Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nhận xét điều này khi đánh giá quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2016 - 2020.
Phụ thuộc khối ngoại
Báo cáo của CIEM chỉ ra nguồn thu ngân sách chưa bền vững; thu và chi ngân sách đã ở mức khá cao, nhất là chi ngân sách; cơ cấu chi ngân sách có phần mất cân đối, chi thường xuyên vẫn tiếp tục tăng nhanh hơn chi cho đầu tư, hạn chế khả năng đầu tư phát triển hạ tầng của quốc gia.
Tốc độ gia tăng tín dụng tuy có giảm so với 10 năm trước (2001 - 2010) nhưng lại có xu hướng gia tăng và cao hơn giai đoạn 2011 - 2015. Vốn cho nền kinh tế vẫn tiếp tục dựa chủ yếu vào tín dụng ngân hàng; trong khi các tổ chức tín dụng vẫn đang trong quá trình cơ cấu lại, nhìn tổng thể vẫn còn yếu và chưa vận hành được bình thường theo nguyên tắc thị trường.
Thêm vào đó, độ mở của nền kinh tế đã gia tăng hết sức nhanh chóng, và đã ở mức rất cao; nền kinh tế ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào đầu tư nước ngoài trên nhiều mặt.
"Những điều nói trên là những chỉ dấu khá rõ thể hiện nền kinh tế nước ta đang ngày càng trở nên dễ bị tổn thương trước các biến động bất lợi từ bên ngoài; dư địa chính sách eo hẹp và sức chống chịu của nền kinh tế còn rất yếu", ông Cung đánh giá.
Về cơ cấu ngành kinh tế, nhìn tổng thể cơ cấu kinh tế kém năng động; không có sự thay đổi đáng kể về cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu (XK), nhập khẩu, cơ cấu thị trường XK…; chưa có các ngành nghề mới, sản phẩm mới nổi lên và có đóng góp nhận thấy được, đo lường được đối với tăng trưởng kinh tế.
Về cơ cấu thành phần kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân chính thức trong nước còn quá nhỏ; tăng trưởng với tốc độ chưa đủ lớn để nhanh chóng khẳng định vai trò của mình; khu vực kinh tế hộ kinh doanh cá thể, phi chính thức còn lớn. Một số tập đoàn kinh tế tư nhân nổi lên là hiện tượng đáng khích lệ nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro đối với nền kinh tế nói chung. Khu vực kinh tế nhà nước, nhất là doanh nghiệp (DN) suy giảm mạnh; đóng góp cho nền kinh tế tiếp tục giảm sút so với nguồn lực nắm giữ.
Trong khi đó, khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài lại tiếp tục mở rộng với tốc độ nhanh; chiếm 1/5 GDP, 1/4 tổng đầu tư xã hội, 70% kim ngạch XK, phần lớn giá trị sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến; toàn bộ thặng dư thương mại là nhờ DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Cung nhận định tất cả những điều này là biểu hiện cho thấy mô hình tăng trưởng của nền kinh tế về cơ bản chưa thay đổi. Tăng trưởng kinh tế ở các tỉnh như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên và nhiều địa phương khác vẫn phụ thuộc hầu hết vào vốn đầu tư nước ngoài và thu hút lao động phổ thông giản đơn, chi phí thấp; hoàn toàn chưa xuất hiện các nhân tố tăng trưởng mới. Vì vậy, trong các năm sắp tới, các địa phương vẫn tiếp tục khai thác dư địa còn lại của mô hình tăng trưởng hiện nay hơn là tìm kiếm các nhân tố mới thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Nguyên nhân trực tiếp của những yếu kém về cơ cấu của nền kinh tế là do các cải cách cơ chế và thực hiện các chương trình cơ cấu lại nền kinh tế không được tiến hành nhất quán, toàn diện, đủ rộng và đủ mạnh triệt để chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại; qua đó tạo ra động lực mới đủ lớn để huy động được nhiều hơn nguồn lực xã hội, phân bố và sử dụng chúng một cách hiệu quả hơn; từng bước hình thành một cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn với tiềm năng tăng trưởng ngày càng được gia tăng.
Theo Viện trưởng CIEM, nếu không có thay đổi cơ bản tư duy về vai trò của Nhà nước, về quan hệ giữa Nhà nước và thị trường theo hướng Nhà nước phục vụ và kiến tạo, Nhà nước bổ sung, đồng hành cùng thị trường, làm cho thị trường phát triển đầy đủ, toàn diện và cạnh tranh hơn, cạnh tranh công bằng hơn, thì quá trình cơ cấu lại, chuyển đổi mô hình tăng trưởng sẽ không có thành công như mong đợi.
