Hôm nay 30/5, Quốc hội bước vào 1,5 ngày thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội, ngân sách năm 2018 và kế hoạch năm 2019, quyết toán ngân sách 2017. Các thành viên Chính phủ sẽ giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Mong sớm có báo cáo thanh tra tăng giá điện
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận), đánh giá tốc độ phát triển doanh nghiệp (DN) đang tăng cao nhưng số DN ngừng hoạt động còn lớn (trong đó phần lớn là DN vừa và lớn), phản ánh tình hình không thuận trong môi trường đầu tư, cơ chế chính sách.
Mặt khác, việc khuyến khích chuyển đổi từ hộ sản xuất kinh doanh lên DN còn khó khăn, kết quả thấp. Qua tìm hiểu lý do, nếu là hộ kinh doanh thuế đóng ít hơn, lên DN thuế đóng nhiều hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận) |
Để đạt 1 triệu DN vào năm 2020, đại biểu cho rằng cần quan tâm đến hộ kinh doanh cá thể vì đây là nguồn lực phong phú. Chính phủ cần đánh giá kỹ nguyên nhân, thực trạng ngừng hoạt động của DN, việc chuyển hộ kinh doanh cá thể lên DN còn khó khăn.
Về giá cả, năm 2018 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp nhất trong vòng nhiều năm qua nhưng cử tri quan tâm đến việc vừa qua giá điện tăng. Cử tri cho rằng việc tăng giá điện thời điểm này không phù hợp. Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế là mục tiêu phấn đấu mà các ngành các cấp tính tới theo định hướng cơ chế thị trường nhưng phải phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước.
Đại biểu cho biết, việc điều chỉnh tăng giá điện đã được tính toán và có lộ trình. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ phải sớm công bố kết luận thanh tra giá điện vừa qua thế nào, có đúng quy định không, nếu sai xử lý thế nào để cử tri và nhân dân cả nước biết.
Mặt khác, khi tăng giá điện kéo theo việc tăng giá mặt hàng, nhất là vật tư nguyên liệu sản xuất, do vậy Chính phủ cần theo dõi sát biến động thị trường, giám sát hoạt động kê khai giá của DN, tránh hoạt động "té nước theo mưa".
10 DN thành lập mới, 5 DN rời bỏ thị trường
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ), đánh giá 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội đạt và vượt kế hoạch, tổng thu ngân sách vượt dự toán, Trung ương vượt thu sau 3 năm hụt thu, bội chi được kiểm soát, nợ công trong giới hạn cho phép. Có thể thấy, kinh tế ngân sách năm 2018 là bức tranh đẹp và toàn diện nhưng mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc yếu tố đầu vào thay vì đổi mới công nghệ.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) |
Khu vực nông nghiệp tăng trưởng thiếu bền vững, công nghiệp vẫn còn tính gia công lớn, trình độ công nghiệp sản xuất thấp so với thế giới, nội lực nền công nghiệp yếu phục thuộc FDI, khu vực dịch vụ phát triển hạn chế...
Mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững. Do vậy, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2019 đang có dấu hiệu chậm lại so với cùng kỳ và thấp hơn mục tiêu, có lĩnh vực là động lực chính cho tăng trưởng 2018 đang giảm tốc như sản xuất sản phẩm điện tử...
Vì vậy, đại biểu Hàm cho rằng việc đổi mới mô hình tăng trưởng là bài toàn đặt ra căn cơ và toàn diện.
Cụ thể về phát triển DN, DN là bộ phận chủ yếu tạo ra GDP, động lực quan trọng cho tăng trưởng. Năm 2018, có 165 ngàn DN thành lập mới, quay lại hoạt động nhưng có tới 90 ngàn DN ngừng hoạt động. Như vậy, cứ 10 DN gia nhập, có 5 DN rời thị trường. DN vừa và nhỏ chiếm hơn 98% tổng số DN cả nước. Trong số DN kê khai chỉ có khoảng 40% DN có lãi. Như vậy, năng lực sản xuất, hiệu quả hoạt động của khối DN còn thấp.
Năng suất lao động tăng qua các năm nhưng chất lượng lao động thấp. Hết năm 2018, nền kinh tế có 54 triệu lao động nhưng chủ yếu 22 triệu lao động chưa qua đào tạo, 41 triệu lao động chưa được đào tạo từ 3 tháng trở lớn. Đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng tăng trưởng. Chưa kể, nguy cơ dư thừa lao động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trở thành thách thức.
Về Ngân sách Nhà nước, Chính phủ đang nỗ lực cân đối ngân sách. Tuy nhiên còn bất cập, thu từ tài nguyên đất đai chiếm tỷ trọng lớn, một số khoản thu quan trọng từ sản xuất kinh doanh không đạt dự toán. Đúng là năm 2016-2018, tỷ trọng thu từ dầu giảm nhanh nhưng tỷ trọng thu từ đất tăng nhanh tương ứng. Nếu năm 2016, thu từ dầu và đất chiếm 14,8% tổng thu ngân sách, năm 2017 chiếm 15,7%, năm 2018 tăng lên 17,6%... Chính sách thu hầu như không điều chỉnh, dự báo hụt thu giai đoạn 2016-2020 so với mục tiêu. Dẫn đến nguồn lực tăng chi đầu tư khó đột phá thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất trong 4 năm qua; sức ép trả nợ đang tăng...
"Trong báo cáo của Chính phủ đã đưa ra giải pháp khá cụ thể về các vấn đề trên nhưng nên ưu tiên dồn nguồn lực vào giải pháp nào là vấn đề mà Chính phủ cần tính tới", đại biểu Hàm cho biết.
Nhật Linh