Mới đây, Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) đã gửi công văn tới Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM để phản ánh về việc các văn bản quy định liên quan tới vận chuyển đi lại thay đổi và điều chỉnh liên tiếp trong 3 ngày khiến gần 700 nhà máy, doanh nghiệp đang hoạt động theo quy định "3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” của 18 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao gặp nhiều vướng mắc.
Đơn hàng xuất khẩu trễ hẹn, đứt gãy sản xuất
Cụ thể, Công văn 2796 ngày 21/8 của UBND TP.HCM về tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội; Công văn 2800 cùng ngày 21/8 của UBND TP.HCM ban hành điều chỉnh bổ sung Công văn 2796 và sau đó là Công văn 2850 ngày 23/8 của UBND TP.HCM tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quản lý các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian giãn cách…
Đại diện cho gần 700 doanh nghiệp, HBA “khẩn thiết” đề nghị nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc về giấy đi đường.
Bộ Công Thương 'đốc thúc' Bộ GTVT sớm ban hành hướng dẫn quy định vận tải trong thời gian giãn cách do dịch COVID-19. |
Theo HBA, Công văn 2850 mới được UBND TP.HCM ban hành tối 23/8: “các phương tiện vận tải hàng hóa đã được Sở GTVT cấp mã QR, không tiến hành kiểm tra thẻ ra đường”. Thế nhưng, trong 2 ngày 23 và 24/8, tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa đều bị các chốt kiểm soát hỏi “thẻ đi đường”.
Còn theo Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), theo quy định, Sở Công Thương có thẩm quyền cấp phép cho nhân viên liên quan đến xuất nhập khẩu, song yêu cầu doanh nghiệp phải xuất trình được hồ sơ xuất nhập khẩu trong thời gian giãn cách từ ngày 23/8 - 6/9. Hiệp hội cho rằng quy định khung thời gian như vậy chưa hợp lý khi doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động tối đa 50% công suất, nên có thể dẫn tới lệch khỏi thời gian giãn cách nêu trên...
VCOSA đề nghị cần được cấp giấy đi đường sớm bất kể thời hạn giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu không rơi vào thời gian giãn cách từ 23/8 - 6/9.
Còn ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, để duy trì chuỗi vận tải, logistics cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp ngành logistics đang phải chịu sức ép của 4 “ổ khóa” phòng dịch. Cụ thể, “ổ khóa” thứ nhất là lái xe phải có xét nghiệm; thứ hai là xe vận chuyển phải có mã QR nhận diện luồng xanh; thứ ba là hàng hóa phải thuộc diện thiết yếu theo quy định của Bộ Công Thương và thứ tư là các chốt phòng dịch của địa phương.
VLA đề nghị các UBND tỉnh, thành phố nơi có các cửa khẩu quốc tế đường biển, đường hàng không phải ưu tiên phân “luồng xanh” cho vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, không để xảy ra tình trạng chậm trễ kết nối với các chuyến tàu, máy bay đã đặt lịch, hoặc nguyên liệu không đến kịp nhà máy gây đứt gãy sản xuất.
Sớm thống nhất quy định vận tải
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), gần đây khi dịch bệnh bùng phát trở lại, ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, do quy định của các địa phương, bộ ngành không có sự thống nhất dẫn đến mỗi địa phương thực hiện một kiểu làm cho doanh nghiệp, người lao động gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém chi phí và gây ách tắc, nhất là trong khâu vận chuyển hàng hoá.
Cụ thể, việc phân luồng xanh là một giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng do mạng bị nghẽn hoặc bị hacker tấn công nên gây ách tắc. Vấn đề giấy xét nghiệm, các địa phương cũng quy định không thống nhất (dùng giấy xét nghiệm test nhanh, test nhanh kháng nguyên hay xét nghiệm PCR và thời gian có giá trị) cũng làm cho doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Quy định thế nào là hàng hóa thiết yếu cũng được mỗi nơi hiểu một kiểu và tạo ra ách tắc.
Vì vậy, VITAS đề xuất bỏ quy định cấp mã QR-code về luồng xanh trên phạm vi cả nước. Đề nghị Bộ Y tế quy định thống nhất từng loại giấy xét nghiệm và thời gian hiệu lực của mỗi loại khi lái xe lưu thông qua các tỉnh thì dùng loại nào để các địa phương thực hiện.
Trả lời kiến nghị của VITAS, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, để đảm bảo thực hiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa cho các vùng thực hiện Chỉ thị 16, tất cả các phương tiện vận chuyển hàng hóa có hoặc không có giấy nhận diện có mã QR-code đều được lưu thông và phải kiểm soát các quy định về phòng chống dịch bệnh. Tất nhiên, phương tiện có mã QR-code sẽ được ưu tiên "luồng xanh" để lưu thông thuận lợi.
Tuy nhiên, trước những khó khăn trên, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết đã gửi công văn hỏa tốc số 5139/BTC-TTTN đề nghị Bộ GTVT sớm ban hành hướng dẫn quy định vận tải trong thời gian giãn cách do dịch COVID-19 để thống nhất thực hiện tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.
Theo đề nghị của Bộ GTVT, Bộ Công Thương cho biết đã có văn bản góp ý đối với Dự thảo quy định vận tải trong thời gian giãn cách do dịch COVID-19 gửi tới Bộ GTVT. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Công Thương tiếp tục nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa trên địa bàn các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc nêu trên, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ GTVT hướng dẫn khi ban hành cần quy định rõ ràng, cụ thể các điều kiện, đặc biệt là điều kiện để đi qua các chốt kiểm soát đối với 2 trường hợp đã được cấp mã QR-code và chưa được cấp mã QR-code. Ngoài ra, Bộ GTVT cần hợp nhất các văn bản hướng dẫn trước đây để các địa phương và các doanh nghiệp dễ thực hiện.
Nhiều hiệp hội 'kêu cứu' Thủ tướng vì vướng giấy đi đường Trước những khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu khi chưa được cấp giấy đi đường để giải quyết các vấn đề liên quan đến hồ sơ xuất nhập khẩu, ngày 25/8/2021, một số hiệp hội ngành hàng như: Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM, các Hiệp hội Cao su, Rau quả, Điều, Cà phê, Hồ tiêu và Bông sợi đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan liên quan về việc cấp giấy đi đường cho hội viên Hiệp hội để thực hiện nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian giãn cách xã hội. Theo tổng hợp phản ảnh và kiến nghị từ doanh nghiệp hội viên của các hiệp hội, hiện nay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu và đảm bảo tiến độ giao hàng do phải làm hồ sơ giấy nhưng gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy đi đường. Trong văn bản gửi Thủ tướng và các bộ ngành liên quan, các Hiệp hội kiến nghị cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể và thống nhất về đầu mối liên hệ cấp phát giấy đi đường đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường thêm số lượng cán bộ phụ trách xử lý hồ sơ cho các doanh nghiệp. Cấp giấy đi đường bản mềm và gửi thông tin qua email cho các doanh nghiệp làm cơ sở đi qua các chốt kiểm soát thuận lợi đến trụ sở Sở Công Thương đóng dấu. Đồng thời, Hiệp hội ngành hàng sẽ là đầu mối và chịu trách nhiệm trong việc lập danh sách doanh nghiệp là hội viên Hiệp hội có nhu cầu xin cấp giấy đi đường và gửi trực tiếp tới Sở Công Thương thành phố, tỉnh nhằm giảm tải cho các cơ quan chức năng, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Người đứng đầu các doanh nghiệp hội viên chịu trách nhiệm về danh sách đăng ký và cam kết quản lý chặt chẽ danh sách người lao động được cấp giấy đi đường. |
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
Nhật Linh