Tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VDPF) diễn ra ngày 16/12, trả lời cho câu hỏi “Thanh toán điện tử có ích lợi không”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định: “Cả thế giới họ đã làm rồi. Ở những quốc gia phát triển, thanh toán điện tử chiếm tới 90% tổng thanh toán và đã giúp GDP tăng khoảng 1%. Điều này cho thấy ích lợi vô cùng lớn mà thanh toán điện tử đem lại”.
Phó Thủ tướng chỉ ra thực tế là trong khi thương mại điện tử ở Việt Nam đã phát triển nhanh, giao dịch qua mạng hàng năm đều tăng trưởng rất lớn, nhưng thanh toán tiền mặt vẫn chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 65% tổng phương tiện thanh toán.
Cuối năm 2014, doanh số rút tiền mặt tại ATM lên đến gần 1,1 triệu tỷ đồng, trong khi phần thanh toán qua POS chỉ hơn 106.000 tỷ đồng.
“Tiền mặt” nhiều hơn “tiền ảo”
Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy đến ngày 9/12, 92% doanh nghiệp trên cả nước đã đăng ký làm thủ tục thuế điện tử nhưng mới có 66% nộp theo hình thức này.
Theo khảo sát của Bộ Công Thương năm 2014, thẻ tín dụng chỉ chiếm 7% trong các giao dịch mua hàng trực tuyến, thanh toán bằng tiền mặt khi giao hàng (COD) vẫn là phương thức thanh toán phổ biến nhất hiện nay, chiếm 64% trong khi doanh số mua hàng trực tuyến của người Việt ước tính khoảng gần 4 tỷ USD.
Báo cáo của Hiệp hội Thẻ ngân hàng cho thấy đến hết năm 2014, cả nước đã có gần 170.000 POS được lắp đặt trên toàn quốc, tăng 1.330% so với năm 2006. Tuy nhiên, giá trị giao dịch thanh toán qua POS lại tăng chậm hơn và hiện chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với rút tiền mặt tại ATM. Cuối năm 2014, doanh số rút tiền mặt tại ATM lên đến gần 1,1 triệu tỷ đồng, trong khi phần thanh toán qua POS chỉ hơn 106.000 tỷ đồng.
Việt Nam hiện tại đang có tiềm năng lẫn dư địa lớn để phát triển mạnh mẽ phương thức TTĐT và TMĐT. Việt Nam có hơn 90 triệu dân với cơ cấu dân số trẻ, người trong độ tuổi từ 25-34 tuổi chiếm tỷ trọng cao, 58% trong số đó đã tham gia mua hàng trực tuyến, 65% dùng smartphone để mua hàng qua mạng.
Tầng lớp trung lưu được dự báo sẽ tăng đến 33 triệu người vào năm 2020. Năm 2015, tiền nộp thuế là 45 tỷ USD, 10% thanh toán bằng tiền mặt, 90% không dùng tiền mặt nhưng trong số đó, TTĐT chỉ chiếm 3%. Việt Nam hiện có hơn 100 nghìn người nộp thuế thường xuyên; 4,7 triệu người nộp thuế thu nhập cá nhân; 11 triệu người nộp thuế phi nông nghiệp….
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết hiện nay Việt Nam đứng trước làn sóng cải cách thể chế mới đến từ hai “cuộc cách mạng”: Cuộc cách mạng mang tên “FTA” và cuộc cách mạng online, ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là trong TMĐT, TTĐT - phải trở thành phương thức phát triển cho toàn ngành kinh tế Việt Nam.
TTĐT sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các DN, người dân khi nộp thuế; tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng sự công khai minh bạch, bảo đảm thực thi quyền giám sát của các bên. Tham gia vào FTAs có nghĩa là Việt Nam đang ở chung một sân chơi với các đối tác toàn cầu, các nền kinh tế có gần như 100% giao dịch được thực hiện qua TMĐT.
“Phần mềm và phần cứng”
Ông Lộc cho rằng việc chúng ta sử dụng nhiều tiền mặt trong các quan hệ giao dịch sẽ không tạo được lòng tin với các đối tác, DN quốc tế về sự minh bạch, khả năng nắm bắt công nghệ và cập nhật các xu hướng thanh toán hiện đại…Việc Việt Nam còn sử dụng rất nhiều tiền mặt trong giao dịch thanh toán là trở lực lớn cho minh bạch, phòng chống tham nhũng,…
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết các nhà bán lẻ chưa mặn mà với TTĐT một phần vì phí phải nộp cho ngân hàng quá cao, chiếm 1,5-2,5% thậm chí là 3%/giao dịch trong khi lợi nhuận, doanh thu của các doanh nghiệp bán lẻ đang giảm so với trước đây. Bản thân việc TTĐT và TMĐT trong phân khúc bán lẻ mới chỉ tập trung chủ yếu ở các thành phố, đô thị lớn, “bỏ quên” mất hơn 30% thị trường bán lẻ truyền thống ở khu vực nông thôn.
Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết hiện ngành thuế đã ký thỏa thuận với 43 ngân hàng, trong đó 27 ngân hàng trong nước và 3 ngân hàng nước ngoài đã chính thức cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử. Đến cuối tháng 11 đã có 92% DN kê khai nộp thuế điện tử nhưng việc nộp thuế thì chưa cao.
“Để đẩy mạnh nộp thuế điện tử, các cơ quan phải tạo được niềm tin cho DN và người dân. Niềm tin này được được xây dựng từ phần cứng và phần mềm. Trong đó, phần mềm phải được đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, thiết kế tối ưu… cần phải hướng đến chuẩn quốc tế”, ông Lộc đề nghị.
Đồng quan điểm, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc Vietinbank, cho rằng để thúc đẩy thanh toán điện tử thì điều quan trọng là thay đổi thói quen của người dùng và muốn làm như vậy thì phải tạo sự thuận lợi tối đa cho họ.
Ở góc độ khác, ông Thắng đưa ra giải pháp để DN, người dân chấp nhận phương thức mới này cần phải có một vài ưu đãi. Chẳng hạn, khi DN đạt được một khoản thu qua thanh toán điện tử sẽ miễn giảm các nghĩa vụ khác. Phí thẻ sẽ được xây dựng rất hợp lý để vừa minh bạch hoá, vừa cổ vũ DN.
Ngoài ra, về thương mại điện tử, ông Thắng cho rằng cần tích hợp giữa hệ thống công nghệ trong mua bán trên mạng và thanh toán online, thuận lợi nhưng phải an toàn. Khách hàng mua hàng xong thanh toán được ngay, có cơ chế cho khách hàng đổi trả lại hàng.
Đặc biệt, ông Thắng cũng khẳng định, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã trao đổi với Bộ Tài chính để đưa ra những giải pháp cụ thể để có hệ thống kết nối liên thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.
Lê Thúy- Phương Nguyên
Ông Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ Để TTĐT hỗ trợ hiệu quả cho dịch vụ công và doanh nghiệp thì cần: hoàn thiện chính sách, đảm bảo an ninh an toàn trong thanh toán, bao phủ thị trường trên diện rộng, thay đổi quy trình nghiệp vụ, tổ chức, tăng cường phối hợp giữa NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương… Ngoài ra, Việt Nam cần đảm bảo được 5 nguyên tắc: chấp nhận sự cạnh tranh, bảo đảm quy luật thị trường. Trong tương lai, xu hướng thanh toán toàn cầu mới sẽ dựa trên con chip, thẻ, thanh toán không tiếp xúc, thanh toán trên điện thoại di động, thẻ kĩ thuật số…. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI Chúng ta cần có sự phối hợp, kết nối giữa tất cả các bên, để Việt Nam có thể hướng tới giảm thanh toán bằng tiền mặt, tạo cơ chế khuyến khích để thanh toán điện tử được nhiều hơn. Khuyến khích này không chỉ bắt đầu bằng giải pháp công nghệ, giảm phí dịch vụ mà còn bắt đầu bằng việc tuyên truyền để người dân hiểu và quen. Làm thế nào để thói quen tốt đó diễn ra nhanh hơn, vì thói quen thanh toán tiền mặt ảnh hướng đến quốc kế dân sinh, nếu thay đổi thì sẽ giúp đất nước phát triển nhanh hơn. Ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Để thúc đẩy thực hiện các giao dịch điện tử thì bản thân Chính phủ phải gương mẫu đi đầu với hai ngành thuế và hải quan được chọn tiên phong. Việc quan trọng tiếp theo là cần tạo niềm tin giữa các bên, liên quan đến “phần mềm” và “phần cứng”. Phần mềm của TMĐT, TTĐT phải đơn giản, dễ sử dụng, ai cũng có thể tiếp cận. Phần cứng là cơ sở hạ tầng CNTT thì cần sự tham gia của các công ty CNTT làm dịch vụ với vai trò hợp tác, hỗ trợ Nhà nước. Ngoài ra, cần triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo năng lực doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình; cải thiện công tác thông tin truyền thông nhanh chóng, sáng tạo. Ví dụ, vừa qua Đà Nẵng đã có ngày hội nộp thuế điện tử, tôn vinh việc nộp thuế điện tử, TTĐT, TMĐT. |