Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII vừa được Bộ Công Thương công bố, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 là khoảng 128,3 tỷ USD, trong đó cho nguồn điện là 95,4 tỷ USD, lưới điện khoảng 32,9 tỷ USD. Trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD (9,5 tỷ USD cho nguồn, 3,3 tỷ USD cho lưới).
Rủi ro lớn với điện than
Để thực hiện Quy hoạch, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi Luật Điện lực theo hướng linh hoạt hơn đối với yêu cầu đầu tư các công trình điện, đảm bảo thu hút mọi nguồn lực xã hội trong phát triển ngành điện; đề xuất cơ chế xây dựng Kế hoạch phát triển điện lực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; đề xuất cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện, đề xuất cơ chế xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải.
Giai đoạn 2021-2030, trung bình mỗi năm ngành điện cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD. |
Tuy nhiên, câu hỏi làm thế nào để "hút" được số vốn khổng lồ này là không dễ có câu trả lời. Tại bản góp ý Quy hoạch điện VIII, Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) và Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) cho rằng, dự thảo cho thấy xu hướng giảm dần tốc độ phát triển điện than và tăng dần tốc độ phát triển năng lượng tái tạo theo các giai đoạn. Thế nhưng, trong vòng 10 năm 2021-2030, nhiệt điện than vẫn được ưu tiên tăng mạnh - bổ sung khoảng 17GW điện than mới vào hệ thống.
Đặc biệt, các tổ chức này cũng đánh giá quy hoạch chưa có phương án huy động vốn cụ thể. Để thu xếp được khoảng 12,8 tỷ USD/năm, theo tính toán của chuyên gia, khả năng thu xếp của tập đoàn trong nước khoảng 3 tỷ USD/năm, 77% còn lại phải huy động từ đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp (DN) và hộ dân trong nước. Trong bối cảnh các chính phủ, chủ đầu tư, tổ chức tài chính và phi tài chính đang thoái vốn khỏi điện than, DN tư nhân trong nước không đủ tiềm lực đầu tư cho các dự án lớn, tính khả thi huy động vốn cho phát triển điện than là rất thấp hoặc rủi ro cao khi phụ thuộc vào một nguồn cấp vốn duy nhất là Trung Quốc.
"Điều này chưa phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 50-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị", các đơn vị trên góp ý. Trong khi đó, điện mặt trời là loại hình phân tán, có thể phát triển ở quy mô nhỏ dễ dàng hơn trong huy động nguồn lực xã hội. Ngoài ra, chuyển dịch đầu tư vào năng lượng tái tạo là xu hướng chung trên toàn cầu, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này.
Mặt khác, nhóm đơn vị trên cũng cho rằng, đề xuất xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ cho các dự án BOT là không hợp lý. Mặc dù trần nợ công của Việt Nam đã giảm, tuy nhiên cân đối vĩ mô của quốc gia còn yếu, ví dụ như chưa có đủ ngân sách dự phòng cho các vấn đề thiên tai, cân đối cán cân xuất nhập khẩu, các dự án nghìn tỷ chậm tiến độ hoặc thua lỗ kéo dài chưa giải quyết được...
Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn đang tiếp diễn, ưu tiên bảo vệ sức khỏe của nhân dân được đặt lên hàng đầu. Đây là những ưu tiên của Chính phủ cần đầu tư nguồn lực thay vì dự phòng ngân sách bảo lãnh cho các dự án điện BOT đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
"Chúng tôi kiến nghị Bộ Công Thương không phát triển thêm các dự án điện than mới, đặc biệt là trong 10 năm tới, thay vào đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió", nhóm chuyên gia trên đánh giá.
Nhà đầu tư ngại vì thiếu cơ chế
Theo TS. Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), Quy hoạch điện VIII đặt ra bài toán đầu tư tới 128 tỷ USD. Tuy nhiên, nói về đầu tư, ví dụ 10 phần thì vốn trong nước tự có yêu cầu tối thiểu 20-25%, vậy còn 3/4 kia thì phải có giải pháp nào để thu hút?
Ông Lâm cho rằng, một là nước ngoài đầu tư vào qua hình thức đầu tư BOT. Hai là phải xã hội hóa, tức là Nhà nước và nhân dân cùng làm.
