Mới đây, trong dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp, Bộ Tài chính có dự kiến giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp (DN) từ 100.000 đồng/lần xuống còn 50.000 đồng/lần.
Ngoài ra, bản dự thảo còn đề xuất phí công bố nội dung đăng ký DN từ 300.000 đồng/lần xuống còn 100.000 đồng/lần. Các đối tượng là DN nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí đăng ký DN và phí cung cấp thông tin DN lần đầu.
Còn nhiều gánh nặng
Khi xem thông tin này, ông Lê Hiệp, Giám đốc một DN nhỏ trong ngành thực phẩm ở quận 8 Tp.HCM, nói rằng: Việc giảm phí như vậy chỉ có tính chất khích lệ. Nếu so với nhiều mức chi phí khác của DN hiện vẫn còn "đắt đỏ" thì đề xuất giảm phí như trên chẳng thấm tháp gì.
Như tính toán của ông Hiệp, ngoài chi phí sản xuất chung (chi phí vật tư, lương công nhân trực tiếp, chi phí sản xuất chung) không ngừng tăng lên trong thời gian qua thì DN còn đối mặt với các loại chi phí cũng tăng không kém như chi phí lưu thông sản phẩm, chi phí hoạt động kinh doanh, chi phí nhân công, phí hoạt động tài chính và một số chi phí bất thường khác.
Thực tế cho thấy gánh nặng chi phí cùng nhiều nguyên nhân khác đã làm cho hơn 176.500 DN thuộc khu vực tư nhân đang làm ăn thua lỗ mỗi năm – một số báo cáo nghiên cứu gần đây cho biết như vậy. Đây là một con số đáng lo ngại, cho thấy môi trường kinh doanh nói chung và vấn đề chi phí nói riêng vẫn còn rất nhiều trở ngại.
Số lượng DN làm ăn thua lỗ một phần vì chi phí cao cũ ng giả ithích cho số lượng ngày càng tăng của các DN đã rút lui khỏi thị trường hoặc ngừng hoạt động mỗi năm.
Trong khi đó, theo Ts. Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế của Economica Viet Nam, DN tư nhân trong nước đang hoạt động trong điều kiện kém thuận lợi hơn nhiều so với DN nhà nước. DN nhà nước có xu hướng tiếp cận tốt hơn với chi phí thấp hơn tới các nguồn tài nguyên như đất đai, tín dụng và cơ hội kinh doanh.
Ông Bình cũng cho rằng các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng có thể tiếp cận tới đất đai, chính sách ưu đãi, tín dụng với chi phí thấp hơn và dễ dàng hơn so với các DN trong nước.
Điều kiện kém thuận lợi vì chịu mức chi phí cao hơn cùng với những hạn chế về vốn, công nghệ, quản trị công ty, kinh nghiệm thương trường, trình độ quản lý, phương thức sản xuất… là những nguyên nhân khiến DN thuộc khu vực tư nhân trong nước phải làm việc nhiều hơn, vất vả hơn (để có doanh thu cao hơn) song chỉ đạt được mức lợi nhuận thấp hơn rất nhiều.
Ngay cả chi phí vốn vay cũng cho thấy sự chênh lệch lớn. Trong khi các DN tư nhân trong nước chỉ có thể vay từ các ngân hàng trong nước với lãi suất 8-10%/ năm, thì các DN FDI có thể vay vốn từ nước ngoài hoặc từ ngân hàng ở chính quốc với mức lãi suất thấp hơn nhiều.
Ví dụ, các DN có vốn FDI của Nhật Bản có thể vay vốn ở mức 3,3%/năm. Còn các DN FDI của Đài Loan và Hàn Quốc có thể vay vốn ở mức lãi suất 2,9% và 4,7%/năm trong giai đoạn 2006-2016.
Chi phí cao khiến doanh nghiệp nội vất vả hơn |
Cần sự đồng bộ
Theo khuyến nghị của giới chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), để có thể thành công hơn về phương diện cắt giảm chi phí thương mại, điều rõ ràng là Việt Nam không thể chỉ tiếp tục dựa vào cắt giảm thuế quan, mà còn phải nỗ lực để giảm chi phí liên quan đến các biện pháp phi thuế quan và chi phí logistics.
Đơn cử như chi phí xuất khẩu bằng tiền của Việt Nam cho thấy chi phí logistics cao hơn so với chi phí tuân thủ quy định. Trong khi chi phí logistics, bao gồm vận chuyển nội địa và chi phí xếp dỡ lưu kho tại cảng, chiếm 63% tổng chi phí bằng tiền, thì chi phí tuân thủ quy định, bao gồm tuân thủ chứng từ kiểm tra chuyên ngành, tuân thủ thủ tục hải quan và các cơ quan khác ngoài hải quan tại cửa khẩu chỉ chiếm 37% tổng chi phí.
Để có thể giảm chi phí thương mại, giới chuyên gia cho rằng các cơ quan của Chính phủ có trách nhiệm đối với các cấu phần của chi phí thương mại bao gồm Bộ Tài chính, là cơ quan có thể góp phần giảm chi phí về thủ tục hải quan và phối hợp thông quan tại cửa khẩu.
Hay như Bộ Giao thông Vận tải và khu vực tư nhân – bao gồm các DN cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics – có thể tác động giảm chi phí vận chuyển nội địa và chi phí xếp dỡ và lưu kho tại cảng. Các bộ quản lý chuyên ngành có thể góp phần giảm chi phí tuân thủ về chứng từ kiểm tra chuyên ngành và tuân thủ tại cửa khẩu (cả bên ngoài và trong cửa khẩu).
Trở lại vấn đề giảm mạnh phí đăng ký DN như đề xuất từ Bộ Tài chính, điều mong mỏi từ phía DN tư nhân là việc giảm chi phí cần có sự đồng bộ và thực chất thay vì chỉ chăm chăm vào mục tiêu tăng hàng trăm ngàn DN trong những thập niên sắp tới mà thiếu đi việc gỡ "nút thắt" chi phí.
Mặt khác, như lưu ý của Ts Lê Duy Bình, chi phí không chính thức là một vấn đề nghiêm trọng mà tất cả các khu vực DN, đặc biệt là các DN thuộc khu vực tư nhân đang gặp phải. Nhất là các DN thường phải trả chi phí không chính thức để tránh những phiền toái trong thủ tục hành chính.
Thế Vinh