Trong ngày 19/7, hàng chục tấn rau củ quả từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được vận chuyển nhanh chóng bằng 2 tàu cao tốc đến Tp.HCM - nơi đang có số ca nhiễm Covid-19 lớn nhất cả nước và thiếu hụt nguồn cung các loại rau củ quả.
“Luồng xanh” đường thủy
Đây được cho là “luồng xanh” đường thủy. Theo dự kiến, những ngày sắp tới, số lượng tàu vận chuyển có thể tăng khi lượng hàng hóa dồi dào để vận chuyển hàng hoá nông sản thiết yếu nhằm phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ tăng cao ở Tp.HCM. Đặc biệt là trong bối cảnh vận chuyển đường bộ cho nông sản từ ĐBSCL đi Tp.HCM đang gặp khó vì vướng “giấy thông hành” kiểm dịch.
Vận chuyển nông sản từ ĐBSCL đi Tp.HCM bằng đường thuỷ với những tàu chuyên chở lớn là hướng đi cần được mở rộng. |
Theo đó, trong những ngày tới, có 5 tàu cao tốc (khoảng 20 tấn hàng hóa/chuyến) sẽ gom hàng tại các bến cảng nội địa ở các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Bến Tre... và cập bến Bạch Đằng (Tp.HCM) để lên hàng. Hàng hóa nông sản thiết yếu được vận chuyển bao gồm lương thực, thực phẩm như: gạo, mì gói, bún khô; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; rau củ quả; thủy hải sản.
Mặc dù việc vận chuyển nông sản bằng tàu cao tốc được cho là tốn kém nhiều nhiên liệu, nhân lực cũng gấp nhiều lần xe tải, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, tính hiệu quả cấp thời giữa đại dịch là rất cần thiết khi thiết lập được tuyến đường thẳng “không dừng” để đi từ vùng nông nghiệp sang vùng đô thị.
Và việc này cũng gợi mở về triển vọng gia tăng vận chuyển đường thuỷ từ ĐBSCL lên Tp.HCM với những con tàu, sà lan chuyên chở lớn (thay vì đắt đỏ như tàu cao tốc) để có thể giảm chi phí logistics cho ngành hàng nông sản, nhất là khi chi phí logistics ở vùng ĐBSCL hiện chiếm 30% giá thành sản phẩm nông sản.
Giám đốc một HTX vận tải ở tỉnh Tiền Giang cho biết, dù vận chuyển bằng đường thủy về mặt thời gian có thể chậm hơn đường bộ, nhưng cùng một quãng đường như nhau, một chiếc sà lan vận tải cả ngàn tấn nông sản sẽ có chi phí thấp hơn rất nhiều.
Qua tính toán, việc vận chuyển nông sản bằng đường thủy từ ĐBSCL lên Tp.HCM hiệu quả sẽ tăng hơn 50% so với vận tải đường bộ.
Trong khi đó, nhìn vào tình hình vận chuyển nông sản ở ĐBSCL giữa dịch Covid-19 đợt 4 như hiện nay sẽ thấy, ngoài việc ùn ứ ở các chốt kiểm soát vì vướng kiểm dịch, thì “căn bệnh” cố hữu vẫn là tính chậm trễ, đặc biệt khi giao nhận liên tỉnh.
Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh nghiệm quốc tế cho thấy, so với vận tải đường bộ, vận tải thủy và pha sông biển có thể giúp giảm chi phí logistics. Chi phí vận chuyển một container 40 feet có thể chỉ bằng 10% chi phí vận tải đường bộ nếu như có đủ hàng hóa để tính toán lợi thế kinh tế của quy mô.
Tận dụng vận tải đa phương thức
Đặc biệt là ở khu vực ĐBSCL, các chuyên gia cho rằng, để vừa giảm thiểu chi phí logistics cho nông sản, vừa gia tăng vận chuyển bằng đường thuỷ đi Tp.HCM, hạ tầng đường thủy cần tiếp tục được cải thiện đáng kể về đội tàu, bến tàu nổi (hạ tầng cảng), đồng thời tiến hành nạo vét, mở rộng các dòng kênh để duy trì độ sâu các tuyến đường thủy.
Có thể nói, giữa bối cảnh dịch Covid-19 đợt 4 vẫn đang căng thẳng ở Tp.HCM và các tỉnh ĐBSCL, việc tháo gỡ các điểm nghẽn nhằm đảm bảo cho việc lưu thông hàng hoá nông sản thiết yếu thuận lợi nhất, nhanh nhất là cực kỳ quan trọng.
Do đó, ngoài việc mở thêm “luồng xanh” cho vận tải đường thuỷ, vẫn rất cần khơi thông vận tải đa phương thức. Đặc biệt là khi phương án vận chuyển nông sản ở ĐBSCL thông dụng nhất hiện nay vẫn theo phương thức truyền thống là đường bộ, khiến chi phí bị đội giá rất cao.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp logistics, vận chuyển đa phương thức ở lĩnh vực nông sản cũng cần nắm rõ các quy định của từng thị trường tiêu thụ và xu hướng của người tiêu dùng để đảm bảo cung cấp dịch vụ cho phù hợp.
Như tại Tp.HCM, giữa thời điểm dịch bệnh, các dịch vụ vận chuyển, giao hàng vẫn đang ăn nên làm ra khi nhu cầu mua sắm nông sản thiết yếu bằng thương mại điện tử (TMĐT) tăng cao.
Ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc điều hành của Loship cho biết, sự bùng nổ của TMĐT đang kéo theo sự phát triển của các dịch vụ logistics và last-mile delivery (giao hàng chặng cuối) nhằm mang đến trải nghiệm mua sắm trọn vẹn cho người dùng.
Ngoài ra, dịch vụ giao hàng theo yêu cầu (on-demand delivery) cũng đang tăng trưởng thần tốc nhằm đáp ứng nhu cầu giao hàng ngay lập tức của người dùng, đặc biệt trong phân khúc giao hàng thực phẩm (food delivery).
Tuy nhiên, ông Trung lưu ý, một trong những thách thức chính mà ngành logistics ở Việt Nam phải đối mặt là vấn đề thanh toán. Với nền tảng Loship phải xử lý khoảng 100 nghìn giao dịch mỗi ngày, 80% trong số đó là COD (thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng) có thể dẫn đến tình trạng khách hàng không muốn nhận hàng và hoàn trả lại sản phẩm, làm tăng thêm chi phí vận hành.
Theo giới chuyên gia, nếu việc tận dụng vận chuyển đường thuỷ và vận tải đa phương thức được khơi thông, cũng như có được những phương án tốt hơn nữa cho logistics nông sản từ ĐBSCL đi Tp.HCM, người tiêu dùng và nông dân sẽ được hưởng lợi thay vì đang gặp bất lợi về mặt giá cả như hiện tại.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |