Không chỉ phân bón, thức ăn chăn nuôi, mà xăng dầu, nguyên liệu nhựa, sắt thép, sợi... cũng đang đứng trước "bão tăng giá" trong những tháng đầu năm 2021. Giá nguyên liệu trong nước tăng là do chịu tác động từ xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới.
Sản xuất khó khăn vì đội chi phí
Thời gian gần đây, nguyên liệu sắt, thép tăng giá khiến Công ty TNHH Kim Vĩnh Thắng, khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) phải ứng dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, tiết giảm tối đa chi phí đầu vào.
Ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty cho biết, doanh nghiệp (DN) chấp nhận giảm lợi nhuận để có đơn hàng, bảo đảm việc làm cho người lao động. Cùng với việc duy trì các đơn hàng truyền thống, DN thiết kế ra các sản phẩm mới, linh hoạt trong việc lựa chọn đơn hàng cho phù hợp.
Giá thức ăn chăn nuôi những ngày qua tăng rất mạnh. |
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, kể từ 12/2020 - 2/2021, giá sợi tăng lên rất nhiều khiến những người làm dệt, may rất căng thẳng. Có thể nói, ngành dệt may đang chịu áp lực về nguyên liệu đầu vào, trong khi chuỗi chưa điều chỉnh giá vải bán ra. Nguyên nhân giá sợi tăng cao là do mùa vụ bông vừa qua của thế giới cho sản lượng thu hoạch thấp, tồn kho bông toàn thế giới cũng giảm. Dự kiến, lượng bông tiêu thụ năm nay của thế giới vượt quá lượng bông có thể thu hoạch tới 1 triệu tấn.
Trong khi đó, đại diện Công ty Sài Gòn Food cho hay, đến thời điểm hiện tại, tất cả các nguyên liệu sản xuất từ nội địa đến nhập khẩu đều tăng giá. Trong đó, giá các loại gia vị phụ gia nhập khẩu tăng 5-10%, nguyên vật liệu ngành nhựa phục vụ sản xuất tăng từ 15-70%, găng tay cao su tăng 300%... Từ đó dẫn đến giá thành sản phẩm chịu ảnh hưởng tăng từ 5-15% tùy từng loại mặt hàng trong quý I và II, có thể tăng từ 10-25% từ quý III và IV/2021.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhiều DN ngành gỗ hiện nay không dám nhận đơn hàng dài hạn cho cả năm do lo ngại biến động chi phí đầu vào. Các vật liệu phụ liên quan đến hóa chất, xốp, mút, keo... đều tăng từ 20-30%.
Thời gian qua, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, phân bón, xăng dầu... cũng tăng mạnh. Giá xăng dầu đang được bình ổn bằng việc "mạnh tay" chi Quỹ bình ổn; còn với phân bón thì Bộ Công Thương yêu cầu đẩy mạnh sản xuất.
Riêng với mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu lý giải, các nguyên liệu nói chung, kể cả nguyên liệu nông sản sản xuất thức ăn chăn nuôi có tính biến động trên thị trường rất mạnh. Sự biến thiên các mặt hàng là điều khó lường nên việc dự đoán chính xác về giá cả nguyên liệu, thức ăn là rất khó khăn.
Áp lực kiểm soát lạm phát
Vì vậy, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cho rằng, doanh nghiệp cần tính toán, cân nhắc kỹ về các yếu tố tác động đến thị trường nguyên liệu, khả năng huy động vốn và khả năng lưu trữ để quyết định việc có nên gia tăng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong thời điểm này hay không.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tiến hành lập báo cáo khả thi đánh giá nghiên cứu về lợi ích, tác động khi đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước như Brazil, Argentina... - những thị trường cung cấp nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi chủ yếu cho Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay phía các nước này vẫn chưa sẵn sàng.
"Để ký hiệp định cần phải có sự đồng thuận của cả hai bên tham gia. Việt Nam đã có bước đi nhưng phía bạn chưa sẵn sàng, nên chúng ta cần đợi thời điểm thích hợp hơn để thực hiện", ông Hải nhấn mạnh.
Bên cạnh yếu tố làm khó DN, việc giá nguyên liệu đầu vào của sản xuất tăng có thể ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay. Trong bài phân tích mới đây, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), đưa ra lo ngại sau xu hướng giảm của năm 2020, lạm phát có xu hướng tăng trở lại.
Dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, trung bình trong 2 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá hàng hóa chung của thế giới đã tăng khoảng 21%. Trong đó, giá hàng hóa phi nhiên liệu tăng 22% (lương thực, đồ uống tăng 22%, kim loại cơ bản tăng 48%, nguyên liệu thô trong nông nghiệp tăng 10%, phân bón tăng 31%) và giá nhiên liệu tăng 19,5%.
Theo TS. Phạm Thế Anh, giá cả các mặt hàng nguyên liệu tăng tương đối đáng ngại và phải lưu ý. Bởi lẽ, khả năng kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong những năm qua chủ yếu là nhờ giá cả thế giới duy trì ở mức thấp. Nguyên nhân lạm phát có nhiều yếu tố, một phần do giá cả nguyên vật liệu đầu vào, một phần do tổng cầu, hay còn do tỷ giá hối đoái, tăng trưởng cung tiền quá cao. Tới đây, khi giá cả nguyên vật liệu đầu vào không còn thấp, không còn hỗ trợ thì Việt Nam sẽ khó có thể kiểm soát lạm phát.
Mặt khác, Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3/2021 của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy, tháng 2/2021, xuất khẩu hàng hóa giảm 4,2% trong khi nhập khẩu tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020.
Báo cáo chỉ rõ, kim ngạch nhập khẩu tăng là do nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 2/2021 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, tương tự như xu hướng nhập khẩu tháng 1/2021. Tháng 1/2021, nhập khẩu điện thoại, máy tính, điện tử và linh kiện và máy móc thiết bị chiếm một nửa tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc và tăng hơn 75% so với cùng kỳ năm trước.
"Điều này phản ánh sự phụ thuộc nhiều của Việt Nam vào đầu vào nhập khẩu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như việc đa dạng hóa thương mại tiếp tục diễn ra do căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết", WB chỉ ra.
Thy Lê