Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 diễn ra sáng 26/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cộng đồng doanh nghiệp quốc tế là những người bạn đồng hành của Chính phủ Việt Nam.
Diễn đàn Doanh nghiệp giữa kỳ 2019 là sự kiện để Chính phủ và doanh nghiệp gặp nhau, qua đó nhìn nhận những kết quả đạt được và nhận diện khó khăn vướng mắc trong môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam. Đặc biệt, Diễn đàn lần này bàn về vấn đề làm thế nào để tăng trưởng nhanh và bền vững.
![]() |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng |
Phó Thủ tướng đánh giá, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đối mặt nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực, là một điểm sáng về phát triển kinh tế trong khu vực.
Bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, xuất phát do những yếu kém nội tại, dẫn tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp, hàng hoá Việt Nam còn thấp. Trình độ quản trị, sáng tạo, liên kết tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu.
Môi trường kinh doanh còn nhiều bất cập, chi phí thực hiện thủ tục hành chính còn cao. Tỷ lệ dân số trên số doanh nghiệp còn thấp, ở Việt Nam cứ 140 người dân mới có 1 doanh nghiệp, ở Mỹ 10 - 12 người dân đã có 1 doanh nghiệp.
Do vậy, Phó Thủ tướng cho rằng phát triển nhanh và bền vững là quan điểm chủ trương, nhất quán trong phát triển kinh tế Việt Nam. Phát triển nhanh để tránh tụt hậu, giảm khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước, đồng thời phải phát triển bền vững. Đây là điều kiện đủ để Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới, giải quyết tốt giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.
Cùng với đó, Việt Nam cũng cần đảm bảo nâng cao chất lượng tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính tiền tệ, xây dựng nền công nghiệp xanh, đẩy mạnh phát triển công nghệ cao tại các đô thị lớn, đẩy mạnh sản xuất sạch để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên...
Để thực hiện mục tiêu này, Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ tiếp tục giữ vững môi trường vĩ mô và chính trị xã hội ổn định. Đây là nhân tố quyết định để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, quyết định phát triển bền vững.
Việt Nam cũng đang tập trung tái cấu trúc nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình kinh tế hợp lý, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế. Trong đó, tập trung tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam, tái cơ cấu tài chính ngân hàng, ngành nghề lĩnh vực.
Việt Nam cũng ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ, giao thông, y tế, giáo dục... nâng cao năng lực, sức cạnh tranh nền kinh tế Việt Nam.
Đồng thời, Việt Nam đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, coi giáo dục đào tạo và phát triển đổi mới sáng tạo là quyết sách hàng đầu, nhân tố quyết định cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế theo hướng minh bạch, công bằng và thông thoáng hơn. Trong đó, tập trung vào việc cải cách thủ tục hành chính, để giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp. Tập trung phát triển hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm... Không sử dụng công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo doanh nghiệp.
Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa, đa phương hoá quan hệ thương mại quốc tế. Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào các FTA. Đây là môi trường tốt để thúc đẩy Việt Nam đổi mới, sáng tạo - những nhân tố này ép chúng ta phải phát triển bền vững.
Nhấn mạnh doanh nghiệp là chủ thể, là lực lượng chính để thực hiện những mục tiêu trên, Phó Thủ tướng cho rằng doanh nghiệp có nguồn vốn, áp dụng công nghệ, sử dụng được nguồn nhân lực, cung cấp đầu vào cho sự phát triển và tìm kiếm đầu ra. Nếu lợi ích của doanh nghiệp gắn với lợi ích cộng đồng, quốc gia và toàn cầu, chắc chắn doanh nghiệp sẽ là động lực phát triển nhanh và bền vững.
Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới vấn đề kinh tế, pháp lý, đạo đức của doanh nghiệp. Về kinh tế, doanh nghiệp cần cân đối mục tiêu lợi nhuận đối xử thỏa đáng với quyền lợi người lao động. Về pháp lý, doanh nghiệp phải thực hiện tuân thủ đầy đủ các quy định pháp lý, bảo vệ khách hàng, môi trường. Và đạo đức là vấn đề rất quan trọng đối với doanh nghiệp.
Với tinh thần doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ, Phó Thủ tướng mong muốn những ý kiến đóng góp thẳng thắn của cộng đồng doanh nghiệp.
Lê Thúy