Nhiều nông dân sản xuất không có lãi, thực trạng này được phản ánh qua việc diện tích thanh long bị phá bỏ, đất nông nghiệp bỏ hoang do người sản xuất không còn mặn mà làm nông nghiệp. Đây cũng là vấn đề nóng mà các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chiều ngày 7/6.
Vải thiều xuất Nhật có giá vài trăm nghìn đồng/kg, nông dân lời bao nhiêu?
Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang) đặt vấn đề: Kim ngạch xuất khẩu nông sản trong những năm qua liên tục tăng trưởng, năm 2021 đạt trên 48 tỷ USD. Tuy nhiên, hàng xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, 80% xuất khẩu theo đường tiểu ngạch và 70% phụ thuộc vào một thị trường lớn, đầu ra rủi ro.
Thời gian qua, một số nông dân đã chặt bỏ thanh long vì giá rớt mạnh. |
Đại biểu Phạm Thị Minh Huệ (Đoàn Sóc Trăng) chất vấn: "Nông sản Việt Nam được xuất khẩu sang nước ngoài với giá cao, trong khi giá bán ở trong nước còn thấp. Vì vậy, thu nhập của nông dân chưa được cải thiện. Giải pháp của Bộ trưởng là gì?".
Trả lời những câu hỏi trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, thời gian qua, chúng ta hay đặt vấn đề vải thiều xuất khẩu qua Nhật, xoài xuất sang Mỹ với giá mấy trăm nghìn/kg, nhưng tại sao thương lái, doanh nghiệp mua của nông dân giá thấp thế?
Ông Hoan cho rằng, giá trên đã bao gồm chi phí vận chuyển, logistics chiếm tỷ trọng rất cao nên nông dân không nên quá háo hức. Quan trọng là giá nông sản xuất khẩu cao như vậy có phân bổ lại cho người nông dân hay không nếu so với bán nông sản nội địa.
Theo đó, ông Hoan dẫn chứng, Bắc Giang xuất khẩu vải thiều qua Mỹ, nếu cân đối với giá xuất khẩu và giá bán tại Hà Nội và TP.HCM thì mới rõ bức tranh.
"Có hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng nói với tôi rằng đất nước mình giàu rồi, tầng lớp trung lưu mình nhiều rồi, sẵn sàng mua nông sản giá cao. Vậy thì câu chuyện là thị trường 100 triệu dân Việt Nam nằm ở đâu? Vấn đề là phải tổ chức lại thị trường nông sản trong nước. Muốn xây dựng thương hiệu nông sản ở nước ngoài thì hãy xây dựng thương hiệu trong nước. Niềm tin tiêu dùng nông sản trong nước là bệ đỡ để xuất khẩu nông sản ra thế giới", ông Hoan nói.
Trong khi đó, việc xây dựng thương hiệu ở thị trường nước ngoài cũng còn rất nhiều vấn đề. Bộ trưởng NN&PTNT kể vừa qua khi công tác tại Mỹ, ông có dịp vào thăm các siêu thị lớn như Walmart thì nông sản Việt Nam có mặt rất ít. Điều này cho thấy việc định vị nông sản của Việt Nam đang chậm một bước, giá trị xuất khẩu chưa như kỳ vọng.
"Chia lửa" với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về những vấn đề cố hữu của nền nông nghiệp Việt Nam như "được mùa, mất giá", Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, nguyên do chủ yếu là ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn manh mún, quy mô nhỏ bé, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, khó cho xuất khẩu, liên kết còn kém, kết nối sản xuất chưa song hành với thị trường.
Để hạn chế điều này, Bộ Công Thương cam kết sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát các thủ tục cho hàng hoá xuất khẩu tạo thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ông Diên cho biết, Bộ đang triển khai đề án được Chính phủ giao là xuất khẩu hàng hoá chính ngạch.
"Hiện có 18/63 địa phương đã cho ý kiến vào đề án xuất khẩu hàng chính ngạch, đề nghị các địa phương được lấy ý kiến nhanh chóng cho ý kiến để hoàn tất đề án, trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 6, làm cơ sở cho thực hiện", ông Diên nói.
Đừng để hy vọng của nông dân thành vô vọng
Thực tế, những vấn đề trên không mới nhưng đã kéo dài qua nhiều năm. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thừa nhận ngành nông nghiệp Việt Nam mang 3 "lời nguyền" là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Tuy nhiên, trên cương vị Tư lệnh ngành nông nghiệp, ông cũng không thể trả lời bao giờ giải được "lời nguyền" này.
Do vậy, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho biết chưa hài lòng khi Bộ trưởng nói khó có câu trả lời cho câu hỏi "khi nào, bao giờ", về "lời nguyền" nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát vì yếu tố thị trường, do biến động.
Đại biểu Mai đồng ý đúng là thị trường là yếu tố khó xác định, có nhiều biến động nhưng có quy luật cung cầu, cạnh tranh và vai trò quản lý nhà nước trong kinh tế thị trường gồm có kiến tạo, xây dựng, định hướng và dự báo thị trường. Như vậy, không thể nói là chúng ta khó xác định được kết quả. Hiện nay, việc xác định kết quả đầu ra là quy luật tiên tiến, thông lệ quốc tế đang áp dụng.
"Tôi mong với câu hỏi "khi nào, bao giờ" có được câu trả lời, vì đó là hy vọng của người dân, không nên để hy vọng thành vô vọng", bà Mai nói.
Trước chất vấn này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận, nếu ở vai trò đại biểu, ông cũng kỳ vọng với Bộ trưởng như bà Mai. Tuy nhiên, theo ông Hoan, khi nói "khó xác định" không có nghĩa là ngành sẽ đứng yên mà trong cái khó phải tìm ra hướng đi. Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn chính là cách vận động theo xu thế đó, chủ động thích ứng sự thay đổi chứ không bị động.
Ông Hoan cũng nhắc tới nền nông nghiệp trước 3 chữ biến: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới. Những yếu tố này phải có khoảng thời gian, nâng cao năng lực từ người sản xuất tới doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý của Bộ chuyên ngành.
"Tôi rất chia sẻ với cảm xúc của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai. Tôi nói khó đưa ra câu trả lời có vẻ bản thân tôi chưa làm hết trách nhiệm của mình. Tôi sẽ nghiên cứu để trả lời thêm đại biểu sau", ông Hoan nói. Đồng thời cho biết thêm, nhiều quốc gia trên thế giới đang phát triển nông nghiệp theo câu khẩu hiệu là "nền nông nghiệp ít hơn để được nhiều hơn", tức là tối giảm chi phí, tối đa lợi nhuận bằng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Đây cũng là hướng đi của ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Trước phần hỏi - trả lời chất vấn trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm: thị trường có nhiều cái biến nhưng cái bất biến là phải làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước về phân tích, dự báo, phát triển thị trường để thúc đẩy ngành.
Lê Thúy