Tính riêng ở một địa phương phát triển mạnh về sản xuất công nghiệp như tỉnh Đồng Nai, thống kê cho thấy trong 7 tháng đầu năm 2022 giá trị nhập khẩu (NK) hóa chất đã tăng trên 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lo đà tăng của nhập khẩu làm giảm sức cạnh tranh
Thực ra, con số tăng trưởng NK nêu trên vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh điểm như hồi Quý I/2022 với kim ngạch NK hoá chất của tỉnh Đồng Nai ước đạt 525 triệu USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2021. Thời điểm trên, đây là mặt hàng đạt kim ngạch NK cao nhất tỉnh này, chiếm 11,2% tổng kim ngạch NK của tỉnh.
Một số thị trường NK chủ yếu đối với mặt hàng hoá chất này có thể kể đến như: Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Rất nhiều ngành sản xuất cần sử dụng nguyên liệu hóa chất, nhưng do chưa tìm được nhà cung cấp hoá chất trong nước phù hợp nên buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu. |
Theo ước tính mỗi năm các doanh nghiệp (DN) tại địa phương nêu trên phải chi hơn 2 tỷ USD để NK hóa chất và sản phẩm hoá chất. Nhất là khi có nhiều ngành sản xuất rất cần sử dụng hóa chất như: Giày dép, mũ, dệt may, xơ sợi dệt, công nghiệp sơn phủ và mực in, giấy, cao su, nhựa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất máy móc, phụ tùng, sản phẩm từ gỗ, sản phẩm từ sắt thép…
Từ trường hợp ở Đồng Nai để thấy với các địa phương đang đẩy mạnh sản xuất công nghiệp nhằm phục vụ cho các ngành xuất khẩu chủ lực thì việc bỏ ra khoản chi phí “khủng” hàng tỷ USD để NK nguyên liệu hoá chất đầu vào là điều đáng lưu tâm. Nhất là theo số liệu mới cập nhập từ Bộ Công Thương cho thấy tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022 kim ngạch NK hóa chất đã tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoá chất được ghi nhận đang nằm trong nhóm các mặt hàng NK có mức tăng cao từ đầu năm 2022 đến nay. Trong khi đó, theo phản ánh của nhiều DN, dù muốn tìm nguồn hóa chất nội địa để giảm chi phí logistics và chủ động hơn trong sản xuất, thế nhưng do trong nước chưa tìm được nhà cung cấp hoá chất phù hợp nên buộc họ phải NK.
Tuy nhiên, việc NK nguyên liệu hoá chất và sản phẩm hoá chất với mức giá cao cũng là một khó khăn lớn cho phía DN. Điều này góp phần làm tăng giá thành ở một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực, dẫn đến giảm sức cạnh tranh cho hàng Việt.
Trao đổi với VnBusiness bên lề Triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành cho 4 ngành Công nghiệp có liên quan đến hoá chất: Sơn, Giấy, Cao su, Nhựa (tổ chức ở Tp.HCM từ ngày 3 đến 5/8), ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hoá chất (Bộ Công Thương), cho biết vừa rồi Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam (VPIA) có than phiền về việc NK nguyên liệu hoá chất đầu vào với mức giá quá cao. Điều này dẫn đến giá đầu ra của sản phẩm cũng cao theo, nên mức độ cạnh tranh cũng thấp đi.
Theo ông Thanh, các DN ngành sơn phủ và mực in phụ thuộc tương đối nhiều vào nguồn nguyên liệu hoá chất NK như dung môi pha sơn, dầu gốc, màu, pha màu trong sơn... Nếu muốn giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh thì buộc họ phải cần chủ động được nguồn nguyên liệu hoá chất trong nước. Điều này đòi hỏi ngành công nghiệp sơn phủ và mực in phải tái đầu tư trở lại, chẳng hạn như việc sản xuất các loại dung môi.
Chờ bước đi chính đáng của doanh nghiệp
Vị cục trưởng Cục Hoá chất cho rằng, có rất nhiều ngành công nghiệp (trong đó có công nghiệp hoá chất) ở Việt Nam phụ thuộc vào nguyên liệu. Và khi giá nguyên liệu tăng lên, nguồn cung thấp đi, sẽ tác động đến các ngành sản xuất trong nước.
Và một khi phụ thuộc vào nguyên liệu hoá chất từ nước ngoài thì khả năng cạnh tranh của các DN trong ngành hàng xuất khẩu chủ lực sẽ giảm đi. Cần lưu ý là lâu nay các DN thông thường sẽ phát triển mạng lưới kinh doanh sao cho thành công rồi mới đầu tư thêm cho sản xuất các nguồn nguyên liệu thay thế nguồn NK.
Bước đi này của DN được cho là chính đáng. Chỉ khi DN tự chủ được nguồn cung để không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ nước ngoài thì khi đó DN mới có thể phát triển tốt thêm. Thực tế là thời gian gần đây đã có không ít DN Việt nói chung và DN trong ngành hoá chất nói riêng đang đi theo hướng này.
Tuy vậy, điểm hạn chế là ngành công nghiệp hoá chất ở Việt Nam lại không có công nghệ nguồn. Cho nên chúng ta buộc phải NK công nghệ theo các dự án và đương nhiên khó tránh chuyện cạnh tranh không cao trên thị trường quốc tế. Điều mà các DN quan tâm là cơ chế chính sách để phát triển công nghệ nguồn cho ngành hoá chất, trên cơ sở đó mới có thể thúc đẩy được sức cạnh tranh cho DN tốt hơn.
Cần nhắc lại, hồi tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 726/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 với quan điểm phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp hóa chất.
Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 là nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước bình quân các sản phẩm hóa dầu lên 40%, hoạt chất bảo vệ thực vật lên 30%, hóa chất cơ bản lên 70%, cao su kỹ thuật lên 40%, ắc quy lên 75%…
Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Văn Thanh, qua theo dõi quản lý xuất nhập khẩu hoá chất thì thấy rằng lượng NK tương đối nhiều. Chính vì vậy, chính sách phát triển công nghiệp hoá chất trong thời gian tới sẽ định hướng một số lĩnh vực ưu tiên và có tính chiến lược ở Việt Nam, kèm theo đó là các cơ chế chính sách hỗ trợ cho DN, nhất là cơ cấu lại các sản phẩm hoá chất nhằm đảm bảo nguồn cung tối thiểu cho các DN.
Thế Vinh