Dẫn thông tin mới nhất từ Sở Công thương Tp.HCM, Ts. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế Tp.HCM cho biết, một số doanh nghiệp (DN) logistics và thương mại độc lập sẽ tham gia bán hàng thiết yếu. Đồng thời, các sàn thương mại điện tử Tiki, Lazada và Sendo sẽ bán hàng rau củ quả để giúp tăng nguồn cung và giảm giá bán.
Đa dạng phân phối hàng hóa đầu cuối
Ngoài ra, UBND Tp.HCM vừa có văn bản khẩn về việc xây dựng phương án tổ chức điểm bán thực phẩm tại các chợ tạm ngưng. Trong đó, yêu cầu Sở Công thương nghiên cứu, hướng dẫn tổ chức hoạt động của các chợ truyền thống. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố có 40/234 chợ truyền thống tại 10 quận, huyện và Tp.Thủ Đức còn đang hoạt động.
Đa dạng phân phối đầu cuối là một trong những giải pháp tối ưu để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu ở “tâm dịch Covid-19” Tp.HCM. |
Có thể nói, đây là một trong những giải pháp để giúp giảm phụ thuộc vào hệ thống siêu thị như hiện tại.
Điều này được nhìn thấy qua việc khi các chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch thì chuỗi bán lẻ hiện đại của Bách Hoá Xanh được cho là hưởng lợi lớn. Thế nhưng, chuỗi cửa hàng này lại đang bị nhiều người tiêu dùng “tố” tăng giá bán giữa mùa dịch Covid-19 bùng phát.
Tuy vậy, theo ông Huân, nếu chưa có giải pháp căn cơ về chuỗi cung ứng nguồn hàng hóa cho hệ thống siêu thị, bao gồm hệ thống kho hàng quy mô lớn, nguồn cung hợp lý và linh hoạt, hình thức giao nhận qua mạng điện tử, và giảm bớt khâu trung gian thì hệ thống siêu thị trong thời gian ngắn hạn sẽ khó đáp ứng hàng hóa cho người dân Tp.HCM.
Bàn thêm về các giải pháp tối ưu để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trong dịch Covid-19 đợt 4 như hiện nay, Ts. Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh đến việc đa dạng hóa DN phân phối hàng hóa đầu cuối, tận dụng chuỗi cửa hàng sẵn có của DN. Điều đó vừa giúp tăng cường cung cấp thực phẩm cho người dân, vừa tạo điều kiện thu mua kịp thời nông sản cho người nông dân.
Như hiện tại, một số hệ thống cửa hàng mỹ phẩm, nhà thuốc tại Tp.HCM đã tận dụng làm điểm phân phối bán rau củ quả để giảm áp lực cho chuỗi siêu thị, vừa giảm tập trung đông người.
“Cuối cùng, đảm bảo giãn cách, đáp ứng được yêu cầu dịch tễ khi mở cửa lại chợ truyền thống ở dạng thu nhỏ quy mô. Hàng hóa cần được đóng gói sẵn nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp khi lựa chọn hàng hóa. Thời điểm khó khăn này, người dân cũng sẽ quen với yêu cầu mới”, ông Huân nói.
Vẫn lo chuỗi cung ứng tắc nghẽn
Bàn về yếu tố mấu chốt dưới góc độ thuần tuý kinh tế khiến khó giải quyết nguồn cung ổn định trong bối cảnh hiện tại, Ts. Phạm Công Hiệp, Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT, lưu ý đến yếu tố tâm lý của người tiêu dùng.
“Khi chứng kiến việc thiếu hụt nguồn hàng, người tiêu dùng lại càng lo lắng và càng muốn tìm mua được hàng ngay lập tức để đảm bảo an toàn lương thực thực phẩm cho bản thân và gia đình”, ông Hiệp chia sẻ.
Thực ra, theo ông Hiệp, tình trạng thu gom hàng đã diễn ra rất phổ biến ngay ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, châu Âu khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp và chính phủ bắt đầu thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy, cũng không có gì là lạ khi tình trạng này xuất hiện ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Riêng về vấn đề ở các siêu thị, ông Hiệp cho rằng, theo quy luật cung - cầu, cầu tăng và cung giảm thì giá sẽ tăng, nhưng siêu thị lại phải đảm bảo nguồn hàng với giá bình ổn thì chắc chắn sẽ gây khó khăn cho khâu thu mua hàng từ các nhà cung ứng.
Và với lượng khách hàng tăng đột biến, siêu thị cũng phải tuyển dụng thêm nhân sự, trả lương ngoài giờ cho nhân viên, hoặc phụ cấp cho nhân viên khi cường độ công việc tăng, dẫn đến các chi phí vận hành sẽ gia tăng.
“Đó là lý do vì sao một số hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi ngoài quốc doanh buộc phải tăng giá bán để trang trải các chi phí phát sinh. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ của người dân có thu nhập thấp, gây bất an xã hội”, ông Hiệp lý giải.
Xét về khía cạnh kinh tế, theo vị chuyên gia của RMIT, để tăng nguồn cung mặt hàng thực phẩm cần tăng năng lực sản xuất, vận chuyển hàng hóa hiệu quả, kho bãi hợp lý, và giá cả hấp dẫn cho người sản xuất.
“Tuy nhiên, vấn đề thiếu hụt hàng hóa, đặc biệt là rau quả tươi không phải do thiếu năng lực sản xuất, mà do chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, nhất là ở khâu thu mua nguyên liệu và kho bãi, dẫn đến hàng hóa không được phân phối đến người mua kịp thời. Đó là lý do vì sao mà bất chấp nỗ lực rất lớn từ Chính phủ và hệ thống siêu thị, việc khan hàng cục bộ vẫn xảy ra như hiện nay”, ông Hiệp nhận định.
Cần nhắc lại, thông tin từ cuộc họp trực tuyến mới đây của Bộ NN&PTT nhằm thúc đẩy sản xuất, cung ứng nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 cho thấy, hàng hoá thiết yếu để cung ứng cho thị trường các tỉnh, thành phía Nam và Tp.HCM là tương đối dồi dào. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất lại vẫn đang nằm ở khâu vận chuyển.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |