Với một số sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà công ty đang sản xuất như máy hơ ngải cứu, nhang ngải cứu, nhang thanh lọc không khí, nhang viêm xoang… đang được xuất khẩu (XK) tiểu ngạch theo kiểu đặt hàng xách tay 5 – 10kg sang Mỹ, ông Hà Văn Lộc, Giám đốc công ty TNHH Sài Gòn TCS, bày tỏ băn khoăn là làm sao để sản phẩm được XK theo đường chính ngạch.
Yếu kênh phân phối
“Chúng tôi rất muốn XK chính ngạch với số lượng nhiều hơn. Nhưng điều này đòi hỏi quy trình, phải đem sản phẩm sang Mỹ để “test” nhằm xin giấy phép lưu hành. Sau khi có giấy phép thì có thể xuất đường đường chính chính và các khách hàng ở Mỹ sẽ dễ dàng mua được”, ông Lộc nói.
Tuy nhiên, theo vị giám đốc này, do nguồn lực của công ty có hạn nên chưa thể thực hiện quy trình xin giấy phép như vậy. Thực ra, đưa sản phẩm đi “test” ở Mỹ sẽ tốn kém chi phí vài nghìn USD là có thể có được một bộ hồ sơ để chính thức xuất hàng vào Mỹ.
Khẳng định rất tự tin về nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của công ty rất lớn, nhưng ông Lộc cũng thừa nhận bản thân doanh nghiệp (DN) chưa có cách thức truyền thông, quảng bá thương hiệu rõ ràng và phù hợp nên phần nào ảnh hưởng đến đầu ra sản phẩm.
Có thể thấy việc đưa sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đặt chân vào thị trường XK chính ngạch hay tìm chỗ đứng trên thị trường nội địa vẫn còn là thách thức lớn với nhiều DN trong khi thị trường tiêu thụ còn bấp bênh, chưa ổn định.
Ngoài vấn đề thủ tục, xin giấy phép, chi phí tốn kém do nhiều khâu trung gian, giá cả kém cạnh tranh, việc lúng túng trong kết nối với kênh phân phối phù hợp… cũng là một bài toán nan giải.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề một buổi gặp gỡ của giới DN ở Tp.HCM ngày 11/7 để bàn về đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông Trần Quốc Huy, Giám đốc CTCP công nghệ sinh học Việt Nam – Israel (tại Khu nông nghiệp công nghệ cao Tp.HCM), cho rằng có quá nhiều trở ngại mà các DN gặp phải, nhất là với những DN mới bước chân vào lĩnh vực này.
Trong khó khăn đầu ra, theo ông Huy, có nhiều DN không đủ nguồn lực để xây dựng kênh phân phối, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Điều này đòi hỏi Nhà nước cần làm cầu nối để những DN có kênh phân phối mạnh và các nhà cung ứng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao bắt tay với nhau để đưa hàng ra thị trường dễ dàng và hiệu quả hơn.
Mặt khác, có nhiều chủ DN suy nghĩ rằng sản phẩm nông nghiệp của họ với ưu thế là ứng dụng công nghệ cao thì khi đưa ra thị trường sẽ được người tiêu dùng đón nhận. Trong khi đó, đáng lẽ phía DN phải suy nghĩ là thị trường đang cần cái gì và DN sẽ nghiên cứu, ứng dụng đúng cái mà thị trường đang cần.
Theo giới chuyên gia, về cơ bản, người tiêu dùng (NTD) hiện nay còn thiếu thông tin về sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Họ chưa biết cách nhận diện sản phẩm an toàn chất lượng cao, chưa nắm được địa chỉ cơ sở sản xuất uy tín.
Hơn nữa, một bộ phận NTD nội địa thích các sản phẩm nông nghiệp giá rẻ, do chiến lược truyền thông định hướng sản phẩm theo khách hàng của DN còn hạn chế.
Thị trường đầu ra sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đang có nhiều vấn đề |
Không đủ nguồn lực
Tâm lý chung của NTD trong nước là chỉ ưa sử dụng hàng tươi sống, chưa có tâm lý tiêu dùng những sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chế biến tinh, có giá trị cao.
Đơn cử như việc đầu tư sản xuất nước trái cây đóng hộp, dù có khá nhiều DN tham gia, ứng dụng công nghệ cao. Thị trường tiêu thụ nội địa cho mảng sản phẩm dù được đánh giá là tiềm năng nhưng sức mua chưa lớn, chưa phổ biến, chưa thường xuyên là một minh chứng, trong khi XK lại thiếu đa dạng về sản phẩm và tăng trưởng chậm. Với NTD bình dân, thu nhập còn thấp, nên hạn chế khả năng chi trả cho những sản phẩm nông nghiệp qua chế biến, có giá trị gia tăng cao.
Quan sát trong kênh siêu thị ở Tp.HCM cũng sẽ thấy có nhiều sản phẩm nông nghiệp của DN nội tuy ứng dụng công nghệ cao nhưng lại chậm thay đổi mẫu mã, giá thành cao… dẫn đến khó cạnh tranh được với mặt hàng ngoại nhập tương tự.
Đối với kênh bán lẻ, nhiều DN ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cũng thừa nhận là việc giới thiệu quảng bá sản phẩm, tư vấn, chăm sóc khách hàng của họ chưa thực sự đúng mức.
Ngay cả kênh thông tin phản hồi từ NTD tới người sản xuất và thông tin về sự điều chỉnh của người sản xuất để từ đó tạo ra sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của NTD cũng được cho là chưa được chú trọng đúng mức ở khâu bán lẻ.
Trong khi đó, các hoạt động nghiên cứu thăm dò thị hiếu tiêu dùng, tiếp thị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chưa lấy lợi ích của khách hàng là trọng yếu để cải tiến kênh bán lẻ sao cho đáp ứng đa dạng nhất nhu cầu NTD về dạng chế biến nông sản, cấp chất lượng hàng hóa, khối lượng đóng gói, bao bì, mẫu mã…
Như băn khoăn của ông Trần Quốc Huy, thị trường đầu ra sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay đang có quá nhiều vấn đề. Làm sao một DN mới bước chân vào lĩnh vực này lại có đủ tiền để xây dựng được kênh phân phối, làm sao họ có tiền để quảng bá sản phẩm. Việc làm thương hiệu đối với họ thực tế sẽ tốn kém rất nhiều chi phí trong khi nguồn lực lại hạn chế.
Thế Vinh