Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 5/2018, lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu (NK) đạt 29,7 nghìn tấn, trị giá 42,59 triệu USD, tăng 50,4% về lượng và tăng 39% về kim ngạch so với tháng 4. Việt Nam NK thịt và các sản phẩm từ thịt từ 37 thị trường.
Thịt ngoại ồ ạt tràn vào
Chủng loại thịt NK trong tháng 5 cho thấy lượng thịt lợn đã qua giết mổ đạt 450 tấn, trị giá 685,82 nghìn USD, giá trung bình 1.523 USD/tấn, giảm 8,9% so với tháng 4, tính bình quân 1,5 USD/kg (tương đương 35.000 đồng/kg).
NK thịt trâu, bò sống đã qua giết mổ đạt 4,95 nghìn tấn, trị giá 18,48 triệu USD, giá trung bình 3.733 USD/tấn, giảm 11,3% so với tháng 4, bình quân 3,7 USD/ kg (tương đương 85.000 đồng/kg).
NK thịt gia cầm đã qua giết mổ 18,97 nghìn tấn, trị giá 17,22 triệu USD, tăng 55,6% về lượng và tăng 52,3% về trị giá so với tháng 4…
Trong thời gian tới, thị trường thịt Mỹ sẽ có nhiều biến động khi Mexico tuyên bố sẽ áp mức thuế 20% đối với chân và thịt lợn vai, các sản phẩm thịt lợn tươi và đông lạnh NK từ Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc cũng ra quyết định áp mức thuế bổ sung 25% đối với mặt hàng thịt lợn nhập từ Mỹ kể từ ngày 6/7/2018 khiến thịt lợn của Mỹ phải đối mặt mức thuế NK lên đến 71% (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Do Mexico và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu thịt lợn lớn nhất nên nhiều khả năng Mỹ sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa thịt lợn trong thời gian tới và giá thịt lợn nước này sẽ giảm thêm nữa. Đặc biệt, không xuất khẩu được sang Trung Quốc, một trong những thị trường mà Mỹ hướng tới là Việt Nam.
Trước cảnh báo trên, ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc công ty CP Thanh Bình, lo ngại khi hiện nay, giá thịt lợn hơi Việt Nam đang cao thuộc tốp đầu thế giới (ở mức 48.000 – 53.000 đồng/kg, trong khi mức giá thịt lợn đã qua giết mổ NK vào chỉ hơn 1.500 USD/tấn, tính ra chỉ khoảng 1,5 USD/kg, tương đương gần 35.000 đồng/kg.
"Sẽ bất lợi cho ngành chăn nuôi Việt Nam khi thịt lợn Mỹ ồ ạt vào thị trường Việt Nam nhiều hơn trong thời gian tới", ông Bình lo ngại.
Ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết dù số lượng thịt NK chưa phải là con số quá lớn nhưng đang chiếm một thị phần không nhỏ tại thị trường trong nước.
Lo ngại hơn là tình trạng thịt được nhập chui bằng con đường buôn lậu sang Việt Nam do tiểu thương, doanh nghiệp (DN) Việt Nam móc nối với thương nhân Trung Quốc để đem hàng về bán.
Những mặt hàng thịt này thường có giá rất rẻ như những ngày gần đây, trên một số tuyến đường của Tp.HCM xuất hiện các điểm rao bán gà mái đẻ với giá 60.000-70.000 đồng/con. Hay trước đó, thịt bò đông lạnh Mỹ, Úc giá rẻ 150.000 đồng/kg ồ ạt vào Việt Nam.
"Cơ quan quản lý cần phải làm rõ số thịt này đến từ đâu mà có giá rẻ như vậy, tránh cạnh tranh không lành mạnh với thịt trong nước", ông Thắng nêu vấn đề.
Chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn nên giá thành sản phẩm cao |
Xây chuỗi vẫn dừng thí điểm
Các chuyên gia cũng thẳng thắn cho rằng các mức thuế suất đối với các sản phẩm chăn nuôi hiện còn khá cao nhưng giá trị NK các loại thịt vào Việt Nam vẫn tăng nhanh trong thời gian qua.
Nguyên nhân chính là năng lực sản xuất trong nước không theo kịp với nhu cầu tiêu dùng chất lượng và giá cả của các sản phẩm trong nước còn kém cạnh tranh hơn sản phẩm NK.
