Tham gia một buổi kết nối gần đây ở Tp.HCM với các nhà thu mua, phân phối như Saigon Co.op, Big C, Bách hóa xanh, GS 25, Vinamit, Vina T&T Group… đưa nông sản sạch ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2020, ông Nguyễn Tấn Phương, Giám đốc HTX Cam sành Phương Thúy Trà Ôn (Vĩnh Long) mang đến một thùng khoảng 20kg cam sành được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Phải nắm được quy tắc
Trong lúc chờ đến lượt tiếp xúc với các nhà thu mua, ông Phương cho biết đang mong chờ các nhà phân phối, siêu thị sẽ cho biết với chất lượng là VietGAP, cùng số lượng khoảng 2.000 tấn/năm của HTX liệu có đáp ứng được nhu cầu của họ hay không.
Ông Phương cũng thừa nhận vẫn còn nhiều hạn chế khi chưa kết nối trực tiếp với kênh phân phối. Lâu nay, sản phẩm của HTX chỉ bán lẻ cho các thương lái ở Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ngãi nhưng gặp nhiều khó khăn về giá, vận chuyển…
Còn ở góc độ nhà thu mua, bà Nguyễn Thị Diễm, Giám đốc mua hàng ngành trái cây hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh, nhận xét với 1.008 điểm bán và sẽ còn mở rộng hơn nữa, nên lượng hàng nông sản vào mỗi ngày tại hệ thống này rất lớn.
“Mỗi ngày, có khoảng 300 – 400 tấn rau, củ, quả vào hệ thống của chúng tôi. Ngoài những tiêu chuẩn bắt buộc, sản phẩm vào Bách Hóa Xanh luôn phải qua những khâu kiểm nghiệm cho từng loại trái cây, rau củ…”, bà Diễm nói.
Bà Diễm cũng cho biết quy tắc mua hàng ở Bách Hóa Xanh là khác nhau cho mỗi loại trái cây, rau củ, nên đối tác phải đảm bảo đúng chất lượng và số lượng.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Cường, Trưởng bộ phận thu mua hàng nông sản Saigon Co.op, Saigon Co.op luôn đặt yêu cầu các HTX, hộ nông dân phải đảm bảo quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, cải tiến chất lượng, bao bì mẫu mã, xử lý sau thu hoạch để có các sản phẩm đạt chất lượng tốt, có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe…
Đặc biệt, đại diện hệ thống cửa hàng tiện lợi GS25 cho biết những điểm khác trong việc thu mua sản phẩm. Cụ thể, hệ thống này bán trái cây dạng trái, hộp chứ không bán dạng ký như hệ thống khác, nên đối tác phải nắm được quy tắc về trọng lượng từng loại trái, hay quy tắc đóng hộp…
Ở góc độ một doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu nông sản, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, cho biết khi kết nối giữa nhà nông với nhà thu mua, điều đầu tiên là phía nhà nông phải có pháp nhân, phải có người đứng ra để đàm phán, làm việc với phía siêu thị. Người đó phải quay về truyền đạt với bà con nông dân và làm cho đúng.
![]() |
Nông đặc sản sạch cần đầu ra ổn định để phát triển |
Không đơn thuần phân phối riêng lẻ
“Bởi lẽ, để đưa nông sản vào siêu thị đòi hỏi rất nhiều thứ. Thứ nhất là về an toàn vệ sinh thực phẩm phải đạt VietGAP, GlobalGAP. Mỗi loại siêu thị sẽ có cách đòi hỏi khác nhau, như bên Saigon Co.op thì đơn giản hơn, trong khi bên phía GS25 thì đòi hỏi kích cỡ trái cây phải đồng đều”, ông Tùng chia sẻ.
Với trường hợp Vina T&T, ông Tùng cho biết đang có liên kết tại tỉnh Vĩnh Long với 5 vùng trồng đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Ngoài việc kết nối vào kênh phân phối siêu thị, ở Tp.HCM gần đây cũng thường xuyên tổ chức các phiên chợ nông sản chất lượng cao và an toàn có thương hiệu và xuất xứ rõ ràng của các HTX, doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất tiêu biểu tại Tp.HCM và các tỉnh lân cận để người tiêu dùng có thêm cơ hội lựa chọn, mua sắm.
Đơn cử như cuối tuần qua, hàng nghìn loại nông đặc sản sạch của các địa phương, sản phẩm đạt chứng nhận Chỉ dẫn địa lý như rau, củ quả sạch cho đến các loạt hạt, mứt trái cây, sản phẩm giò, chả, gạo, nước mắm truyền thống... đã góp mặt tại một phiên chợ Tết xanh nhằm đáp ứng người tiêu dùng sản phẩm an toàn, xanh, sạch, minh bạch trong những ngày Tết Nguyên đán 2020.
Phiên chợ này mang ý nghĩa hỗ trợ cho các hộ nông gia, HTX làng nghề, các câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, doanh nghiệp đang kinh doanh sản xuất những mặt hàng nông đặc sản địa phương theo công nghệ xanh, sạch, an toàn được tiếp cận thị trường Tp.HCM.
Tuy nhiên, quan sát kỹ sẽ thấy dù được bày biện với nhiều món đặc sản địa phương độc lạ, hấp dẫn như vậy, nhưng lượng người tiêu dùng tìm đến với các đặc sản này ở các phiên chợ chỉ ở mức tương đối.
Trước xu hướng phát triển nông đặc sản sạch ở các địa phương như hiện nay, vấn đề đặt ra là cần làm sao để tạo đầu ra được tốt hơn. Điều này không chỉ đến từ những phiên chợ dịp lễ Tết hoặc các hội chợ, hay việc kết nối với hệ thống siêu thị, mà cần có một chuỗi liên kết kênh phân phối căn cơ hơn.
Để thúc đẩy kênh phân phối nông đặc sản sạch, nhìn từ kinh nghiệm ở Thái Lan, giới chuyên gia cho rằng việc phân phối nông sản sạch không đơn thuần là phân phối riêng lẻ mà cần đặt trong chiến lược tổng thể để phân phối được thông suốt và bền vững.
Chẳng hạn, cần có chiến lược thu hút khách du lịch và người tiêu dùng, đảm bảo nông đặc sản sạch có được đầu ra ổn định thì mới có thể ký hợp đồng dài hạn với các doanh nghiệp bán lẻ. Mặt khác, hợp đồng đầu ra cần bền vững thì mới có thể xây dựng hệ thống thu mua bền vững và ngược lại.
Thế Vinh