợ đồng loạt 6/9 tháng không để xuống nhóm nợ, trừ các ngành vẫn hoạt động tốt trong đại dịch như ngành y tế, thực phẩm, sắt thép…", ông Hồng Anh nói.
Trong khi đó, Hiệp hội DNNVV cho biết, hiện nay rất nhiều DN đã đuối sức, thậm chí kiệt quệ. Do đó, nếu DN được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp sẽ giúp giảm được chi phí, tái đầu tư sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc hỗ trợ lãi suất cần phải được thông qua một cơ chế và điều kiện vay dễ dàng hơn để các DN có thể tiếp cận được vốn.
Đề xuất các chính sách hỗ trợ phục hồi DN, HTX, Chủ tịch VCCI cho rằng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ mạnh hơn như nới hạn mức tín dụng; miễn giảm, vay ưu đãi lãi suất thấp, nâng hạn mức tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên mức cao hơn. Tăng cơ hội tiếp cận vốn cho khu vực DNNVV, DN siêu nhỏ, HTX, hộ kinh doanh... dưới hình thức các Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ hỗ trợ DNNVV… Tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
“Việc các ngân hàng vẫn có lợi nhuận lớn trong lúc các DN, HTX đình trệ sản xuất, kinh doanh là một chỉ dấu không lành mạnh của nền kinh tế và của mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và DN”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo VCCI cho rằng, các gói hỗ trợ duy trì và phục hồi kinh tế cần đủ lớn và kịp thời để nắm bắt được thời cơ phục hồi. "So sánh quy mô các gói hỗ trợ của Chính phủ một số nước trong khu vực năm 2020, như Thái Lan là 12,4%, Indonesia 5,4%, Philippines 3,6% GDP... GDP ước tính năm 2020 của Việt Nam là gần 6,3 triệu tỷ, các gói hỗ trợ của Chính phủ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỷ", Chủ tịch VCCI đề xuất.
Thực tế, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 theo hướng mở rộng thời gian áp dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đến 30/6/2022.
Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm tổng cộng khoảng 1,55%/năm so với trước dịch. Lũy kế từ 23/01/2020 đến nay, tổng giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 215 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch là khoảng 520 nghìn tỷ đồng. Tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho hơn 1,1 triệu khách hàng là khoảng 26 nghìn tỷ đồng.
Thanh Hoa