Phải làm cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển với tốc độ nhanh hơn |
Mấu chốt vẫn là cải cách thể chế
Theo Ts. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM, mấu chốt của cơ cấu lại nền kinh tế là phải cải cách thể chế kinh tế, nếu tiếp tục không công khai minh bạch thì sẽ tiếp tục chậm trễ, trì trệ. Chương trình đề ra phải có mục tiêu rõ ràng.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng Việt Nam vẫn chỉ có các thước đo tăng trưởng GDP, chỉ tiêu xuất nhập khẩu hoặc trông chờ vào công nghiệp chế tạo tăng bao nhiêu phần trăm. Cần có thước đo thêm để đánh giá nền kinh tế có thực sự chuyển đổi hay không, đó là nền kinh tế có giá trị tăng bao nhiêu qua các năm, bao nhiêu đến từ DN FDI, bao nhiêu đến từ DN trong nước.
Mặt khác, bà Lan nêu vấn đề: chính sách ban hành về cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng có rất nhiều và đầy đủ nhưng tại sao không tạo bước ngoặt về thể chế? Nghị quyết, chiến lược mới vẫn ra đời nhưng với cách làm như này, 10 năm nữa, mô hình tăng trưởng kinh tế cũng không thay đổi.
Theo ông Cung, điểm bất cân bằng đầu tiên cần phải khắc phục đó là nền kinh tế đang ngày càng dựa nhiều, thậm chí quá mức vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cả ở cấp độ địa phương, ngành và toàn nền kinh tế. Khắc phục điểm mất cân bằng này không có nghĩa là hạn chế, kìm hãm đầu tư nước ngoài, mà phải làm cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển với tốc độ nhanh hơn và đồng đều hơn nhiều so với hiện nay.
Đồng thời, phải làm cho DN nhà nước trở nên tự chủ hơn, năng động theo quy luật thị trường và tiếp tục đầu tư phát triển nhiều hơn, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, cạnh tranh được trên thị trường quốc tế và đóng góp tương xứng với nguồn lực đang sử dụng đối với phát triển kinh tế quốc gia.
Điểm yếu thứ hai cần khắc phục là sự chia cắt cát cứ, thiếu kết nối, thiếu bổ sung hợp lý giữa các thành phần kinh tế, đồng thời làm cho khu vực kinh tế trong nước hướng ngoại nhiều hơn, mở rộng kinh doanh toàn cầu...
Định hướng tiếp theo trong cơ cấu lại và chuyển đổi mô hình tăng trưởng là phải làm cho cơ cấu kinh tế nói riêng và nền kinh tế trở nên năng động hơn. Trọng tâm là phải đảm bảo quyền và thực thi được trên thực tế các quyền cơ bản của người đầu tư kinh doanh... Trong đó, phải tạo được môi trường kinh doanh để các DN tư nhân Việt Nam sẵn sàng đầu tư mở rộng kinh doanh, môi trường kinh doanh và khung khổ pháp lý phải bảo đảm được các điều kiện cần thiết để họ thực hiện khát vọng được lớn lên.
Lê Thúy
Ông Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Đổi mới và chuyển đổi kinh tế nên so sánh kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Singapore..., cần xem cùng trong thời gian đổi mới, họ vượt chúng ta như thế nào. Chúng ta cứ nói chậm, chậm như nào nhưng chưa đánh giá được. Vì sao Nghị quyết, chính sách chậm đi vào cuộc sống? Phải chăng là do bộ máy cồng kềnh, trì trệ và kém hiệu quả. Không có chế tài, gắn trách nhiệm sẽ tạo điểm nghẽn thường niên, làm cho mọi ý tưởng bị triệt tiêu, người thực hiện càng có cớ để chần chừ. Ts. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng CIEM Hội nhập và cạnh tranh đang diễn ra rất mạnh mẽ khi Việt Nam gia nhập rất nhiều hiệp định thương mại tự do, điều này yêu cầu cải cách mạnh về thể chế, cần nhấn mạnh tích cực nhưng thách thức cũng phải làm rõ hơn. Ông Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Việt Nam Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay khá lệch lạc, nhiều chính sách ưu đãi hay nói cách khác là biệt đãi với DN FDI và DN lớn, song bộ phận DN nhỏ vấp phải nhiều khó khăn. |