Đại biểu Khoa gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: "Thời gian tới, Bộ trưởng có chủ trương và giải pháp cụ thể ra sao giúp tháo gỡ khó khăn này?".
Có lẽ vấn đề đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp chưa bao giờ hết nóng. Tại phiên chất vấn của Quốc hội, vấn đề này cũng được các đại biểu đề cập. Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng việc giải cứu nông sản đã trở thành câu chuyện thường nhật của nông nghiệp nước ta.
Bấp bênh tiêu thụ
Đơn cử thống kê cho thấy việc phát triển cây ăn quả có múi đến giai đoạn hiện nay có khoảng trên 90.000ha và cung đã vượt cầu rất xa.
"Như vậy, chúng ta đã nhìn thấy được một cuộc giải cứu trong tương lai. Vậy, Bộ NN&PTNT đã và sẽ làm gì để có thể tránh được một cuộc giải cứu này", đại biểu Trần Đình Gia đặt câu hỏi.
Đặc biệt, ngay đến mặt hàng hải sản là tôm hùm cũng đang đứng trước tình trạng phải giải cứu. Đại biểu Phan Anh Khoa (Đoàn Phú Yên) cho biết Phú Yên và một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ là khu vực nuôi tôm hùm có giá trị xuất khẩu lớn, nhưng hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, bất cập như công tác quy hoạch nuôi chưa đồng bộ, thống nhất giữa vùng, liên vùng và địa phương; công tác phòng, chống dịch bệnh thiếu hiệu quả; rủi ro thiên tai lớn.
Đặc biệt là thị trường tiêu thụ bấp bênh, chủ yếu là thị trường Trung Quốc nhưng phần lớn đi theo đường tiểu ngạch, làm cho địa phương và nông dân không yên tâm.
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, cụ thể ý kiến của đại biểu Trần Đình Gia, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết hiện nay, riêng diện tích rau Việt Nam có khoảng 1 triệu ha, diện tích quả khoảng 800.000ha.
Một năm, Việt Nam sản xuất ra khoảng 30 triệu tấn rau và 15 triệu tấn quả. Giá trị năm nay xuất khẩu khoảng 4,2 tỷ USD. Tuy nhiên, vấn đề chính hiện nay là quá nhiều hộ sản xuất nhỏ, do đó, trong chừng mực nhất định có những lúc thời vụ, có những cây, có những vùng dư thừa.
Thị trường tiêu thụ tôm hùm bấp bênh, chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc |
Tìm giải pháp lâu dài
Hiện nay, dự báo diện tích cây ăn quả tăng lên khoảng 185.000ha, riêng Hà Tĩnh hiện có 9.200ha, trong đó có 7.000ha cam và 220ha bưởi.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, giải pháp trước mắt là lấy bài học kinh nghiệm Bắc Giang vừa qua, với diện tích 3 vạn héc ta vải song nhờ tập trung xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh vừa xuất khẩu vừa tiêu thụ nội địa đã giải quyết được vấn đề đầu ra.
Về lâu dài, ngành nông nghiệp cũng đang bàn với các địa phương tập trung chế biến và đẩy mạnh xuất khẩu quả tươi. Hiện nay, các doanh nghiệp cũng muốn đầu tư vào chế biến nhưng gặp khó do diện tích khá phân tán.
Bên cạnh đó, muốn phát triển chế biến, chất lượng phải đồng nhất. Ví dụ cam, quýt muốn chế biến phải mỏng vỏ, xơ dày, dai; nếu vỏ dày, tan xơ thì rất khó.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: "Bộ đang tập trung chỉ đạo các viện cùng với các doanh nghiệp để cùng phối hợp với nông dân để làm từng bước. Trước mắt bằng những giải pháp tích cực như vừa qua Bắc Giang, Sơn La đã làm để mở rộng các kênh tiêu thụ, còn giải pháp căn cơ lâu dài thì đẩy mạnh chế biến, tăng cường xuất khẩu quả tươi".
Trả lời câu hỏi về tôm hùm của đại biểu Phan Anh Khoa, theo Bộ trưởng, đúng là Phú Yên có một lợi thế là đặc sản con tôm hùm nhưng muốn thu được nhiều giá trị phải giải quyết 4 vấn đề còn bất cập như: Nuôi tự phát dẫn đến ô nhiễm môi trường; con giống trôi nổi, khai thác tự nhiên rất bị động; quy trình chăn nuôi, ăn thức ăn tự nhiên nên gây ô nhiễm và giá thành cao; tiêu thụ tự phát.
Riêng về tiêu thụ, Bộ NN&PTNT cho biết, cần phải hình thành hiệp hội, trước mắt tiêu thụ tôm hùm chưa phải chế biến vì sản lượng không quá nhiều và là đặc sản.
Tuy nhiên, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương để giải quyết tốt vấn đề con giống và quy trình nuôi trồng. Quan trọng nhất là vấn đề phối hợp để quy hoạch sản lượng sao cho hiệu quả.
Thy Lê