Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), 10 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu (XK) cá tra sang thị trường Trung Quốc – Hong Kong đạt 437,9 triệu USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2017. Mặc dù tốc độ tăng trưởng đang dần dần "hạ nhiệt", nhưng dự báo tới cuối năm, XK cá tra sang thị trường lớn nhất này vẫn ổn định mức tăng hai con số.
DN Trung Quốc chuyển hướng
Hiện nay, Việt Nam là nhà cung cấp cá thịt trắng lớn thứ ba cho thị trường Trung Quốc (sau Nga và Na Uy). Cá Cod đông lạnh (HS 030363), cá Alaska pollock đông lạnh (HS 030367) và cá tra, basa phile đông lạnh (HS 030462) là ba nhóm sản phẩm nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc trong năm 2017.
Tỷ trọng sản phẩm cá Cod trong cơ cấu nhập khẩu cá thịt trắng của Trung Quốc chiếm tới 41,5% tổng giá trị, trong khi cá tra, cá basa mới chiếm 5,7% tổng nhập khẩu.
Hiện nay, ngành cá tra Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, được xem là rủi ro lớn. |
Tuy nhiên, khả năng XK của các DN Việt Nam vào thị trường Trung Quốc đang gặp một thách thức rất lớn, đó là việc chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng thủy sản của nước này.
Hiện nay, một số DN nhập khẩu cá tra Trung Quốc đang chuyển dần sang đầu tư nuôi cá tra tại nội địa và tính toán cho hoạt động xuất nhập khẩu trong tương lai. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang khiến cá rô phi Trung Quốc bị thất thế nặng nề trên thị trường XK lớn Mỹ, do đó các công ty Trung Quốc đang nỗ lực chuyển hướng sang việc sản xuất cá tra.
Theo Vasep, những động thái đầu tư vào nuôi cộng với những tính toán khó lường trong hoạt động nhập khẩu cá tra từ Việt Nam của Trung Quốc là điều mà DN XK cá tra Việt Nam nên cân nhắc.
Hiện nay, ngành cá tra Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, được xem là rủi ro lớn.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep, Trung Quốc không chỉ là một thị trường rộng lớn, XK cá tra vào thị trường này tăng trưởng liên tục mà còn là quốc gia có nền ẩm thực khá phong phú. Song, đây là thị trường chưa ổn định, ở thị trường chính ngạch, các DN Việt Nam đang bối rối vì nhiều quy định của Trung Quốc.
Ví dụ, quy định hàm lượng phosphate trong sản phẩm cá tra của Liên minh châu Âu (EU) là không vượt quá 4%, nhưng Trung Quốc khi kiểm tra sản phẩm cá tra lại chỉ đưa ra nhận định "sản phẩm có dư lượng và không đạt tiêu chuẩn của Trung Quốc".
Điều đó dẫn tới, thống kê của Vasep cho thấy, năm 2017 có hơn 40% tổng sản lượng cá tra XK sang Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch với giá bán thấp hơn so với đường chính ngạch 1 USD/kg.
Lo "đội lốt" hàng Việt?
Theo bà Tô Tường Lan, Phó Tổng Thư ký Vasep, nếu chúng ta không có chiến lược dài hạn và quản lý chặt chẽ sẽ rất dễ bị làm khó tại thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, trong bối cảnh khan hiếm nguyên liệu như hiện nay, sẽ diễn ra việc cạnh tranh thu mua nguyên liệu XK sang thị trường giá trị cao như Mỹ, EU và tiểu thương gom hàng để mua bán qua mậu biên, bỏ qua vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cùng chung lo ngại, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho rằng Trung Quốc không có lợi thế phát triển ngành cá tra, chỉ có tỉnh Vân Nam, Quảng Tây nhưng chủ yếu nuôi chơi, nuôi thí nghiệm. Do vậy, việc DN Trung Quốc tự nuôi cá tra là điều không đáng lo, mà vấn đề quan tâm nhất là thương lái Trung Quốc thời gian gần đây đã ồ ạt sang Việt Nam thu mua cá tra.
Ông Quốc cho biết, sau khi mua nguyên liệu ở Việt Nam, các thương lái Trung Quốc đem về chế biến, đóng gói dưới thương hiệu Trung Quốc để xuất sang Mỹ. Có trường hợp thương lái trực tiếp đem bao bì của mình sang thu mua cá tra rồi đóng gói ngay tại Việt Nam.
Đó là chưa kể việc giá cá tra nguyên liệu tăng cao trong thời gian gần đây có nguy cơ kích thích nông dân tăng diện tích, đẩy ngành trước nguy cơ thừa cung.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 9/2018 có xu hướng xu hướng tăng so với tháng trước, mức giá trung bình hiện trong khoảng 30.000 – 32.000 đồng/kg (cá loại I, 700-900gram/ con) tại các vùng sản xuất như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp…, tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với tháng trước. Giá cá tra nguyên liệu tăng do nguồn cung khan hiếm, đồng thời nhu cầu thu mua cá nguyên liệu để sản xuất phục vụ cho XK đang tăng cao.
Vào đầu tháng 11, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục tăng. Theo đó, tại An Giang tuần kết thúc ngày 8/11, giá cá tra nguyên liệu tăng 500 đồng/kg so với tuần trước đó và tăng 8.500 - 9.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2017.
Thy Lê