Theo ông Thắng, Việt Nam đã bắt đầu xây dựng các mô hình chăn nuôi theo chuỗi, tuy nhiên đến nay vẫn dừng ở mức thí điểm, chưa được nhân rộng do còn gặp phải vướng mắc như sản xuất theo chuỗi nhưng xảy ra tình trạng nông dân thấy rẻ thì bán cho DN, còn đắt hàng lại không bán. Bên cạnh đó, giá thành sản phẩm chăn nuôi còn cao do nguyên liệu đầu vào chưa được đảm bảo.
Đến nay, ngành chăn nuôi vẫn chủ yếu nhập 70-80% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài, với giá thành cao hơn 10-15% so với các nước trong khu vực ASEAN, dẫn tới sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam luôn có giá thành cao hơn 10% so với các nước trong khu vực.
Theo ông Thắng, trừ một số DN FDI đầu tư bài bản mới có lãi, phần lớn các DN chăn nuôi trong nước đang còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Trí Công, Giám đốc HTX Dịch vụ và Chế biến Đồng Hiệp – Đồng Nai, cho biết sản phẩm chăn nuôi của HTX chủ yếu được tiêu thụ trong tỉnh, thị trường Tp.HCM và một số địa phương trong nước, một số ít xuất khẩu qua Trung Quốc (sản phẩm chăn nuôi lợn) qua đường tiểu ngạch. Nguyên nhân là tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi hiện nay còn phụ thuộc nhiều khâu trung gian và khó kiểm soát, chưa truy xuất được nguồn gốc.
Cùng với đó, việc áp dụng các quy trình an toàn dịch bệnh, thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP) chưa được người chăn nuôi chú trọng, quan tâm và tự nguyện tham gia thực hiện. Ý thức tự giác của người chăn nuôi chưa cao trong việc ghi chép, khai báo số liệu chăn nuôi cho cơ quan quản lý, đặc biệt đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đồng thời các biện pháp chế tài chưa đủ mạnh để bắt buộc người chăn nuôi thực hiện.
Các hình thức tổ chức sản xuất lớn trong chăn nuôi, nhất là hình thức HTX chưa phát huy được hết hiệu quả, còn nhiều hạn chế, yếu kém trong việc quản lý sản xuất. Đặc biệt, người chăn nuôi chưa chủ động thực hiện tốt việc tự trộn thức ăn chăn nuôi, quản lý con giống để giảm giá thành sản phẩm, còn phụ thuộc các đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi.
Ông Công khuyến nghị, cần tổ chức liên kết trong sản xuất theo tổ hợp tác, HTX… để mua trực tiếp nguyên liệu đầu vào từ các cơ sở sản xuất, giảm các khâu trung gian, hạ giá thành sản phẩm trong sản xuất.
Bên cạnh đó, khuyến cáo người chăn nuôi giảm đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt giảm đàn gia súc, gia cầm nhỏ lẻ có năng suất chất lượng thấp thông qua việc chuyển đổi ngành nghề cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hoặc chuyển sang chăn nuôi một số loài đặc sản.
Lê Thúy
Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Cần tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi và gắn với thị trường. Cụ thể, với những người chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ dân sẽ tập hợp lại thành các tổ hợp tác, HTX, hướng dẫn họ kết nối với các DN, các tập đoàn lớn để đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật có truy xuất nguồn gốc. Ông Nguyễn Trí Công - Giám đốc HTX Dịch vụ và Chế biến Đồng Hiệp – Đồng Nai Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi an toàn, giảm giá thành thông qua các giải pháp như hướng dẫn người dân lựa chọn các giống vật nuôi tốt cho năng suất cao, chất lượng tốt, quản lý tốt về dịch bệnh để giảm tỷ lệ chết, tổ chức sản xuất theo tổ hợp tác, HTX để mua các nguyên liệu đầu vào, tổ chức phối trộn thức ăn, giảm các khâu trung gian trong phân phối thức ăn chăn nuôi. Ts. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Ngành chăn nuôi cần xây dựng các chuỗi giá trị hàng Việt Nam khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm giá thành để cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm NK. |