Mới đây, Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo Quy hoạch điện VIII để lấy ý kiến sau khi đã thực hiện rà soát lại theo yêu cầu tại kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc tăng công suất phát triển điện than, đồng thời giảm công suất điện tái tạo đang gây ra nhiều tranh cãi.
Tăng điện than, giảm điện tái tạo
Tại tọa đàm trực tuyến “Quy hoạch điện VIII: Mở đường hay thắt lại Lộ trình chuyển dịch xanh” do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam tổ chức chiều ngày 16/9, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID kiêm Chủ tịch Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam chia sẻ, bà rất ngạc nghiên với bản dự thảo mới được Bộ Công Thương đưa ra.
Việc Dự thảo Quy hoạch điện VIII cắt giảm công suất năng lượng tái tạo đang gây ra nhiều tranh cãi. |
So với bản dự thảo hồi tháng 3/2021, dự thảo lần này đã tăng thêm 3.000 MW điện than và giảm 8.000 MW công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Theo bà Khanh, việc kìm hãm sự phát triển của năng lượng tái tạo trong thời gian tới là giải pháp dễ thực hiện cho nhà vận hành hệ thống điện, nhưng chưa phải là giải pháp tối ưu nhất, bởi giá năng lượng tái tạo cạnh tranh với điện than. Hơn nữa, xử lý môi trường của tấm pin quang học sau dự án điện tái tạo là không đáng ngại.
Do vậy, bà Khanh cho rằng, việc Dự thảo vẫn đặt cược vào điện than trong 10 năm chính của quy hoạch (2021 - 2030) và tiếp tục kéo dài sự phát triển này sang giai đoạn 2035 - 2045 là lựa chọn ẩn chứa nhiều rủi ro và khó khả thi, vì nhiều dự án có thể chậm tiến độ do không khả thi để tiếp cận vốn.
Theo đó, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam kiến nghị Quy hoạch điện VIII nên kiên định với con đường phát triển năng lượng tái tạo, tránh bị những trở ngại của năng lượng tái tạo vừa qua cản trở định hướng này.
Để tạo điều kiện khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, Quy hoạch điện VIII nên đưa ra giải pháp khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư lưới điện và xem xét ngay việc nghiên cứu ứng dụng giải pháp pin tích trữ không gây hại môi trường.
Trước câu hỏi dự thảo Quy hoạch điện VIII đang mở ra hay thắt lại lộ trình chuyển dịch xanh? Ông Nguyễn Quang Huân, đại biểu Quốc hội khoá XV cho rằng: Việc nói mở hay thắt cần bám vào Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, mặt tích cực của dự thảo là đang cố gắng sửa đổi cái chưa thực tốt trong Quy hoạch điện VII. Nhưng chỉ có điều băn khoăn là về điện than. Tăng thêm điện than, giảm năng lượng tái tạo là vấn đề cần cân nhắc. Điện than có nhiều trở ngại, nếu giá điện than nâng lên thì càng rủi ro cho tương lai khi không đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.
Kéo lùi sự phát triển?
Trong khi đó, PGS.TS. Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu cho hay, qua làm nhiều nghiên cứu biến đổi khí hậu và môi trường, ông lo ngại Quy hoạch điện VIII đang thắt lại lộ trình xanh, về việc làm thế nào giảm bớt khí thải nhà kính. "Với dự thảo Quy hoạch điện VIII, tôi lo ngại về chuyện mở ra cho năng lượng đen gây ô nhiễm và thắt lại nguồn năng lượng xanh. Điều này gây ra nhiều tác động không chỉ đơn thuần về kỹ thuật, kinh tế năng lượng mà chi phí cả quốc gia phải trả cho sự thay đổi", ông Tuấn cảnh báo. Đồng thời cho rằng, nếu giảm điện tái tạo thì đó là "bước lùi" lớn, dẫn tới tác động bất lợi cho nền kinh tế.
Đại diện doanh nghiệp năng lượng tái tạo, ông Mai Văn Trung, Phó Tổng Giám đốc dự án thuộc Công ty Nami Solar cho rằng, dự thảo Quy hoạch điện VIII thắt lại sự phát triển của ngành rất lớn. Công suất điện mặt trời hiện nay là 1.600 MW, từ nay tới năm 2025 chỉ được thêm 2.000 MW. Tuy nhiên, trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã có nhiều dự án điện mặt trời dưới mặt đất, trên mặt hồ được bổ sung vào quy hoạch và chưa triển khai. Vì vậy, chỉ một vài dự án trong đó được triển khai thì phần còn lại cho điện mặt trời mái nhà không còn.
Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho DN. "Tại sao chúng ta không thể giải quyết bài toán vận hành hệ thống điện bằng việc ứng dụng công nghệ tiên tiến để tích trữ năng lượng tái tạo?", ông Trung đặt vấn đề.
Còn dưới góc nhìn của chuyên gia ngành điện, ông Nguyễn Đức Tuyên, Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, công suất điện năng lượng tái tạo giảm khá lớn có thể là do để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống an ninh năng lượng. Tuy nhiên, trong vấn đề này cần phải làm rõ ràng là Việt Nam nên theo đuổi một hệ thống năng lượng an toàn (gia tăng điện than sẽ không phải lo bài toán quá tải hệ thống truyền tải) hay hệ thống điện tiên tiến (đẩy mạnh phát triển điện tái tạo như xu hướng của thế giới, nhưng đồng thời phải giải quyết được bài toán vận hành của hệ thống lưới điện). "Nếu được, tôi cho rằng, nên dũng cảm theo đuổi hệ thống điện tiên tiến - điện sạch, bắt kịp thế giới, tránh lạc hậu", ông Tuyên nói.
Chuyên gia này lý giải, điện tái tạo giảm thì giúp vận hành hệ thống tốt hơn nhưng cũng có thể giải quyết vướng mắc trên bằng công nghệ thay vì theo đuổi công nghệ hóa thạch, bởi điều này có thể kéo lùi phát triển công nghệ ngành điện hàng thập kỷ.
"Việc ngành điện xác định con đường nào, có dũng cảm theo đuổi vì tương lai hay không hay chọn giải pháp an toàn làm hài lòng các bên là vấn đề cần thận trọng xem xét", ông Tuyên nhấn mạnh.
Thy Lê