Tại Hội thảo về vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công ngày 15/5, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng phá bỏ sự độc quyền, bao cấp của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ công (DVC), huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung cấp các DVC sẽ mang đến nhiều lợi ích.
Trong đó, lợi ích quan trọng nhất là thoái sức Nhà nước ra khỏi lĩnh vực công không cần thiết, thu gon bộ máy quản lý nhà nước theo đúng chức năng cốt lõi. Bộ máy nhà nước cần tập trung vào công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Lo mất nghiệp vì một quy định
Khảo sát của VCCI cho thấy, hiện nay còn rất nhiều DVC do các cơ quan nhà nước thực hiện vẫn trong quy trình gần như khép kín, gắn với chức năng quản lý nhà nước như các hình thức cấp phép, thẩm định năng lực… Cách làm như vậy nhiều khi đẩy cơ quan nhà nước vào thế vừa làm luật vừa giám sát và vừa là "người chơi".
Điều này gây nên tình trạng không minh bạch, tạo cơ chế xin – cho. Mặt khác, việc tạo quyền cung cấp DVC cho giới hạn các doanh nghiệp (DN) tư nhân tham gia lại tạo nên cơ hội của độc quyền tư nhân.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân Việt Nam, thẳng thắn cho rằng: Chính phủ vẫn nói cái gì DN làm được thì Nhà nước sẽ thôi, nhưng các DVC hiện nay đang có sự cạnh tranh quyết liệt giữa Nhà nước và tư nhân. Trong cuộc cạnh tranh này, tư nhân không cân sức với Nhà nước.
Vì vậy, ông Đệ cho rằng cần phải mạnh dạn xã hội hóa, tin tưởng DN để ra được chính sách tốt. "Chứ ngay như Luật Khám chữa bệnh đang chuẩn bị ban hành, Chính phủ cấm ra giấy phép con nhưng trong đó cũng lồng vào nhiều quy định. Nào là kinh nghiệm 5 năm, nào là chế độ quản lý, rồi quá trình thẩm định. Mà Luật ghi là 15 ngày nhưng cứ phải 3 tháng hoặc 6 tháng mới xong", ông Đệ nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Chứng nhận và Giám định VinaCert, cho rằng so với một số nước trong khu vực như Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam là quốc gia tiến bộ nhất trong việc xã hội hóa dịch vụ khoa học công nghệ (KHCN).
Mặc dù vậy, nếu suy xét kỹ, xã hội hóa dịch vụ KHCN của Việt Nam thời gian qua vẫn còn một số điểm hạn chế, nếu như không muốn nói là "nửa vời", gây cản trở rất lớn đến việc thúc đẩy tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này.
Việc xã hội hóa DVC nửa vời do chính sách bất ổn định. Ông Dũng ví dụ, trước ngày 2/2/2018, thực phẩm phải được công bố hợp quy và kèm theo là có dịch vụ chứng nhận hợp quy, nhưng sau ngày này, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ban hành ngày 2/2/2018 quy định thực phẩm không cần phải công bố hợp quy. Đây là cuộc cách mạng về thủ tục hành chính, và dĩ nhiên là hoạt động chứng nhận hợp quy thực phẩm cũng gần như bị bãi bỏ.
Như vậy, để triển khai dịch vụ chứng nhận hợp quy, các tổ chức chứng nhận đã đầu tư để đào tạo chuyên gia, hệ thống thử nghiệm…, nhưng chỉ sau một đêm, tất cả các đầu tư đó đã trở thành vô nghĩa, đó là nỗi lo sợ nhất của các nhà đầu tư.
"Mất nghiệp chỉ bởi một quy định hành chính thì không có nhà đầu tư nào dám mạnh dạn đầu tư nữa", ông Giang chia sẻ.
![]() |
Nhiều lĩnh vực vẫn xã hội hóa theo kiểu "nửa vời", gây cản trở rất lớn đến việc thúc đẩy tư nhân đầu tư |
Khuyến khích tư nhân tham gia
Để xã hội hóa DVC nói chung, dịch vụ KHCN nói riêng trở thành động lực thúc đẩy xã hội phát triển, ông Giang cho rằng rất cần cái tâm và tầm của nhà quản lý, thông qua xây dựng pháp luật phải dựa trên lòng tin.
Bên cạnh đó, các DN tư nhân là những người mong muốn có được lợi nhuận nhất nên sáng tạo, cải tiến chắc chắn là cách mà các DN thường hay áp dụng để nâng cao lợi nhuận của mình. Do vậy, để khai thác tối đa nguồn lực xã hội, cái gì tư nhân làm được hãy để tư nhân làm.
Ông Giang cũng chia sẻ, có ý kiến cho rằng tư nhân không đủ nguồn lực tài chính để đầu tư thử nghiệm kỹ thuật cao, nhưng nếu có cơ chế đảm bảo, chỉ cần có cơ hội sinh lời, bao nhiêu tiền cũng đã có ngân hàng lo, Nhà nước không phải lo DN thiếu vốn.
Đồng thời, ông Lưu Đức Khải, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng cần tạo lập các quyền và điều kiện cơ bản, thiết yếu cho việc tham gia của khu vực tư nhân, như quyền hoặc tham gia các hoạt động đấu thầu mua sắm dịch vụ; khả năng tiếp cận, huy động các nguồn lực khác nhau; quyền và khả năng tiếp cận, xử lý các nguồn thông tin cần thiết cho việc bày tỏ ý kiến, đàm phán/thương thảo… cần được bảo đảm.
Bên cạnh đó, cần nâng cao khả năng phối hợp giữa các đối tượng tham gia, bao gồm những nhà hoạch định chính sách, các đơn vị kinh doanh, các tổ chức trung gian, các đối tượng được chính sách điều chỉnh.
Mặt khác, ông Đoàn Tiến Giang, chuyên gia nghiên cứu PPP của USAID, cho rằng Nhà nước cần đảm bảo quyền bình đẳng trong tham gia cung cấp, có cơ chế giám sát chặt chẽ, đấu thầu minh bạch. Đây là giải pháp tối ưu để gỡ bỏ các lo lắng của cơ quan nhà nước là khu vực tư nhân chạy theo lợi nhuận, không đảm bảo yêu cầu.
Thy Lê