Lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong năm 2021 ước đạt 1.200 tỷ đồng, bằng 202% so với năm 2020 là kết quả khá ấn tượng của một DN có vốn nhà nước như Vinatex - đang được dư luận đánh giá khá cao khi biết xoay chuyển đầu tư đúng hướng giữa tác động của đại dịch Covid-19.
Thành công là “quả ngọt”
Như chia sẻ mới đây của Tổng giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu, năm 2021 thị trường ngành sợi tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nếu như trước đây biên lợi nhuận của Vinatex ở ngành may chiếm khoảng 80%, ngành sợi khoảng 20% thì năm 2021 ngành sợi có thể chiếm 50% thậm chí cao hơn vào doanh thu và lợi nhuận của DN.
Xoay chuyển đầu tư đúng hướng, suy nghĩ nhanh, hành động nhanh và bớt sợ hãi sẽ giúp DN Việt gặt “quả ngọt” dưới thời Covid-19. |
“Thành công này chính là “quả ngọt” của Vinatex đầu tư cho ngành sợi từ 5 năm về trước, và phấn đấu đưa ngành sợi phát triển hiện đại, đồng bộ ngang bằng với ngành may”, ông Hiếu nói.
Mặc dù năm 2021 vô cùng khó khăn bởi dịch Covid-19, nhưng tập đoàn này cùng hai đơn vị thành viên vẫn đưa hai nhà máy sợi đi vào hoạt động và tăng công suất. Sau khi đi vào hoạt động, các nhà máy đã chứng minh được quyết định đầu tư trên là đúng đắn.
Còn ở khu vực tư nhân, đáng nể nhất trong quá trình xoay chuyển đầu tư giữa thời Covid-19 phải kể đến CTCP ô tô Trường Hải (Thaco). Thông tin mới đây cho thấy đơn vị thành viên của DN này là CTCP Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) trong năm 2021 đã rót hơn 111 triệu USD để đầu tư vào nông nghiệp tại Campuchia.
Cụ thể, DN này mua lại và sở hữu 100% vốn các công ty con tại Vương quốc Campuchia với tổng diện tích đất gần 38.800 ha, bao gồm 11.000 ha tại tỉnh Kratie và 27.800 ha tại tỉnh Rattarakiri, với tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án là 388 triệu USD.
Thông qua việc đầu tư này, như chia sẻ của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco, đã giúp cho sản lượng thu hoạch và xuất khẩu trái cây năm 2021 của Thagrico ước đạt 250 ngàn tấn với giá trị xuất khẩu đạt 151 triệu USD.
Ngoài ra, ông Dương cho biết phía Campuchia đã tạo điều kiện cho phía DN của ông xây dựng sân bay, mua máy bay để thuận lợi cho việc chăm sóc cây trồng. Đây sẽ là đột phá trong canh tác và ông kỳ vọng đạt xuất khẩu chuối lên tới 1 tỷ USD.
Không những vậy, DN này đang thực hiện chiến lược phát triển logistics tại Chu Lai - Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung, hướng đến giảm chi phí logistics bằng 2 đầu Nam - Bắc thông qua dịch vụ giao nhận vận chuyển trọn gói gồm: Vận tải đường bộ, vận tải biển và cảng biển.
Theo đó, phía DN sẽ đầu tư xây dựng bến cảng và luồng tuyến mới ở khu vực Cửa Lở để đón tàu có trọng tải đến 5 vạn tấn, từng bước phát triển cảng Chu Lai trở thành cửa ngõ quốc tế, kết nối với Tây Nguyên, Lào, Campuchia và hai miền Nam, Bắc.
Bớt sợ hãi, hành động nhanh
Quan sát các hoạt động đầu tư nêu trên, giới chuyên gia cho rằng đó là hướng đi đúng và chắc chắn mang lại “quả ngọt” cho DN. Nhất là trong giai đoạn “bình thường mới”, nếu có nguồn lực tốt thì việc các “ông lớn” DN hoàn toàn có thể đa dạng hoá chuỗi cung ứng của mình, tập trung vào chiến lược tái định vị nhằm mang lại lợi nhuận tốt nhất có thể.
Hoặc như việc các DN sớm đầu tư vào chuyển đổi số giúp cho việc “vượt khó” giữa đại dịch trong năm 2021 này cũng được đánh giá rất cao. Một kết quả khảo sát gần đây cho thấy các DN triển khai chuyển đổi số có thể tạo nguồn doanh thu cao hơn 26%, tăng trưởng nhanh hơn 1,5% so với mức trung bình thị trường.
Nhất là khi mô hình DN số có sự chuyển đổi toàn diện không chỉ bên ngoài như nâng cao trải nghiệm khách hàng, mà quan trọng hơn phải từ nội tại doanh nghiệp với các hoạt động vận hành, sản xuất, kinh doanh,.
Trong chuyện này, các DN Việt có thể học hỏi từ một DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là Công ty Bosch Việt Nam (thuộc tập đoàn Bosch của Đức). Hồi tuần qua DN này đã bình chọn là Top 1 nơi làm việc tốt nhất ngành công nghệ cao dựa trên công bố khảo sát do Anphabe thực hiện về 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2021.
Ông Guru Mallikarjuna, Giám đốc điều hành Bosch Việt Nam, chia sẻ rằng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhất là làn sóng lần thứ tư đã gây tác động về nhiều mặt, thì đây là một minh chứng cụ thể cho những cam kết chiến lược của công ty, đồng thời là một lời nhắc nhở tiếp tục cố gắng để xuất sắc hơn nữa trong những năm tới.
Có thể nói “quả ngọt” mà DN này gặt hái được chính từ việc đầu tư đúng hướng đối với hai Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển (R&D) tại Tp.HCM và một Nhà máy Giải pháp Hệ thống Truyền lực tại Đồng Nai (HCP) - một trong những nhà máy sản xuất Dây curoa truyền động biến thiên liên tục (CVT) lớn nhất toàn cầu. Điều đó giúp cho DN này đã trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á.
Theo giới chuyên gia, muốn gặt “quả ngọt” dưới thời Covid-19 buộc các DN phải suy nghĩ nhanh, hành động nhanh và bớt sợ hãi. Việc xoay chuyển đầu tư đúng hướng để mang về lợi nhuận tốt là minh chứng cho điều này.
Một điều mà các DN có thể làm tốt hơn là nhanh chóng đưa ra quyết định và hành động theo đó một cách bài bản hơn. Có như vậy, sẽ giúp cho DN có khả năng phục hồi tốt và tăng tốc trong năm 2022.
Thế Vinh