Thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu tích cực về tăng trưởng GDP, xuất khẩu… Thành công này là nhờ sự đóng góp của mọi thành phần kinh tế, từ các tập đoàn kinh tế nhà nước, DN đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế HTX và đặc biệt là DN tư nhân Việt Nam.
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, chiều 2/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. "Hơn ai hết, doanh nghiệp (DN) là người lăn lộn thực tế, thấy rõ những nút thắt đang cản trở. Các thành viên Chính phủ tới đây để lắng nghe ý kiến của doanh nhân", Thủ tướng cho biết.
Đối mặt với nhiều rào cản
Trước gợi mở của Thủ tướng, cộng đồng DN đã không ngần ngại chia sẻ những vướng mắc của mình. Ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco), chia sẻ trong bối cảnh hội nhập khu vực ASEAN, xe du lịch sản xuất trong nước đang phải cạnh tranh rất gay gắt và không cân xứng với các nước Thái Lan, Indonesia có thị trường ô tô nội địa lớn hơn Việt Nam nhiều lần. Các nước này có lịch sử phát triển từ rất lâu trên 50 năm, sản xuất 1,5 triệu xe mỗi năm, còn Việt Nam mới đạt 300.000 xe.
Hiện nay, số lượng xe nhập khẩu từ các nước ASEAN về rất nhiều. Thống kê 3 tháng đầu năm 2019 đạt 39.000 xe các loại, bằng 1/2 cả năm 2018 là 78.200 xe.
Do vậy, đại diện Thaco kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội trong năm nay về chính sách không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và giảm giá thành.
Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho rằng cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao và các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Đồng thời, Chính phủ cũng cần tiếp tục tạo điều kiện cho chương trình kết nối mạng lưới đổi mới, sáng tạo tiếp tục phát huy, góp phần thu hút chất xám của đội ngũ Việt kiều.
Thủ tướng nhấn mạnh khu vực kinh tế tư nhân cần phải được tạo bình đẳng, bảo vệ, khích lệ và trao cơ hội |
Liên quan tới lĩnh vực hàng không, bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Vietjet Air, cho hay cứ 1% tăng trưởng của hàng không tương ứng với 0,4 – 0,5% tăng trưởng GDP. Để phát triển ngành hàng không, Chính phủ, Bộ GTVT cần ưu tiên tập trung xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng sân bay, nhà ga, tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực được tham gia, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay.
Hiện nay, DN tư nhân đầu tư nhiều dự án nhưng không đạt mục tiêu hiệu quả kinh tế. Ví dụ như đề xuất dự án nâng cấp sân bay Điện Biên, ước tính phải 60 – 70 năm mới hoàn vốn…
Đặc biệt, DN tư nhân mong được đối xử bình đẳng, công bằng của cơ quan quản lý và định hướng tuyên truyền khách quan, không để hình ảnh DN tư nhân bị bóp méo, ảnh hưởng tới tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội, ý chí của những DN tiên phong.
Về phía DN nước ngoài, ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, cho hay nhiều DN Nhật Bản hiện đang mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, không ít DN đang xây dựng kế hoạch đầu tư mới và đầu tư bổ sung trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng hoạt động đầu tư vào Việt Nam vẫn còn có một số điểm bất cập.
Trước hết, do tính dự báo của chính sách pháp luật của Việt Nam còn thấp, phía DN không thể ứng phó kịp thời, dẫn tới tình trạng kinh doanh đình trệ. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính còn rườm rà, khó có thể dự kiến được lịch làm việc.
Từ khóa kích hoạt
"Chúng tôi mong Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh tốc độ ra quyết định thông qua việc phân cấp quyền hạn và làm rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Chúng tôi cũng mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác thông qua đối thoại nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau về bản chất của các vấn đề cũng như tìm ra giải pháp vì sự phát triển và phồn vinh của đất nước Việt Nam", đại diện DN Nhật Bản kiến nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chia sẻ, thực thi pháp luật hiện còn hạn chế, còn điểm chồng chéo về xử lý những vấn đề tạo điều kiện cho DN phát triển; chi phí tuân thủ pháp luật trong thời gian qua chưa được giải quyết tốt, thời gian làm thủ tục quản lý vẫn còn nhiều.
Vì vậy, mục tiêu 1 triệu DN tư nhân vào năm 2020 đang trở thành vấn đề thách thức. Môi trường kinh doanh của Việt Nam mới chỉ được xếp hạng thứ 69 thế giới, so với các nước khu vực còn khoảng cách…. Điều này cho thấy cần rà soát lại hệ thống pháp luật, nhất là những luật liên quan tới thể chế (tập trung vào Luật DN, Đầu tư, Đất đai, Chứng khoán, Sở hữu trí tuệ…).
