Góp ý cho dự thảo Quy hoạch điện VIII mới đây, Cục Điều tiết điện lực cho biết, Dự thảo chưa có các tính toán, đánh giá ảnh hưởng của sự phát triển điện mặt trời áp mái đến dự báo nhu cầu phụ tải điện. Do vậy, đề nghị bổ sung đánh giá ảnh hưởng của điện mặt trời áp mái và cập nhật lại kết quả dự báo phụ tải các giai đoạn.
Đề xuất xem xét hạn chế việc phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ và quy mô quá lớn như thời gian qua. |
Đồng thời, trong giai đoạn tới, các nguồn nguồn năng lượng tái tạo phát triển mạnh ở miền Nam, thì cung cầu nội miền của miền Nam sẽ thay đổi. Bên cạnh đó, đầu tư cho khu vực Tây Nam Bộ nói riêng, miền Nam nói chung tăng lên (khu vực Tây Nam Bộ sẽ có thêm 7 tuyến cao tốc), thì xu hướng phụ tải hiện nay có thể bị ảnh hưởng nhất định, cần cập nhật các định hướng phát triển kinh tế của các vùng miền để dự báo phụ tải được chính xác hơn.
Lý giải vấn đề này, đơn vị tư vấn Quy hoạch điện VIII cho rằng, điện mặt trời áp mái mới vào vận hành và chưa có số liệu thống kê đầy đủ trong nhiều năm để có thể xây dựng một nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng đến nhu cầu phụ tải ở cấp truyền tải.
Trong khi đó, liên quan tới phát triển năng lượng tái tạo, Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH&CN, Tổng công ty truyền tải điện, Tổng công ty Điện lực miền Trung có ý kiến cho rằng, theo dự thảo, các nguồn điện gió và năng lượng mặt trời sẽ phát triển mạnh (năm 2045, tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo gồm cả thủy điện lớn đạt 53%). Tuy nhiên, nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió có tính ổn định không cao, phụ thuộc lớn vào tình hình thời tiết.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua, điện gió, điện mặt trời phát triển rất nhanh nhưng đã xuất hiện một số tồn tại liên quan đến giá điện, các rào cản kỹ thuật, việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia,... Các đơn vị góp ý đề nghị rà soát tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo các giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045 phù hợp với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị đã quy định “Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045”.
Các đơn vị góp ý vào dự thảo cũng đề nghị đơn vị tư vấn cần xem xét hạn chế việc phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ và quy mô quá lớn như trong thời gian qua, đã và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc vận hành của hệ thống điện nói chung, việc đầu tư và vận hành hiệu quả lưới điện truyền tải nói riêng. Giảm tỷ lệ năng lượng tái tạo cho phù hợp với Nghị quyết 55- NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị.
Giải trình về việc này, đơn vị Tư vấn lập Quy hoạch điện VIII cho hay, quy mô nguồn năng lượng tái tạo tính toán đề xuất trong dự thảo Quy hoạch điện VIII hiện đã phù hợp với mục tiêu năng lượng tái tạo đặt ra trong Nghị quyết 55-NQ/TW. Việc tăng cường phát triển năng lượng tái tạo hơn so với mục tiêu vẫn đảm bảo là phương án nguồn điện có chi phí thấp nhất.
Ở góc độ chuyên gia, TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA), nêu quan điểm muốn phát triển nguồn điện thì phải lường trước được lưới truyền tải tại khu vực đó như thế nào. Giống như mạng lưới giao thông, muốn tăng lưu lượng ô tô thì cần phải biết đường của mình có bảo đảm mật độ giao thông hay không.
"Nếu tính toán mật độ tham gia giao thông với diện tích đường hợp lý thì con đường sẽ thông suốt, còn nếu tăng phương tiện giao thông ồ ạt quá mức mà con đường chưa mở rộng được thì sẽ gây tắc. Vì vậy, thời gian tới, phát triển nguồn và phát triển lưới phải có sự tính toán đồng bộ, phải có tỷ lệ phù hợp trong cơ cấu các nguồn điện", ông Thiện nhấn mạnh.
Thời gian qua, nhiều dự án năng lượng tái tạo đã bị cắt giảm công suất. Theo Bộ Công Thương, việc cắt giảm công suất phát điện của các nhà máy năng lượng tái tạo là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện.
Thy Lê