Đúng hai năm trước, tại các vùng nguyên liệu dứa ở các huyện Yên Định, Thạch Thành, Thọ Xuân (Thanh Hóa)… từng chứng kiến cảnh tượng thương lái Trung Quốc thu mua dứa với giá cao ngất 6.800 – 7.500 đồng/kg so với mức giá ban đầu là khoảng 4.000 đồng/kg.
Cảnh báo thành hiện thực
Chỉ trong thời gian ngắn vào thời điểm này của năm 2017, các thương lái Trung Quốc "vơ vét" hết dứa từ quả to đến quả nhỏ, đang xanh và cả hoa, khiến nhiều nhà máy trên địa bàn có nguy cơ đóng cửa vì không còn dứa nguyên liệu.
Khi ấy, đã có những ý kiến cảnh báo là trước mồi nhử về giá cao từ thương lái Trung Quốc thì sang các năm tới, nếu các nông dân ở các địa phương trồng nhiều dứa dẫn đến rủi ro dư thừa chắc chắn sẽ bị rớt giá thê thảm. Lẽ ra chính quyền địa phương nên sớm lên tiếng, tuyên truyền để nông dân trồng dứa cần tỉnh táo.
Đến nay, những cảnh báo đó đã thành hiện thực, khi Thanh Hóa trồng nhiều dứa chỉ để xuất tiểu ngạch và đang lúng túng. Thậm chí, ngay tại tỉnh Lào Cai – một địa phương có đường biên giới với Trung Quốc, những ngày gần đây cũng đang gặp vấn đề về dứa xuất tiểu ngạch bị ùn lại khi Trung Quốc ngừng thu mua dứa, dẫn đến giá dứa trên địa bàn đang từ 8.000-9.000 đồng/kg rớt xuống còn 1.800 đồng/kg.
Với 1.200ha trồng dứa đang bước vào vụ thu hoạch nhưng không tiêu thụ được, nông dân Lào Cai chỉ biết kêu trời. Như ở huyện Mường Khương, mùa thu hoạch dứa đang rộ nhưng không xuất được chất đống khắp nơi, thậm chí phải đổ đi cả xe tải, làm thức ăn cho trâu bò. Có nông dân trong một ngày phải thuê người đổ bỏ 4 xe tải dứa.
Chia sẻ về vấn đề này tại buổi họp báo giới thiệu Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao Tp.HCM 2019 (từ 26/4 – 1/5) vào cuối tuần qua, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết rất thất vọng khi Lào Cai là một địa phương sát với Vân Nam (Trung Quốc) nhưng một phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh này lại nói là "thua canh bạc này rồi vì Trung Quốc cắt cầu, không nhập dứa tiểu ngạch của Lào Cai".
"Trong khi đó, thực ra việc xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc đã được báo động cách đây một năm. Vào tháng 5/2018, cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết từ đầu năm 2019 sẽ kiên quyết giảm dần nhập tiểu ngạch cho đến cắt luôn tiểu ngạch", bà Hạnh lưu ý.
Theo bà Hạnh, làm gì có canh bạc nào, mà cũng chẳng có cuộc "cắt cầu" lừa đảo nào, không hiểu sao đến bây giờ có viên chức lãnh đạo sở nông nghiệp lại còn suy nghĩ như vậy? Thực tế là, chúng ta quá chậm cập nhật những thông tin về chính sách, về tiêu chuẩn, về chất lượng của những quốc gia nhập khẩu nông sản của mình.
![]() |
Xuất chính ngạch với các nhà nhập khẩu Trung Quốc là đều nên làm |
Hướng tới chính ngạch
Liệu người nông dân có biết Trung Quốc yêu cầu từ ngày 1/5/2019 sẽ áp dụng quy định mới về gắn tem mác, vật lót, bao bì đối với dưa hấu, chuối, mít? Quy định tuy không quá cao nhưng đủ sức gây khó cho hàng Việt Nam vì quán tính "dễ dãi" và "thích" đi đường tiểu ngạch.
Quan trọng hơn, còn một loạt yêu cầu mới: Yêu cầu kỹ thuật về an toàn nguyên liệu, thực phẩm; quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của Trung Quốc; yêu cầu đăng ký mã số vùng trồng, địa danh với Hải quan Trung Quốc; khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc vùng trồng…
Đặc biệt, từ 1/10/2019, sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có Chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp cho từng lô hàng.
Như băn khoăn của bà Vũ Kim Hạnh, nếu lãnh đạo Sở NN&PTNT Lào Cai cho rằng mình bị thua một canh bạc thì tại sao lại mang nông dân ra để "đánh bạc" suốt như vậy?
Từ câu chuyện giá dứa ở Lào Cai chỉ còn bằng giá một cốc trà đá, giới chuyên gia cho rằng một tương lai u ám cho những người sản xuất nông nghiệp vẫn hiển hiện nếu còn giữ cung cách làm ăn kiểu "đánh bạc" như vậy.
Sẽ khó có thể kêu gọi "giải cứu" nông sản mãi khi không xuất được sang Trung Quốc (là thị trường lớn nhất và chi phối rất nhiều với nông sản Việt – PV) trong khi chúng ta "trở bộ" quá chậm.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc CTCP Vinamit, cho rằng nông dân Việt Nam không nên hy vọng có thể xuất khẩu qua đường tiểu ngạch như trước nữa. Muốn vào thị trường Trung Quốc chỉ còn cách duy nhất là đi đường chính ngạch. Trung Quốc cũng đã tạo điều kiện cho mua bán chính ngạch khi giảm thuế từ 17% trước đây còn 3% – 4%.
Theo ông Viên, chính sách siết nhập khẩu nông sản tiểu ngạch của Trung Quốc là điều tốt cho cả nước này và phía Việt Nam, xuất khẩu qua biên mậu không thể tồn tại mãi được khi có quá nhiều bất cập.
"Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ còn là câu chuyện được nói rất nhiều, với nhiều vấn đề, nhiều góc độ. Nhiều lần tôi đánh giá là chúng ta vẫn đang hiểu sai, hiểu lầm về thị trường này, cho nên cần hiểu đúng lại", ông Viên chia sẻ.
Thế Vinh