Sáng 8/6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn nhóm các vấn đề liên quan tới ngành nông nghiệp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chia sẻ về những vấn đề của ngành nông nghiệp. |
Báo cáo về một số nội dung được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, thực tiễn hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ngành nông nghiệp đã có nhiều đột phá để phát triển và có những bước tiến vượt bậc trên các lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Kế thừa thành tựu quan trọng đó, trong 5 tháng đầu năm 2022, trong điều kiện còn nhiều khó khăn và thách thức, nhất là thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ngành nông nghiệp tiếp tục đạt được những kết quả rất tích cực. Các lĩnh vực đều có tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ.
Trong đó, nổi bật nhất là xuất khẩu nông sản tăng 16,8% các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực; tiếp tục duy trì xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới; xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới; xuất khẩu gạo đạt gần 3 triệu tấn, tăng 10,3%; xuất khẩu rau quả đạt 1,4 tỷ USD, xuất khẩu thủy sản đạt 4,79 tỷ USD tăng 46,3%...
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng còn tồn tại nhiều hạn chế. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, nền nông nghiệp nước ta có đặc thù là sản phẩm rất đa dạng, phong phú như lúa gạo, trái cây, sản phẩm chăn nuôi thủy hải sản nhưng việc xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tại các thị trường lớn, thị trường đòi hỏi chất lượng cao. Nguyên nhân chủ yếu là chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, công nghệ cao đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện của thị trường. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp.
Đặc biệt, Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng chúng ta chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp như giống cây trồng vật nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư nông nghiệp... đã ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất.
Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu 60%; phân bón nhập khẩu tới 42%. Tình trạng được mùa, mất giá, ùn ứ nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía bắc xảy ra thường xuyên…
Về một số giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh trước hết là các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương cần tập trung cao và thực hiện thật tốt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã thông qua về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đai.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp từ khâu đầu tư, nghiên cứu chọn tạo giống đến quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn.
Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán để các sản phẩm nông nghiệp sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa.
Hỗ trợ tín dụng miễn giảm các loại phí thuế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vật tư nông nghiệp, phân bón; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu, chế biến thức ăn, gia súc, thức ăn chăn nuôi. Từ đó quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi.
Tập trung chỉ đạo, tổng kết đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai xây dựng cơ chế chính sách, phát huy nguồn lực đất đai, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp khắc phục tình trạng người dân bỏ ruộng tại một số địa phương. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tham gia phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng ngành nông nghiệp cần thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, thay đổi ngay tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng tới hiệu quả cao; không tối đa hóa sản lượng mà tối ưu hóa giá trị…
Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá trong những năm qua, với sự nỗ lực vượt bậc của ngành nông nghiệp, cộng đồng hiệp hội doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân cả nước, ngành nông nghiệp phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, làm trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất do tác động của đại dịch COVID-19.
Thị trường tiêu thụ được mở rộng cả trong và ngoài nước, xuất khẩu nông sản tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao. Việt Nam đứng thứ 15 thế giới, thứ hai khu vực Đông Nam Á về xuất khẩu nông sản.
Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta vẫn còn tình trạng manh mún, nhỏ lẻ và tự phát phát triển còn thiếu bền vững, năng suất cây trồng, vật nuôi khá cao nhưng năng suất lao động thấp, thu nhập và đời sống của người dân chưa cao, có lúc có nơi còn rất khó khăn, đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để hiện thực hóa chủ trương tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Thy Lê