DN tư nhân mong được đối xử bình đẳng, công bằng của cơ quan quản lý và định hướng tuyên truyền khách quan |
"Những luật này phải tháo gỡ rào cản tham gia và rút ra khỏi thị trường kinh doanh của DN. Tạo điều kiện để DN tư nhân tiếp cận được nguồn lực về đất đai, tài chính, yếu tố đầu vào cho sản xuất. Cố gắng giảm cho được những chi phí tuân thủ pháp luật, phí và lệ phí. Cùng với đó, cương quyết xóa bỏ những chi phí không chính thức", ông Hiển nói.
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, cần phải thống nhất nhận thức về kinh tế tư nhân, chỉ khi đó mới có hành động thống nhất. Chỉ khi có nhận thức đầy đủ mới có đủ bản lĩnh, quyết tâm chính trị xóa bỏ mọi rào cản, định kiến về kinh tế tư nhân; khai thác tiềm năng, phát huy điểm tích cực của kinh tế tư nhân; đấu tranh tối đa với lợi ích nhóm, thao túng chính sách, cạnh tranh không bình đẳng, phản bác những luận điệu sai trái về kinh tế tư nhân.
Đồng thời, Việt Nam phải giải quyết một cách đúng đắn, hài hòa, mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Nền kinh tế phải vỗ bằng hai bàn tay là Nhà nước và thị trường.
Trước kiến nghị của cộng đồng DN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá kinh tế tư nhân Việt Nam có bước phát triển tốt, phát huy được tiềm năng thế mạnh của mình, tuy nhiên vẫn còn nhiều ràng buộc, ách tắc. Chính vì vậy, trong thời gian này, các bộ ngành, địa phương cần tạo điều kiện, kiến tạo không gian nguồn lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển thuận lợi hơn.
Thủ tướng nêu các từ khóa kích hoạt kinh tế tư nhân, đó là: tạo "bình đẳng", "bảo vệ", "khích lệ" và "trao cơ hội".
Về bình đẳng, kinh tế tư nhân phải được bình đẳng trước pháp luật, cạnh tranh về phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác.
Bảo vệ quyền tài sản, đó là DN được tự do kinh doanh… Đặc biệt giảm chồng chéo thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân.
Được khích lệ, nghĩa là Nhà nước tôn vinh DN làm ăn chân chính, ngược lại đấu tranh với DN làm ăn chộp giật.
Trao cơ hội là tạo cơ hội cho DN tiếp cận nguồn lực, công nghệ, thị trường, cắt giảm chi phí kinh doanh.
Ngoài ra, riêng về đổi mới sáng tạo, Thủ tướng cho biết phong trào khởi nghiệp đã có bước đầu thành công nhưng chưa mạnh mẽ. Trong năm tới, Thủ tướng và Chính phủ sẽ có quyết sách để ý tưởng khởi nghiệp mạnh mẽ hơn.
Lê Thúy
Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc Như mọi quốc gia trên hành tinh này, kinh tế tư nhân Việt Nam mang trong mình khát vọng mãnh liệt vào tương lai. Do vậy, chúng ta cần tiếp tục tạo dựng và củng cố niềm tin giữa người dân, DN và chính quyền thông qua việc tiếp tục vun đắp tinh thần DN của doanh nhân Việt Nam. Một khu vực tư nhân lớn mạnh, bền vững, bên cạnh khu vực DN nhà nước hiệu quả hơn, khu vực kinh tế HTX năng động hơn sẽ tạo ra một tương lai thịnh vượng, bền vững hơn cho nền kinh tế Việt Nam. Chủ tịch VCCI - Vũ Tiến Lộc Dù đã có nhiều thành tựu nhưng những nỗ lực cải cách thể chế cho đến nay vẫn đang loay hoay ở việc cởi trói, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Chúng ta chưa làm được nhiều theo hướng tạo điều kiện thuận lợi và yểm trợ cho khu vực tư nhân phát triển. "Thể chế nào thì doanh nhân đó", vì vậy cần tiếp tục bứt phá về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Trưởng Ban kinh tế Trung ương - Nguyễn Văn Bình Để tạo lập được môi trường kinh doanh phù hợp, chúng ta phải mở rộng khả năng tham gia thị trường của kinh tế tư nhân và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường. Tạo điều kiện để kinh tế tư nhân tiếp cận bình đẳng và thuận lợi với các nguồn lực phát triển, đặc biệt là đất đai, vốn, lao động… |