Thông tin mới đưa ra từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) cho thấy hoạt động xuất khẩu (XK) thuỷ sản trong tháng 7/2022 đã chững lại, với giá trị XK đạt 970 triệu USD, giảm 4% so với tháng trước.
Lo xuất khẩu ngành hàng chủ lực tiếp tục giảm tốc
Chuyên gia phân tích của Vasep cho rằng, trước tác động của lạm phát và xu hướng tăng giá XK của các nước nên nhu cầu nhập khẩu của các thị trường cũng có những thay đổi phù hợp.
Chẳng hạn như nhu cầu tôm thế giới được dự báo là không khả quan trong 5 tháng cuối năm nay. Trong khi đó, cá tra lại là một mặt hàng có lợi thế khi lạm phát lên quá cao ở nhiều thị trường, người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu, chuyển hướng sang các sản phẩm có giá phù hợp như cá tra phi lê đông lạnh.
Ngoài ra, trong quý 3/2022, ảnh hưởng của biến động tỷ giá giữa đồng Euro và đồng USD cũng đã bắt đầu tác động đến nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến XK thủy sản.
Lạm phát tăng cao trên thế giới và biến động tỷ giá đang đòi hỏi các doanh nghiệp cần liên tục theo dõi các biến động nhằm tránh bất lợi cho xuất nhập khẩu trong 5 tháng cuối năm 2022. |
Như ở thị trường EU, việc đồng Euro mất giá khá mạnh so với đồng USD khiến các nhà nhập khẩu buộc phải tăng giá bán. Đồng tiền mất giá cũng làm người dân các nước thắt chặt chi tiêu hơn, từ đó, các DN giảm số lượng nhập khẩu và tìm cách ép giá các nhà cung cấp thủy sản.
Với ngành dệt may, theo nhận định mới đây từ CTCP tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nguy cơ trong quý 3/2022, DN sợi nhiều khả năng phải bán hàng dưới giá thành do giá nguyên liệu trong kho còn cao, hoặc chấp nhận tồn kho.
Còn với ngành may, tình trạng thiếu đơn hàng cục bộ sẽ diễn ra trong 3 tháng tới, nhất là mặt hàng dệt kim. Tình hình đơn hàng trong các tháng 11 và 12/2022 chưa rõ, tuy nhiên lợi nhuận quý 3 của ngành may dự báo sẽ giảm 25-30% so với quý 2.
Đánh giá về tình hình các tháng cuối năm nay, đại diện Vinatex cho rằng, chỉ số giá nguyên liệu nhập khẩu tăng 11,2%, giá trị sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,5%; biên lợi nhuận của DN sản xuất bị bào mòn đáng kể. Tiếp đó là nguy cơ giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng dù đã ký kết có khả năng xảy ra rất cao do diễn biến kinh tế không thuận lợi ở các thị trường chính, lạm phát cao dẫn đến người tiêu dùng tiết giảm chi tiêu.
Hay như ở ngành gỗ: Giá trị XK gỗ và lâm sản tháng 7/2022 ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng 6/2022 và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, đây là tháng thứ 2, XK gỗ và lâm sản giảm tốc.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), lạm phát tăng cao ở Mỹ khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, có thể ảnh hưởng tới XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường XK chủ lực này trong những tháng tới. Ngoài thị trường Mỹ, nhiều thị trường khác trong khối EU cũng đang đối mặt với tình hình lạm phát tăng cao.
Cần liên tục theo dõi những biến động
Do đó, XK gỗ và sản phẩm gỗ trong 5 tháng cuối năm 2022 được dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức cả về thị trường lẫn chuỗi cung ứng, khi tình hình lạm phát thế giới tăng cao khiến sức mua hàng giảm, chi phí vận chuyển tăng cao.
Trong thời gian tới, như lưu ý của chuyên gia kinh tế Phan Minh Hòa (Đại học RMIT), các DN xuất nhập khẩu cần liên tục theo dõi những biến động tỷ giá, và cập nhật về tình hình lạm phát, lãi suất, dịch bệnh Covid-19, chiến sự Nga - Ukraine... để có thể lựa chọn thị trường XK, nhập khẩu và đa dạng hóa.
Riêng về bài toán tỷ giá, những nhận định mới nhất cho thấy đà tăng của USD sẽ còn tiếp tục. Đặc biệt là trong bối cảnh dự báo triển vọng của nền kinh tế thế giới vẫn chưa khả quan, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất (mới đây nhất ngày 27/7/2022 tiếp tục tăng thêm 75 điểm phần trăm lên mức 2-2,5%).
Trước việc đồng USD đã tăng giá cao trên cả thị trường trong nước và quốc tế, ông Hoà cho rằng các DN xuất nhập khẩu cần chọn thị trường phù hợp và đồng tiền thanh toán có lợi.
Với một số mặt hàng, để XK thì các DN cần nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu, vì vậy nếu USD tăng giá khiến cho doanh thu XK bằng USD được lợi, thì chi phí nhập khẩu, chi phí vận tải, logistics, kho bãi, vay nợ bằng USD cũng tăng.
“Nhìn rộng ra, bên cạnh tỷ giá, điều đáng ngại hơn cho XK là triển vọng không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới, với việc lạm phát gia tăng, nguy cơ suy thoái và người tiêu dùng các nước buộc phải thắt chặt dần chi tiêu”, vị chuyên gia của RMIT nói.
Theo ông Hoà, các nhà hoạch định chính sách cần đảm bảo sự cân đối giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát. Nếu VND mất giá quá nhanh, chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu bị lên cao ảnh hưởng đến sản xuất, lạm phát sẽ gia tăng trong bối cảnh đã có rất nhiều sức ép, ngoài ra còn tăng gánh nợ nước ngoài, và dễ rủi ro bị Mỹ xem xét thao túng tiền tệ.
Ngược lại, nếu tỷ giá bị kiềm chế quá mức, trong khi những đồng tiền khác đã mất giá, hàng hóa XK lại sẽ mất sức cạnh tranh.
Còn đối với các công ty nhập khẩu, chuyên gia của RMIT nhấn mạnh việc tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm các đối tác thay thế, đặc biệt từ trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ giúp giảm bớt chi phí.
Thế Vinh