Trên thực tế, giá cả nhiều mặt hàng đang duy trì ở mức cao, gây áp lực tới cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Giá cả hàng hóa 'leo thang'
Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG, cho biết đã nhận được đề nghị tăng giá sản phẩm của một số nhà cung cấp như mì tôm, dầu ăn, bánh kẹo... Tuy nhiên, theo quy định, siêu thị sẽ có quy trình xét duyệt giá, đàm phán rõ với nhà cung cấp về nguyên nhân tăng giá.
"Nếu nhà cung cấp không thuyết phục được thì chúng tôi sẽ không đồng ý", ông Dũng nói.
Nguy cơ giá cả hàng hóa 'leo thang' vào dịp cuối năm. |
Theo Tổng giám đốc Công ty Bán lẻ BRG, nguyên nhân mà một số nhà cung cấp đưa ra là chi phí vận chuyển, sản xuất gia tăng. Ví dụ với mặt hàng dầu ăn, phí vận chuyển tăng mạnh, chi phí phòng chống dịch của cơ sở sản xuất bị "đội" lên cao.
Về mức tăng cụ thể, ông Dũng cho biết, chưa có con số rõ ràng. Nếu nguyên nhân chính đáng thì khả năng điều chỉnh giá sẽ được thực hiện vào tháng 12 tới.
Về phía đơn vị sản xuất, ông Bùi Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido, lý giải giá dầu ăn tăng mạnh trong thời gian qua là do nguồn cung trên toàn cầu khan hiếm kết hợp với nhu cầu sử dụng tăng cao.
Ngoài ra, chi phí doanh nghiệp tăng mạnh do dịch bệnh cũng tác động đến giá thành sản phẩm. Cụ thể, khi doanh nghiệp triển khai "3 tại chỗ", chi phí đã tăng 12 - 15% so với bình thường. Nay doanh nghiệp tiếp tục gánh thêm chi phí vận chuyển và logistics tăng đáng kể do giá xăng dầu tăng mạnh. Điều này đang tạo áp lực tăng giá hàng hoá lên doanh nghiệp.
Trong khi đó, bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, cho biết các nguồn nguyên, nhiên liệu đầu vào đang tăng cao "chóng mặt" như gas hóa lỏng, xăng dầu tăng tới 30 - 40% kéo theo toàn bộ giá nguyên liệu tăng cao.
Các doanh nghiệp sản xuất trong ngành thủ công mỹ nghệ xuất khẩu cho khách nước ngoài còn đang gánh chịu chi phí cước vận tải container đường biển tăng tới 10 lần so với trước đại dịch. Đây là những khó khăn rất lớn mà các chủ thể doanh nghiệp phải đưa ra các giải pháp linh hoạt, căn cơ để giải quyết. Trong đó, liên tục phải đổi mới sáng tạo, hợp lý hóa trong suốt quá trình sản xuất, ứng dụng khoa học, công nghệ kịp thời để cân bằng được sản xuất, giữ vững khách hàng, tạo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp trong việc phục hồi sản xuất kinh doanh.
Năm nay, dự báo chỉ số lạm phát sẽ được kiểm soát dưới 4% như đúng mục tiêu mà Chính phủ, Quốc hội đặt ra. Tuy nhiên, nếu so với con số tăng trưởng GDP dự báo trên 3% thì rõ ràng mức lạm phát không hề thấp.
Trong khi đó, những chỉ số dự báo trong năm 2022 đang cho thấy nhiều nguy cơ làm gia tăng lạm phát và áp lực kiểm soát là không hề nhỏ.
Áp lực lớn với kiểm soát lạm phát 2022
Chia sẻ với VnBusiness, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), đánh giá: Việc kiểm soát lạm phát trong năm 2022 sẽ chịu áp lực rất lớn, thậm chí "căng như dây đàn" do nhiều mặt hàng trong nước như giá điện, giá dịch vụ giáo dục đào tạo, y tế sẽ được điều chỉnh tăng, do đã giảm hoặc không tăng trong năm nay, đồng thời giá nguyên liệu, xăng dầu thế giới tiếp tục tăng.
Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện tại do kinh tế suy thoái và lãi suất thấp nên lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức chưa đáng lo ngại. Tuy nhiên, theo tiến trình kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi nền kinh tế, giá dầu và giá nguyên vật liệu tăng, rủi ro gia tăng lạm phát vẫn là hiện hữu. Chính vì vậy, để kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp, cần phối hợp hữu hiệu chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa.
