Chiều 6/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bắt đầu phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Đây là lần đầu tiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Thủ tướng Chính phủ đăng đàn trong một phiên chất vấn của Quốc hội khóa XIV.
Quy mô kinh tế nhỏ, độ mở lớn
Báo cáo của Chính phủ giải trình và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV cho biết, tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 tiếp tục xu hướng tích cực. Tuy nhiên, kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức.
Trong đó, sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng chậm lại. Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng cao hơn cùng kỳ năm 2017 nhưng mới đạt 22,5% dự toán. Cắt giảm thủ tục hành chính nhiều nơi chưa đạt yêu cầu: chi phí logistics, vận tải, kho bãi… còn cao.
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai) nêu câu hỏi: quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ nhưng độ mở lớn, lên tới 193% GDP, hiện nay, một số nước áp dụng bảo hộ mậu dịch, Chính phủ có giải pháp gì để hạn chế sự tác động?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết trong một thế giới đang có biến động khó lường về địa chính trị nên có biến động nào dù nhỏ từ thế giới đều ảnh hưởng đến nước ta. Do đó, quan điểm của Chính phủ là tăng cường độ chống chọi của hệ thống ngân hàng, chứng khoán trước các biến động của kinh tế giới.
"Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương cùng phối hợp xây dựng đề án đánh giá rủi ro, giải pháp để phát triển kinh tế bền vững không chỉ năm 2018, mà còn cho cả giai đoạn từ 2018-2020", Phó Thủ tướng yêu cầu.
Đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái) hỏi về quyết tâm của Chính phủ trong chống tham nhũng thời gian tới. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định đấu tranh chống tham nhũng vừa qua, nhất là năm 2017, đã đạt kết quả căn bản, được dư luận trong nước, quốc tế ủng hộ, đánh giá cao.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kể: "Khi tham dự Diễn đàn kinh tế Davos (Thụy Sỹ), quan chức các nước, lãnh đạo một số tập đoàn hỏi rằng đấu tranh tham nhũng gay gắt như vậy có ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam hay không. Tôi đã nêu bằng chứng, năm 2017 thắng lợi toàn diện cả về đấu tranh phòng chống tham nhũng và thực hiện các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô".
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay cần làm nhiệm vụ kép, một mặt tạo mô hình sản xuất mới, đổi mới mô hình tăng trưởng để có năng suất, chất lượng hiệu quả cao hơn và giải quyết nút thắt tồn tại trong nền kinh tế như đất đai, cổ phần hóa, tài chính ngân hàng, hải quan, công tác cán bộ.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu vấn đề cử tri đánh giá cao thành tựu kinh tế của đất nước trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, nhưng vấn đề xã hội chưa ngang tầm với chấn hưng văn hóa, đạo đức xuống cấp gây bức xúc trong dư luận.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong phát triển kinh tế cũng bảo đảm phát triển bền vững dựa trên ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Không bỏ quên xã hội, không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế.
Chính phủ sẽ thực hiện hai nhiệm vụ kép là đổi mới mô hình tăng trưởng và giải quyết nút thắt tồn tại trong nền kinh tế |
Không có vùng cấm
Đặc biệt liên quan tới đề án thành lập ba đặc khu kinh tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), chất vấn: với tầm nhìn của một giáo sư kinh tế, một Ủy viên Bộ Chính trị và một Phó Thủ tướng, xin Phó Thủ tướng phân tích, đánh giá nếu lập ba đặc khu kinh tế thì mức độ phát triển của nó thế nào đối với địa phương, với vùng đó.
"Đề nghị Phó Thủ tướng phân tích giữa sự phát triển kinh tế của ba đặc khu đó với sự ổn định về an ninh quốc phòng và sự vẹn toàn của lãnh thổ đất nước theo thời gian 10 năm, 100 năm và lâu hơn nữa", ông Trí nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng cho biết trên thế giới việc thành lập các đặc khu là để tạo ra các nơi để thử nghiệm thể chế, tạo sự tăng trưởng.
Đặc biệt khi đặc khu ra đời, Hà Nội và Tp.HCM vẫn luôn là hai đầu tàu động lực của kinh tế cả nước, cùng với 7 vùng kinh tế động lực vẫn phải tiếp tục dành nguồn lực đầu tư để tạo sự lan tỏa.
