Là doanh nghiệp (DN) đầu tư vào ngành nông nghiệp đã 20 năm nay và chuyên xuất khẩu (XK) nông sản sang thị trường EU, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc CTCP Phúc Sinh, cho biết các nhà nhập khẩu EU đã có kế hoạch từ rất sớm là các nhà cung cấp của họ phải phát triển bền vững.
Kết nối nông dân bằng chuyển đổi số
Với vị trí là nhà XK nông sản lớn, nên DN này phải làm các chương trình phát triển bền vững từ nhiều năm trước. Tức là làm với hàng nghìn nông hộ ở những địa phương mà DN có đặt nhà máy chế biến nông sản như Bình Dương, Đắk Lắk, Sơn La.
Đầu tư vào nông nghiệp đang đòi hỏi cách tiếp cận mới với những xu thế mới. |
Theo ông Thông, làm với nông dân thì không dễ, nhất là làm thế nào cho nông sản thực phẩm trở nên an toàn. Không chỉ là việc xây một nhà máy để hoạt động trong 5 - 10 năm, mà còn phải phát triển về sau. Chính vì vậy, DN đã phải dành một quỹ tiền rất lớn để làm việc với nông dân.
“Khi số lượng nông dân tham gia trở nên nhiều, chúng tôi phải nghĩ cách kết nối với họ thông qua chuyển đổi số. Điều may mắn khi làm việc với nông dân bằng chuyển đổi số thông qua các phần mềm thì các đối tác nước ngoài cũng quan tâm”, ông Thông nói.
Là DN thuộc khu vực tư nhân nhưng Phúc Sinh đầu tư vào kỹ thuật số từ rất sớm để phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp an toàn. Tất cả hệ thống của công ty đã dùng ERP (phần mềm hoạch định nguồn lực DN) cùng sự chuẩn mực trong kiểm toán, cho nên khi có khủng hoảng xảy ra thì có nhiều nền tảng chống đỡ.
Đó là lý do mà trong 2 năm chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng DN này vẫn làm ăn có lãi, thậm chí lợi nhuận trong năm 2021 còn gấp 3 lần năm 2020.
“Chúng tôi vẫn XK khá nhiều vì khi khủng hoảng xảy ra thì các nhà nhập khẩu lại tìm đến những đối tác có được nguồn cung quan trọng và có thể hoạt động trong lúc khó khăn nhất. Tôi nghĩ đó là một lợi thế. Nhất là khi đầu tư chuyển đổi số thì việc kết nối với các vùng miền và hệ thống của DN khá là dễ dàng”, ông Thông chia sẻ thêm.
Có thể nói, với yêu cầu của thị trường ngày càng cao, các nhà đầu tư vào nông nghiệp sẽ càng phải có khả năng thích ứng và sức cạnh tranh cao. Và trong 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19 đã chứng minh việc đầu tư công nghệ thông minh vào nông nghiệp của các DN chính là hướng đi đúng nhằm giúp cho dòng chảy nông sản ổn định, thông suốt.
Ngoài vấn đề về công nghệ, trao đổi với VnBusiness bên lề Diễn đàn Mekong Connect 2021 diễn ra ở Tp.HCM cuối tuần qua với một trong những chủ đề trọng tâm là đầu tư vào nông nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T, cho rằng để đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả thì mọi thứ phải liên kết chặt chẽ với nhau.
Cần cách tiếp cận mới với xu thế mới
Chẳng hạn với người nông dân, họ sẽ hiểu rõ mảnh vườn như “đứa con” của mình, hợp với loại cây gì, trồng như thế nào. Còn đối với DN, theo ông Tùng, sẽ hiểu rõ thị trường đang cần cái gì, đang mong muốn hướng tới điều gì, và DN sẽ đầu tư vào việc đó.
“Và khi đưa nông sản ra thị trường, lợi nhuận mà DN mang về sẽ san sẻ lại với nông dân, hợp tác xã (HTX) để đầu tư vào mảnh vườn của mình. Chính việc liên kết chặt chẽ giữa DN, nông dân, HTX sẽ tạo ra xu hướng minh bạch”, ông Tùng nói.
Cũng theo Tổng giám đốc Vina T&T, đầu tư vào nông nghiệp tức là đầu tư vào rất nhiều việc. Như người nông dân phải đầu tư vào mảnh vườn của họ. Còn DN phải đầu tư vào thương mại, vào thương hiệu, và người tiêu dùng nông sản thì đang đầu tư vào sức khoẻ.
“Tất cả những điều này tạo thành giá trị san sẻ lợi nhuận để tiếp tục đầu tư. Có như vậy mới phát triển bền vững. Còn nếu như mạnh ai nấy làm, nông dân cứ trồng theo kiểu mình, DN cứ bán theo kiểu của họ, hoặc nông dân trồng kiểu A nhưng DN quảng cáo kiểu B, như vậy sẽ khiến người tiêu dùng hoang mang, lúc đó sẽ tạo ra giá trị rất thấp”, ông Tùng lưu ý.
Trong câu chuyện đầu tư vào nông nghiệp như hiện nay, giới chuyên gia nhấn mạnh là cần có cách tiếp cận mới, về những xu thế mới. Và trong chuyện này, lãnh đạo ngành nông nghiệp ở các địa phương cần thể hiện tốt vai trò là người kết nối vòng tròn những mối quan hệ.
Đặc biệt là cần chú trọng việc kết nối người nông dân với DN. Bởi lẽ, nếu không cùng nhau hành động tập thể sẽ khó để phát triển bền vững cho các bên trong chuỗi giá trị nông sản.
Bên cạnh đó, để hút vốn đầu tư vào nông nghiệp, các địa phương cũng phải thay đổi tư duy, đừng chỉ săn đón các DN lớn được ví như “đại bàng” mà quên chăm sóc, "lót ổ" cho các DN nhỏ và vừa được ví như “chim sẻ”.
Thực ra, lâu nay, việc đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn đầy trăn trở. Chẳng hạn, tại sao DN chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp dù có nhiều chính sách? Phải chăng đầu tư vào nông nghiệp sẽ gặp rủi ro nhiều (phụ thuộc nhiều yếu tố thời tiết, thiên tai, dịch bệnh,…)?
Và phải chăng đầu tư vào nông nghiệp thu lợi nhuận chậm so với các ngành khác? Bản chất các ngành hàng nông sản không tạo được niềm tin để DN có thể đầu tư bền vững (quy mô nhỏ, mối liên kết thiếu bền chặt, vùng nguyên liệu không ổn định, chuỗi liên kết không ổn định)?…
Những mối băn khoăn này đang rất cần được xoá tan từ mối liên kết chặt chẽ hơn trong thời gian tới giữa DN với người nông dân, các HTX và các cơ quan quản lý cùng các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách.
Thế Vinh