"Chúng ta chứng kiến sự phát triển của loại hình năng lượng mặt trời trong các năm từ 2018-2020 đều do DN tư nhân làm", ông Lâm nói và đặt vấn đề: Làm sao để huy động các nguồn lực xã hội hóa, huy động vốn để phát triển năng lượng tái tạo? Nếu có cơ chế đúng, huy động đúng thì nguồn lực cho phát triển năng lượng tái tạo sẽ rất lớn.
"Muốn tư nhân an tâm đầu tư cho năng lượng tái tạo thì Nhà nước cần có chính sách cho lĩnh vực này ổn định và rõ ràng. Ví dụ như quy định về tấm pin mặt trời, vừa qua phát triển tràn lan, pin năng lượng mặt trời muốn nhập của hãng nào cũng được. Khi Nhà nước quy định quy chuẩn, chỉ có loại nào không tổn hại môi trường, hiệu suất cao..., vậy những nhà đầu tư khác bỏ tiền ra mua các tấm pin không thuộc quy chuẩn mới rồi phải làm sao?
"Vấn đề là chính sách phải cực kỳ minh bạch, ổn định mới thu hút được nhà đầu tư bỏ vốn", ông Lâm nhấn mạnh.
Chưa kể, theo ông Lâm, đầu tư vào năng lượng tái tạo thì giá điện sẽ tăng - là vấn đề mà trong Quy hoạch Điện VIII chưa đề cập đến. Những đối tượng cần phải có hỗ trợ là những đối tượng chính sách trước đây giao cho ngành điện lực giải quyết là chưa phù hợp, mà phải là Nhà nước. Nếu giải quyết được giá và ổn định lâu dài thì đó là chính sách giá cả.
Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học, giáo dục và môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đặt vấn đề, để thu hút vốn đầu tư tư nhân cần chính sách dài hạn, vì chính sách ngắn hạn sẽ không kịp xây dựng các chiến lược, có kế hoạch huy động vốn.
"Ví dụ như điện gió, chính sách giá ưu đãi đến 30/10 năm nay sẽ hết hạn thì sau đó như thế nào, do vẫn chưa có cơ chế giá. Có những dự án đã đăng ký rồi nhưng chưa dám thi công vì rủi ro rất lớn, đặc biệt là dự án điện gió có kinh phí đầu tư lớn. Nếu đầu tư mà không biết giá sẽ gây rủi ro cho các nhà đầu tư", ông Huân nhấn mạnh.
GS.TS. Trần Đình Long Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam Để thu hút các nhà đầu tư trong ngành điện, Nhà nước cần có một chính sách giá hợp lý. Cụ thể là cơ quan nhà nước phải xác định rõ trách nhiệm trong bài toán giá điện khi muốn kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Khi nhà đầu tư thấy mức giá bảo đảm thu lại được chi phí bỏ ra và có lợi nhuận thì họ sẽ đầu tư. Thậm chí, nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng truyền tải để đảm bảo nguồn lợi nhuận này. GS. TS. Nguyễn Mại Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài Đầu tư một dự án điện mặt trời phải có diện tích hàng trăm ha, liên quan nhiều Luật và Nghị định với các điều khoản chồng chéo, cách hiểu luật của mỗi cơ quan quản lý khác nhau khiến nhà đầu tư rất nản lòng. Chính sách ưu đãi đã có nhưng thời gian áp dụng quá ngắn, trong khi quy trình cấp phép đầu tư, phát triển, xây dựng, vận hành dự án khá phức tạp, tốn nhiều thời gian và chi phí của nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng. Ông Trần Đình Quyền Chủ tịch CTCP Tập đoàn Tín Thành Băn khoăn lớn nhất của nhà đầu tư là chính sách vẫn tồn tại nhiều quy định bất hợp lý. Hiện nay, sản xuất 1 MW điện sinh khối hay điện gió, DN phải đi tới hàng chục bộ ngành để xin phép với nhiều thủ tục phiền hà, nhiêu khê. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ rõ ràng và nghiêm túc nghiên cứu để phát triển ngành năng lượng. |
Lê Thúy