Mới đây, CTCP Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo lợi nhuận quý 3/2022 của ngành may sẽ giảm 25-30% so với quý 2/2022. Bên cạnh đó là nguy cơ giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng dù đã ký kết có khả năng xảy ra rất cao do diễn biến kinh tế không thuận lợi ở các thị trường chính.
Chi phí cao "ăn mòn" lợi nhuận
Theo Vinatex, chỉ số giá nguyên liệu nhập khẩu tăng 11,2% nhưng giá trị sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,5%, biên lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) sản xuất bị bào mòn đáng kể.
Nhiều DN sản xuất có mức tồn kho cao trong khi sức mua thấp, nhu cầu tín dụng tăng cao do tồn kho, kéo dài thời gian thanh toán và khách hàng, dòng tiền bị hạn chế. Lãi suất cho vay của các ngân hàng có xu thế tăng mạnh, áp lực lên chi phí vay, nhất là đối với các DN đang cần dùng nhiều vốn.
Lợi nhuận của các DN nội địa trong ngành dệt may bị bào mòn đáng kể khi chỉ số giá nguyên liệu nhập khẩu vẫn neo giữ ở mức cao. |
Báo cáo tài chính quý 2/2022 mới công bố của các DN dệt may cho thấy sự trái chiều về mặt lợi nhuận: một số DN tiếp tục lãi lớn, nhưng một số DN do chi phí cao dẫn đến lợi nhuận bị "ăn mòn". Và điều khiến giới phân tích e ngại là các DN dệt may khó duy trì được lợi nhuận tốt trong 5 tháng cuối năm 2022.
Đặc biệt là khi ngành này vẫn đang tiếp tục xoay xở với giá nguyên liệu đầu vào còn duy trì ở mức cao. Chẳng hạn như ngành sợi đang có cầu thấp, giá thấp, còn giá bông - nguyên liệu chính cho sản xuất vẫn ở mức từ 3,2-3,4 USD/kg. Trong khi giá sợi hiện tương ứng với giá bông chỉ 2,5 USD.
Hoặc như giá sợi polyester và sợi bông ở Trung Quốc từ đầu năm 2022 đến nay đều tăng từ 10% -18% so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đến chi phí vải tăng lên và ảnh hưởng đáng kể đến biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước tại Việt Nam - đặc biệt là những DN có phần lớn đơn hàng FOB (hình thức may gia công, xưởng may tự chủ nguyên liệu đầu vào).
Theo các công ty sản xuất hàng may mặc trong nước, khách hàng đã rút ngắn thời gian đặt trước đơn hàng (ngoại trừ kỳ nghỉ lễ trong quý 4/2022) do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu (XK) ở mức cao và áp lực lạm phát.
Trước đây, khách hàng thường đặt hàng trước 6 tháng thì nay chỉ đặt trước 3 tháng. Do đó, ước tính tăng trưởng doanh thu của các công ty sản xuất dệt may tại Việt Nam sẽ giảm tốc trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
Các công ty cũng dự kiến chi phí sợi, vải, logistics và nhân công vẫn neo ở mức cao và sự cạnh tranh trên thị trường lao động (chủ yếu với các nhà máy FDI) sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ chuỗi cung ứng hàng dệt may, từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ. Vì vậy, biên lợi nhuận gộp của các công ty dệt may nội địa được dự báo tiếp tục bị thu hẹp.
Doanh nghiệp cần gì để vượt khó?
Tại buổi gặp mặt mới đây của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) với các DN dệt may ở quận Tân Bình và Tp. Thủ Đức (TP. HCM), các DN cũng than phiền về việc giá nguyên phụ liệu tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận.
Ngoài ra, các DN chia sẻ thực trạng hiện nay là việc thiếu lao động nghiêm trọng, thiếu nguồn nguyên phụ liệu có xuất xứ từ Việt Nam, áp lực về chi phí logistics quá cao, áp lực tăng lương và đảm bảo thu nhập cho công nhân. Ngoài ra, DN còn gặp khó khăn trong chuyển đổi số, sử dụng năng lượng tái tạo…
Đặc biệt, tình hình thiếu hụt lao động dệt may đã được phản ánh nhiều trong thời gian qua. Sau tác động của đại dịch Covid-19 dẫn đến việc nhiều lao động về quê không trở lại hoặc làm việc tại các nhà xưởng ở quê nhà do các DN may mặc chuyển đến cũng khiến các DN may mặc ở Tp.HCM thêm khó khăn. Do tình hình này nên gần đây, một số DN đã không dám nhận thêm đơn hàng mới.
Việc thiếu lao động cũng là nỗi lo chung của các DN dệt may ở phía Nam, trong khi khu vực này hiện chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch XK của cả ngành.
Qua buổi gặp mặt nêu trên, đại diện Vitas đã khuyến nghị với DN: con đường tất yếu là phải chuyển đổi số, áp dụng tự động hóa, sử dụng năng lượng tái tạo, chấp nhận xu thế giảm lao động…, cũng như lựa chọn mặt hàng, sản phẩm khác biệt, có chất lượng cao, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu.
Còn xét trong phạm vi ngành, Vitas cho rằng cần có chiến lược phát triển sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Chính phủ và địa phương cũng cần tạo điều kiện để xây dựng các khu công nghiệp dệt may tập trung quy mô lớn…
Thống kê cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, XK hàng dệt may của cả nước đạt 22,1 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, với mục tiêu đạt kim ngạch XK 43 tỷ USD trong năm nay được cho là còn nhiều thách thức ở phía trước.
Nhất là khi nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ ảm đạm bao trùm trong các tháng cuối năm 2022 và có thể sẽ tiếp diễn trong nửa đầu năm 2023. Lạm phát tại các nước phát triển tiếp tục tăng cao, mức trung bình là 6,6%, các nước đang phát triển là 9,5%, dẫn đến người tiêu dùng tiết giảm chi tiêu đối với mặt hàng dệt may.
Không chỉ vậy, biến động về tỷ giá như thời gian gần đây cũng là một “phép thử” cho các DN nội trong ngành dệt may. Như lưu ý của chuyên gia kinh tế Phan Minh Hòa (Đại học RMIT), có một điểm cần lưu ý là với một số mặt hàng là để XK thì DN cần nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu. Vì vậy, nếu USD tăng giá khiến cho doanh thu XK bằng USD được lợi, thì chi phí nhập khẩu, chi phí vận tải, logistics, kho bãi, vay nợ bằng USD cũng tăng.
Cho nên, việc đánh giá "được, mất" từ biến động tỷ giá sẽ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi DN ngành dệt may. Một khi còn phụ thuộc nhập khẩu nguyên phụ liệu với mức giá đắt đỏ, để vượt khó thì việc cần làm của các DN nội địa trong ngành này là nên tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm các đối tác thay thế, đặc biệt từ trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ giúp giảm bớt chi phí.
Thế Vinh