Những năm gần đây, xu hướng sử dụng thịt bò ngoại đang ngày càng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh thịt bò nội chưa rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, loạn giá cả theo kiểu cùng một chợ nhưng giá thịt bò chênh nhau tới cả vài chục nghìn đồng/ kg khiến người dùng hoang mang, bất an về chất lượng.
Ngao ngán với bò nội
Khảo sát tại chợ Tân Xuân, Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội), một tiểu thương bán thịt bò quảng cáo: "Thịt bò rất rẻ! Chỉ 120.000 đồng loại thịt ba chỉ, ức bò, 200.000 đồng/kg loại bắp bò, thịt thăn".
Tuy nhiên, sang một quầy hàng thịt bò cách đó không xa, người bán hàng ở đây cho biết giá thịt bò các loại đang bán dao động 200.0000 – 250.000 đồng/kg. Khi so sánh với mức giá mà tiểu thương quầy hàng trước đưa ra, tiểu thương này nói: "Làm gì có chuyện bắp bò có giá 200.000 đồng/kg".
Việc chênh giá này không chỉ xảy ra tại chợ Tân Xuân mà tương tự tại nhiều chợ dân sinh ở Hà Nội.
Chị Hương, tiểu thương bán thịt bò, cho biết các tiểu thương thường nhập thịt từ các lò mổ trên địa bàn Hà Nội, tuy nhiên không phải lò mổ nào cũng bán đúng thịt bò. Ngay cả những tiểu thương bán thịt bò lâu năm cũng phải đi khảo sát tận nơi, mua về ăn thử rồi mới quyết định đầu mối nhập hàng.
"Qua kinh nghiệm, tôi thấy tiền nào của nấy, giá thịt bò trung bình thường 220.000 – 300.000 đồng/kg mới đảm bảo chất lượng", chị Hương ví dụ.
Chị Loan, chủ một lò mổ thịt bò (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), cho biết giá thịt bò hơi trung bình đã 60.000 đồng/ kg, sau khi giết mổ, tỷ lệ thịt chỉ còn 50-55%, vì vậy giá thịt bò bán ra trung bình phải trên 150.000 đồng/kg mới có lãi.
"Giá rẻ như vậy có thể là thịt bò công nghiệp hoặc thịt lợn nái giả thịt bò (thịt lợn nái có màu y như thịt bò). Thậm chí cũng có thể là thịt lợn tẩm hóa chất thành thịt bò", chị Loan nghi ngờ.
Nhiều người tiêu dùng quyết định sử dụng thịt bò ngoại thay vì bò nội |
Chuộng bò ngoại
Trước những bất an trên, dịp Tết Nguyên đán này, nhiều người tiêu dùng quyết định sử dụng thịt bò ngoại. Khảo sát thị trường Hà Nội, thịt bò ngoại dường như đang chiếm ưu thế. Đối với thịt bò cao cấp dùng cho các nhà hàng hạng sang, khách sạn cao cấp thì có thịt bò Kobe Nhật Bản, thịt bò Mỹ xách tay. Phân khúc thịt bò tươi có thịt bò nhập nguyên con từ Australia về giết mổ tại Việt Nam. Phân khúc thấp sử dụng thịt bò đông lạnh.
Một người tiêu dùng cho biết hiện giá thịt bò nhập khẩu chỉ cao hơn giá thịt trong nước 10-20% nhưng đáp ứng được các tiêu chuẩn, an tâm về chất lượng. Do vậy, Tết này thay vì chọn thịt bò nội, chị quyết định mua thịt bò Australia trong siêu thị với giá khoảng 350.000 đồng/kg.
Chị Mai, một đầu mối phân phối thực phẩm tươi sống tại Hà Nội, cho biết người tiêu dùng hiện nay thường có xu hướng lựa chọn thịt bò ngoại vì thịt bò Việt ăn hơi dai. Trong khi đó, do không kiểm soát chặt về chất lượng nên nhiều khi người tiêu dùng phản ánh "ăn thịt bò mà không phải là thịt bò".
Theo PGs.Ts. Nguyễn Văn Ngãi, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen, thị trường Việt Nam đang hình thành bộ phận người tiêu dùng có thu nhập rất cao, sẵn sàng chi nhiều tiền để mua thực phẩm cao cấp. Với họ, giá cả không phải là vấn đề, quan trọng là chất lượng.
Đối với sản phẩm thịt bò, hiện nay, thịt bò Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với bò nhập, không chỉ ở phân khúc chất lượng cao mà ở thị trường đại trà, với các sản phẩm giá rẻ từ Mỹ, Australia.
Ông Michael Patching, Giám đốc dịch vụ khu vực châu Á – Thái Bình Dương Hiệp hội Thịt và Gia súc Australia, đánh giá Việt Nam đang trở thành điểm đến của các nhà xuất khẩu bò trên thế giới.
Ngành thịt bò Việt Nam đang có tiêu chuẩn thấp nên các doanh nghiệp muốn cải tiến rất khó để bắt đầu. Các hiện tượng như bò bị bơm nước, thịt bò giết mổ xong để dưới sàn mất vệ sinh khá phổ biến. Trong khi đó, nhu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm cao nên xu hướng tiêu dùng các sản phẩm bò Mỹ, Australia ngày càng tăng.
Hơn nữa, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực vào ngày 14/1/2019 đang trở thành áp lực đối với ngành thịt bò trong nước. Các nước thành viên trong CPTPP như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Mexico, Canada được đánh giá là tiên tiến, hàng đầu về phát triển chăn nuôi bò.
Dữ liệu từ Worlds Top Export cho biết năm 2017, kim ngạch xuất khẩu thịt bò trên toàn thế giới đạt 44,4 tỷ USD, trong đó ba nước thành viên CPTPP góp mặt trong top 10 là Canada, Mexico, New Zealand.
Theo Cục Chăn nuôi, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam tăng rất nhanh. Trong đó, trung bình mỗi năm lượng nhập khẩu thịt bò đông lạnh tăng 30-40%. Điều này cho thấy áp lực cạnh tranh khi Việt Nam tham gia sân chơi quốc tế với sự tham gia của các cường quốc chăn nuôi như Australia, New Zealand là rất lớn.
Thy Lê