Tuần qua, một đoàn gồm hơn 30 doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã qua Thái Lan dự Hội chợ quốc tế Thaifex 2019. Như chia sẻ của một số chủ DN, chuyến xuất ngoại như vậy là "đi một ngày đàng học một sàng khôn".
Ông Ngô Đình Dũng, chuyên gia thị trường thuộc trung tâm BSA, cho biết khi đi đến những hội chợ quốc tế lớn ở nước ngoài như vậy có thể thấy những sản phẩm thực phẩm hướng đến tính tiện lợi nhiều hơn, mang tính dùng ngay được rất dễ dàng, còn bao bì thu hút người tiêu dùng nhiều hơn.
"Học một sàng khôn"
"Đến các gian hàng của Nhật Bản, tôi thấy họ đẩy mạnh nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh như trà xanh, cá, thịt bò Kobe. Đó chính là những tài nguyên bản địa của quốc gia này", ông Dũng chia sẻ.
Theo ông Đỗ Thanh Phương, Giám đốc công ty TNHH phát triển P&K, sau 2 ngày tham quan hội chợ, thấy cách ghi bao bì, mẫu mã, thông tin sản phẩm của DN ở đây có những sự khác biệt với các cơ sở, DN nhỏ ở Việt Nam
"Nếu chúng ta muốn hội nhập sân chơi khu vực thì phải chuẩn bị, thay đổi nhiều về bao bì, mẫu mã sản phẩm. Bên cạnh đó là những thông tin giới thiệu sản phẩm cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh…", ông Phương nói.
Từ trải nghiệm và quan sát thực tế trong chuyến xuất ngoại, vị giám đốc này nhấn mạnh rằng các sản phẩm Việt Nam để vươn xa thì phải học hỏi thêm những nước phát triển, như ngay với Thái Lan về nhãn mác, bao bì. Có như thế thì mới cạnh tranh được!
Lần đầu tiên tham dự Thafex, ông Phạm Thành Thái, Giám đốc công ty TNHH MTV dừa Quốc Thắng, đã đánh giá đây là một hội chợ mà DN Việt nên đến để học hỏi trong nhiều khía cạnh.
Ông Thái chia sẻ: "Đây là cơ hội để phía DN nhìn ra thị trường khu vực và quốc tế. Trước nay, công ty chuyên XK sang Trung Quốc. Còn ngay tại hội chợ này, đối tác Trung Quốc của công ty đến đây tìm đối tác, tôi có gặp và kết nối thêm về sản phẩm xoài sấy của công ty".
Có thể nói, chuyến xuất ngoại vào hội chợ quốc tế đã không uổng phí khi các giám đốc, nhà quản lý, nhà phân phối… từ khắp nơi trên thế giới đổ về và các DN Việt trong đoàn cũng tỏa đi các khu trưng bày trong hội chợ để tìm hiểu sản phẩm, xu hướng thị trường, cách làm sản phẩm.
Bà Hồ Kim Liên, Giám đốc công ty nước mắm Khải Hoàn, phấn khởi cho biết vừa qua, bà đang làm việc với đối tác ở bang Texas (Mỹ) để đưa nước mắm truyền thống Phú Quốc vào đó. Thật tình cờ, khi đến hội chợ này thì gặp ngay chủ siêu thị đó đến đúng gian hàng Việt Nam tìm hiểu về nước mắm Phú Quốc. Ông nói rằng sau hội chợ sẽ xúc tiến nhập hàng ngay.
Ngoài ra, bà Liên chia sẻ thêm, trong những ngày diễn ra hội chợ phía DN cũng đón tiếp và đặt mối quan hệ làm việc sau này với khoảng 50 đối tác, nhà phân phối trong khu vực châu Á.
![]() |
DN Việt được học hỏi nhiều khi tham dự các trade fair ở nước ngoài |
Phải đi để biết
Để nắm bắt thị trường và học hỏi cách XK, theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc CTCP Vinamit, điều này đòi hỏi DN Việt phải đi ra ngoài, gia nhập cộng đồng doanh nhân trong khu vực và trên thế giới để biết thêm được nhiều thông tin.
"Người thì đi học hỏi, người thì đi marketing, người thì đi bán hàng… Và người thì đi để tạo sự kết nối bạn bè doanh nhân quốc tế để có được những thông tin bổ ích sau này. Đó là điều mà các DN Việt cần phải quan tâm hơn", ông Viên nhấn mạnh.
Ông Viên cho rằng việc học hỏi này đòi hỏi DN Việt cần làm dần dần từ gần đến xa, có thể là nắm bắt những thị trường gần như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Với kinh nghiệm XK sản phẩm gỗ đi nhiều thị trường trên thế giới, ông Lê Đức Nghĩa, Tổng Giám đốc CTCP Gỗ An Cường, bày tỏ rằng để làm ra được sản phẩm đạt chất lượng quốc tế, đáp ứng thị trường XK, điều quan trọng là phía DN cần phải học hỏi, mỗi một ngành hàng đều phải học, mà một trong những việc phải học là đi ra thị trường bên ngoài để tìm hiểu.
Để tiếp cận thị trường nước ngoài, theo ông Nghĩa, một trong những cách thức quan trọng là DN phải đi vào trade fair (các hội chợ hay triển lãm thương mại quốc tế ở nước ngoài). Điều này giúp DN Việt có một bước trải nghiệm nho nhỏ nhưng cực kỳ hiệu quả.
Thực tế cho thấy không phải DN nào cũng có điều kiện để có thể xuất ngoại tham gia các hội chợ thương mại để học hỏi hoặc kết nối với các nhà phân phối. Tuy nhiên, nếu như không đi ra được bên ngoài để tìm hiểu thị trường thì lại là thiệt thòi lớn cho phía DN khi không có cơ hội đưa sản phẩm của mình đi xa hơn.
Dưới góc độ của một kênh thu mua, phân phối lớn ở Nhật Bản và trên toàn cầu, ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam, cho biết Aeon đã hợp tác với Bộ Công Thương tổ chức những sự kiện để các DN Việt tìm hiểu thị trường, kết nối kênh phân phối.
Chẳng hạn vào tháng 6 này tại Nhật Bản sẽ tổ chức tuần lễ hàng Việt Nam. Thông qua những sự kiện như vậy, ông Yuichiro mong rằng các DN Việt khi sang Nhật tham gia sẽ nắm bắt, học hỏi được ở thị trường Nhật.
Đơn cử như ở cửa hàng Aeon, với sản phẩm nào đó thì DN có thể tìm hiểu là nó được bán như thế nào, mùi vị, bao bì hoặc giá cả của từng loại sản phẩm đang được bày bán cho khách hàng Nhật với mức độ ra sao.
Thế Vinh