"Kinh tế số là một nhân tố giúp giảm áp lực tăng giá từ yếu tố tiền tệ. Mặt khác, chúng ta cần thận trọng với các cú sốc có thể có từ bên ngoài về tăng giá đầu vào. Đây là kênh quan trọng có thể truyền dẫn lạm phát từ bên ngoài vào thị trường trong nước", ông Tuấn nhìn nhận.
Về kinh tế số, Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện đầy đủ các giải pháp cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; chú trọng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giảm chi phí và giá thành vận chuyển, thành lập tổ công tác liên ngành của các bộ và các cơ quan liên quan để rà soát, tháo gỡ ngay các khó khăn về chi phí logistics và tình trạng thiếu container, tiếp tục cắt giảm các loại phí, chi phí đối với các hoạt động phục vụ xuất nhập khẩu.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, dự báo lạm phát năm 2022 sẽ nhích lên, nguyên nhân là kinh tế Việt Nam phục hồi chậm hơn so với một số nước trên thế giới. Năm sau, sức bật sản xuất, nhu cầu tiêu dùng, cộng với lượng cung tiền mạnh hơn thông qua việc thực hiện các biện pháp kích thích, hỗ trợ bằng tài khóa, tiền tệ sẽ tạo áp lực lớn cho việc kiểm soát lạm phát.
"Việt Nam không nên chủ quan với lạm phát, do đó cần tăng vòng quay tiền trong nền kinh tế thực, nắn dòng tiền vào những lĩnh vực có tính lan tỏa cao...", ông Lực nói. Vì vậy, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chủ động phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Theo Ban Chỉ đạo điều hành giá, công tác quản lý, điều hành giá các tháng còn lại năm 2021 và ngay trong thời gian đầu năm 2022 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung và việc kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu và hỗ trợ mục tiêu kép của Chính phủ. Qua đó vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân đảm bảo các điều kiện cho công tác phòng chống dịch bệnh, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ của mình tập trung quản lý, điều hành linh hoạt, hiệu quả về giá đối với các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, điện, thực phẩm, phân bón và thức ăn chăn nuôi, thuốc chữa bệnh và sinh phẩm, vật tư y tế…
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu của thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để chuẩn bị nguồn dự trữ, bình ổn giá, nhất là trong những tháng cuối năm, Tết Nguyên đán và đầu năm 2022. Đây là những việc Ban Chỉ đạo điều hành giá đã làm hằng năm, nhưng năm nay có đặc thù là nền kinh tế bị tác động nặng nề của dịch bệnh cho nên cần hết sức lưu ý để tổ chức công tác dự trữ, bình ổn hợp lý. Đồng thời, phải giữ ổn định giá các hàng hóa Nhà nước định giá, sát với tình hình, bảo đảm kiểm soát được lạm phát chung, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Giá vật tư xây dựng đầu vào như sắt thép, xi măng tăng... sẽ ảnh hưởng tới giá thành xây dựng. Nếu bài toán này không có sự chia sẻ giữa các doanh nghiệp trong ngành cung ứng vật liệu với doanh nghiệp xây dựng, giữa chủ đầu tư với nhà thầu thì rõ ràng cuối cùng sẽ trút gánh nặng lên người mua nhà. Doanh nghiệp cũng mong muốn Nhà nước quản lý chặt hơn diễn biến giá cả nguyên vật liệu xây dựng, kịp thời ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thao túng giá trong lúc thị trường còn khó khăn. PGS.TS. Phạm Thế Anh Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Nếu không cẩn trọng, kinh tế Việt Nam có thể rơi vào vòng luẩn quẩn đó là tăng trưởng thấp, thâm hụt tài khóa (do phải chi nhiều, giảm thu), lạm phát cao (do phải tăng cung tiền để thích ứng), đình trệ sản xuất, hệ thống tài chính suy yếu... Đồng thời, nếu thời điểm này cho rằng lạm phát ở mức thấp để nói về dư địa tiền tệ là đang dựa vào dữ liệu quá khứ, chưa phản ánh được sức ép tăng giá hiện nay trong nền kinh tế. |
Nhật Linh