Trong 4 kỳ điều hành liên tiếp, giá xăng dầu trong nước đã "leo" lên mức cao nhất trong 7 năm gần đây. Dự báo, giá xăng dầu còn được điều chỉnh tăng thêm. Điều này có tác động tới CPI cũng như mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm nay.
Tăng giá xăng dầu không ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2021. |
Thông tin tới VnBusiness, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cho biết giá xăng dầu tăng chắc chắn sẽ tác động tới chỉ số CPI.
Cụ thể, CPI của phần xăng dầu được tính đủ 30 ngày trong tháng, vừa qua vào kỳ điều chỉnh ngày 26/10, giá xăng dầu tăng mạnh, do vậy sẽ ảnh hưởng tới mức tăng CPI trong 5 ngày còn lại của tháng 10. Nếu những tháng sau, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng thì chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng tới CPI.
Song, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá nhìn nhận mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay là hoàn toàn khả thi. Tổng cục Thống kê ước tính, chỉ số CPI năm 2021 tăng khoảng 1,9 - 2,1%, hoàn toàn đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% mà Chính phủ, Quốc hội đặt ra.
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu tiêu dùng thấp, kéo CPI xuống. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam cũng khác các nước như Mỹ phát tiền trực tiếp cho người dân, còn chúng ta hỗ trợ thông qua giảm giá điện, nước, miễn giảm học phí...
Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Thống kê giá cũng đặt ra lo ngại, giá xăng dầu sẽ tác động gián tiếp vào giá nguyên vật liệu, hàng hóa trong thời gian tới. "Tác động trực tiếp tới CPI trong năm nay thì không nhiều, song điều này sẽ tác động gián tiếp vào giá vận chuyển hàng hoá, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng trong những tháng cuối năm cũng như năm 2022", bà Oanh nói.
Theo đó, việc kiểm soát lạm phát trong năm 2022 sẽ chịu áp lực rất lớn, thậm chí "căng như dây đàn" do nhiều mặt hàng như giá điện, giá dịch vụ giáo dục đào tạo, y tế sẽ được điều chỉnh tăng, do đã giảm hoặc không tăng trong năm nay, đồng thời giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng do cước vận chuyển, giá xăng dầu thế giới tăng trong thời gian tới.
Dự kiến, Tổng cục Thống kê sẽ công bố cụ thể con số CPI, lạm phát vào ngày mai (29/10).
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo về tổng kết đánh giá công tác điều hành giá quý III/2021, kịch bản điều hành giá quý IV/2021, đầu năm 2022.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, sang năm 2022, nhiều nước đã bắt đầu mở cửa, khôi phục lại sản xuất, nhu cầu nguyên vật liệu, năng lượng… tăng rất cao. Ở trong nước, tuy chúng ta đã kiểm soát tốt, nhưng diễn biến dịch bệnh COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây ra khó khăn đối với hoạt động sản xuất, cung ứng, lưu thông hàng hóa và áp lực đối với công tác điều hành giá.
Do đó, từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tập trung cao độ, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan và nhiệm vụ của từng thành viên Ban Chỉ đạo phải nắm bắt tình hình, theo sát diễn biến, điều hành theo đúng quy định của pháp luật, chủ động có các giải pháp phù hợp, hiệu quả, kịp thời.
Về giải pháp cho những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến phát biểu của các bộ ngành để hoàn thiện hệ thống giải pháp sát với tình hình và điều kiện thực tiễn trong nước, bảo đảm khả thi; Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, tình hình lạm phát chung của các quốc gia, diễn biến các thị trường Việt Nam xuất khẩu, nhập khẩu lớn để chủ động có giải pháp phù hợp.
Đồng thời, các bộ ngành, địa phương cần tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu của thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để chuẩn bị nguồn dự trữ, bình ổn giá, nhất là trong những tháng cuối năm, Tết Nguyên đán và đầu năm 2022. Đây là những việc Ban Chỉ đạo điều hành giá đã làm hằng năm, nhưng năm nay có đặc thù là nền kinh tế bị tác động nặng nề của dịch bệnh cho nên cần hết sức lưu ý để tổ chức công tác dự trữ, bình ổn hợp lý.
Thy Lê