![]() |
Lĩnh vực năng lượng sạch đang là cơ hội đầu tư của khu vực tư nhân (Ảnh Internet) |
Nghiên cứu chỉ ra những cơ hội trong đó khu vực tư nhân có thể đóng góp vào 3 mục tiêu liên quan đến cơ sở hạ tầng từ nay cho đến năm 2030. Đó là Mục tiêu phát triển bền vững 6: Nước sạch và vệ sinh; Mục tiêu phát triển bền vững 7: Năng lượng sạch với giá thành hợp lý; Mục tiêu phát triển bền vững 9: Công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng ở các thị trường mới nổi.
Cụ thể, tại Mục tiêu phát triển bền vững 6: Nước sạch và vệ sinh cho thấy, hiện 89% người dân Việt Nam đã tiếp cận với nước sạch và các điều kiện vệ sinh. Với mục tiêu đến năm 2030, 100% người dân tiếp cận với nước sạch và các điều kiện vệ sinh, Việt Nam cần tổng nguồn vốn 13,1 tỷ USD, trong đó cơ hội đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực này từ khu vực tư nhân là 1,3 tỷ USD.
Mặc dù cơ hội ở lĩnh vực nước sạch dành cho khối tư nhân không nhiều, đầu tư vào lĩnh vực này vẫn có thể tạo ra những tác động rõ rệt khi 11% dân số Việt Nam vẫn chưa được tiếp cận nguồn nước sạch và các điều kiện vệ sinh (trụ cột chính trong Mục tiêu phát triển bền vững 6). Riêng với mục tiêu phổ cập kết nối số đến năm 2030, Việt Nam ước tính sẽ cần 1,3 tỷ USD vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.
Tại Việt Nam, những cơ hội đầu tư có tiềm năng lớn nhất theo định hướng Mục tiêu phát triển bền vững tập trung ở lĩnh vực hạ tầng giao thông và phổ cập kết nối số. Đây là những trụ cột chính trong Mục tiêu phát triển bền vững 9, hướng tới thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực công nghiệp, sáng tạo và hạ tầng.
Báo cáo Cơ hội 2030 cũng chỉ ra rằng để đạt được mục tiêu phổ cập kết nối số – tính theo tỷ lệ sử dụng dịch vụ điện thoại di động và kết nối internet - sẽ cần 24,4 tỷ USD vốn đầu tư tư nhân từ nay đến năm 2030. Và để cải thiện đáng kể hạ tầng giao thông thông, Việt Nam sẽ cần 20,1 tỷ USD vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.
Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á của Ngân hàng Standard Chartered, cho biết Việt Nam hiện là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Đây là kết quả của hàng loạt các chính sách và nỗ lực cải cách đã và đang được triển khai.
Việt Nam đã có sự tiếp cận rộng rãi với các nguồn năng lượng, do đó cơ hội đầu tư để đạt được mục tiêu này không được đưa vào con số đầu tư tổng thể. Tuy nhiên, với một nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam sẽ cần tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch với giá thành hợp lý để duy trì khả năng tiếp cận một cách bền vững.
Có thể thấy đầu tư vào các lĩnh vực phát triển bền vững có thể mở ra cơ hội lớn cho khu vực tư nhân trong việc sử dụng hiệu quả đồng vốn, đồng thời đem lại lợi ích bền vững về lâu dài cho xã hội. Với tình hình thiếu hụt vốn ở nhiều nơi hiện nay, đây được coi là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp tư nhân tham gia và trở thành một phần của chiến lược phát triển bền vững tại Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung.
Huyền Trang