Bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Mỹ tại Tp.HCM, cho biết xuất khẩu các mặt hàng nông sản, sản phẩm thịt và thực phẩm của Mỹ sang Việt Nam năm ngoái đã đạt kim ngạch 4,5 tỷ USD, tăng 50% so với năm trước. Việt Nam trở thành thị trường lớn thứ 6 của Mỹ về nông sản và thực phẩm.
Cơ hội cho thịt ngoại
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh trong khuôn khổ triển lãm quốc tế Food & Hotel Vietnam 2019 ở Tp.HCM ngày 24/4, bà Mary lý giải mức tăng trưởng mạnh của thực phẩm Mỹ (đặc biệt là các sản phẩm thịt) vào Việt Nam một phần nhờ vào việc tháo gỡ những rào cản nhập khẩu (NK).
"Đồng thời, người tiêu dùng (NTD) Việt Nam ngày càng hiểu được tính an toàn, chất lượng cao của thực phẩm Mỹ nên họ bỏ ra nhiều tiền hơn, sẵn sàng chi tiêu hơn cho các sản phẩm Mỹ", bà Mary nói.
Trong khi đó, ông Kieran Fitzgerald, đại diện Hội đồng thực phẩm Cộng hòa Ireland, cho rằng Việt Nam được ví như một "thánh địa" về ẩm thực ở châu Á, nên có rất nhiều tiềm năng để đưa các sản phẩm thịt (đặt biệt là thịt bò) có tiêu chuẩn cao của Ireland vào tiêu thụ.
Với 50% sản phẩm thịt lợn của Ireland (với công suất chế biến gần 3,3 triệu tấn thịt lợn mỗi năm) là dành cho xuất khẩu, theo ông Kieran, ngành du lịch ở Việt Nam đang phát triển tốt, thu nhập của người dân đang tăng lên, đồng nghĩa tiêu dùng thịt cũng sẽ tăng lên, đó là cơ hội để cho các sản phẩm thịt của Ireland thâm nhập thị trường.
Quan sát triển lãm ngành hàng thực phẩm đang diễn ra tại Tp.HCM có thể thấy sự dày đặc các gian hàng trưng bày sản phẩm thịt bò, gà, lợn đông lạnh và các đồ ăn từ thịt chế biến sẵn (xúc xích, lạp xưởng, giăm bông…) của các thương hiệu lớn từ Mỹ, Canada, Australia và các quốc gia châu Âu như Ireland, Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Nga…
Điều đáng chú ý là, các gian hàng này luôn thu hút khá đông đảo các doanh nghiệp (DN) Việt đang có nhu cầu NK, phân phối các sản phẩm thịt ngoại để tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Mới đây, ông José Ramón Godoy, Giám đốc Quốc tế của Tổ chức Liên hiệp Nông nghiệp thực phẩm, cho biết có 7 DN của Tây Ban Nha đang chờ cấp phép NK thịt bò vào Việt Nam, còn hiện tại đã có 4 DN của nước này đã được Việt Nam cấp phép NK thịt bò.
Theo đánh giá, ngoài NK sản phẩm thịt từ Mỹ, Canada, Australia có mức tăng trưởng cao thì việc NK thịt từ các nước EU cũng khá mạnh trong thời gian qua. Thống kê cho thấy Việt Nam liên tục nhập siêu các sản phẩm thịt lợn, bò, gà từ EU trong suốt giai đoạn từ 2005 – 2015 (năm 2015, Việt Nam nhập siêu 33,3 triệu USD, cao gấp 39,3 lần so với năm 2005).
Các sản phẩm thịt ngoại hấp dẫn người tiêu dùng Việt |
Sớm tái cấu trúc
Tuy nhiên, NK sản phẩm chăn nuôi từ EU vẫn còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong tổng kim ngạch NK sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam. Giới chuyên gia nhận định Việt Nam liên tục nhập siêu các sản phẩm ngành chăn nuôi, với mức thâm hụt tăng lên liên tục, cao gấp hàng chục lần so với cách đây hơn 10 năm.
Trên thực tế, các sản phẩm thịt (lợn, bò, gà ) NK chủ yếu là thịt đông lạnh, cho tới nay chưa tạo ra áp lực cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm thịt nóng (thịt tươi hàng ngày) – vốn là nhóm sản phẩm chính của ngành chăn nuôi trong nước.
Tuy nhiên, trong tương lai, áp lực cạnh tranh sẽ lớn hơn vì NTD Việt đang có xu hướng quan tâm nhiều hơn tới chất lượng an toàn thực phẩm, trong khi sản phẩm thịt nội địa chưa đáp ứng niềm tin này. Hơn nữa, đang có xu hướng gia tăng sử dụng các đồ ăn từ thịt chế biến sẵn, mà đây lại là lợi thế của các sản phẩm thịt ngoại.
Đặc biệt, hiện nay, ngay những DN lớn chuyên cung cấp sản phẩm thịt trong nước cũng tính đến chuyện NK thịt để phân phối. Đơn cử như Vissan trong năm nay dự kiến nhập thịt lợn đông lạnh từ Mỹ. Tuy nhiên, do thói quen dùng thịt nóng của NTD vẫn khá lớn nên công ty đang cân nhắc.
Hiện tại, những NTD có thu nhập cao sẵn sàng chấp nhận chi trả nhiều hơn để đảm bảo mua được các loại thịt có chất lượng cao, dành nhiều thiện cảm hơn với những sản phẩm thịt có nguồn gốc nước ngoài.
Giới chuyên gia cho rằng trước những rào cản thuế quan đã, đang và sẽ được gỡ bỏ từ các hiệp định thương mại tự do sẽ tác động đến giá bán sản phẩm thịt trên thị trường thời gian tới. Cùng với đó, thói quen chuộng hàng NK, hàng có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài của một bộ phận NTD sẽ làm gia tăng thêm mối lo cho sản phẩm thịt trong nước.
Để cầm cự hoặc cạnh tranh trước sức tấn công của các sản phẩm thịt ngoại trong giai đoạn này, điều quan trọng là các DN chuyên sản xuất chế biến và cung cấp sản phẩm thịt trong nước cần sớm tái cấu trúc ngành thực phẩm tươi sống thông qua tái cấu trúc hệ thống phân phối (hợp tác với các đơn vị bán lẻ) và đa dạng hóa sản phẩm. Đặc biêt, cần xây dựng chương trình thực phẩm tươi sống theo tiêu chuẩn thịt mát, thịt đông lạnh trong giai đoạn dịch bệnh trên đàn lợn.
Ngoài ra, các DN thực phẩm nội cũng cần tái cấu trúc tỷ trọng ngành hàng sản phẩm thịt chế biến, hệ thống phân phối, đa dạng hóa sản phẩm theo phân khúc khách hàng và cao cấp hóa một số ngành hàng.
Thế Vinh