Chưa hài lòng với câu trả lời của Phó Thủ tướng về đặc khu kinh tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhắc lại câu hỏi xin Phó Thủ tướng phác thảo về phát triển kinh tế – xã hội tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Quốc hội đang bàn Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, hiện chưa ban hành. Để có câu trả lời đầy đủ vấn đề đại biểu nêu thì cần nghiên cứu chặt chẽ hơn. Xin đại biểu cho phép Phó Thủ tướng trả lời bằng văn bản.
Cũng liên quan đến vấn đề phát triển đặc khu, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) chất vấn việc chọn cán bộ quản lý tại các đặc khu sẽ được tiến hành ra sao.
Phó Thủ tướng cho rằng đã nói đến đặc khu là phải đặc biệt, việc chọn người lãnh đạo cũng phải đặc biệt. Đó phải là người vừa có đức vừa có tài, quy trình đảm bảo chặt chẽ theo hướng Bộ Nội vụ thẩm định, Hội đồng nhân dân bầu ra và được Thủ tướng phê chuẩn.
Đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) nêu lại báo cáo Kiểm toán Nhà nước cho thấy các dự án đầu tư công có yếu kém, sai sót. Đơn cử, dự án BT chủ yếu chỉ định thầu, lợi ích nhóm. Chính phủ xử lý vấn đề này thế nào.
Phó Thủ tướng thừa nhận nhiều dự án đầu tư công trong triển khai có sai sót khi lập dự án chi phí đầu vào có vẻ khiêm tốn, thực tế thi công kéo dài; cá biệt có dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư 36 lần, từ 72 tỷ đồng lên 2.600 tỷ đồng ở Ninh Bình.
"Với những sai phạm trong đầu tư công, quan điểm Chính phủ là xử lý nghiêm, không có vùng cấm. Ngoài ra, trên cơ sở kết quả Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan xử lý trách nhiệm đơn vị liên quan theo quy định, nhiều vụ việc đã được chuyển sang cơ quan điều tra", Phó Thủ tướng cho biết.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) nều vấn đề về khiếu kiện tranh chấp đất đai, làm thế nào để hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, nhà đầu tư. Phó Thủ tướng cho biết hiện nay, 70% khiếu nại liên quan tới đất đai. Quốc hội khóa trước đã tồn đọng hơn 500 hồ sơ về đất đai. Thủ tướng cũng đã làm việc với 27 địa phương có nhiều khiếu kiện, Thủ tướng giao cho Bộ TN&MT tập hợp lại, thống kê lại báo cáo Thủ tướng để giải quyết dứt điểm.
Việc tiếp dân cũng phải được làm nghiêm túc hơn. Theo quy định, chủ tịch xã một năm tiếp dân 48 lần, huyện là 24 lần, tỉnh là 12 lần, nhưng phần lớn các chủ tịch ủy thác cho phó chủ tịch, nay thì phó chủ tịch này, mai phó chủ tịch khác nên nhiều vấn đề không giải quyết được tận gốc, vì thế dồn lên trung ương.
Lê Thúy
Đại biểu Quốc hội đoàn Bình Phước - Điểu Huỳnh Sang Cả nước có 7 vùng kinh tế trọng điểm nhưng trên thực tế, sự liên kết phát triển kinh tế vùng rất hạn chế và còn yếu kém, các địa phương chưa có sự liên kết. Trong đầu tư chỉ chú trọng các vùng lõi như trung tâm các thành phố lớn mà bỏ qua các địa phương lân cận đóng vai trò là vệ tinh cung cấp tài nguyên và nguyên liệu cho vùng trung tâm. Phó Thủ tướng Chính phủ - Vương Đình Huệ Đảng và Nhà nước luôn xác định chủ trương phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt nhưng phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, quốc phòng là trọng yếu và thường xuyên. Đại biểu Quốc hội đoàn Vĩnh Long - Phạm Tất Thắng Hiệu quả nền sản xuất không cao, chi phí sản xuất cao, tiêu hao trên một đơn vị sản phẩm lớn… Chính phủ cũng áp dụng nhiều giải pháp nhưng cần đẩy mạnh các giải pháp tăng nhanh năng suất lao động. |