Tính đến hết tháng 8/2018, đà tăng trưởng xuất khẩu (XK) đang cho thấy rất khả quan, kim ngạch 8 tháng qua ước đạt 155,41 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 45,11 tỷ USD, tăng 17,4%.
Có thể đơn cử một số ngành hàng XK chủ lực, như dệt may đạt kim ngạch 19,4 tỷ USD, tăng 15%; thủy sản đạt 5,5 tỷ USD, tăng 5,3%; rau quả ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng đến 14,1%.
Mỹ vẫn là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,2 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Loại bỏ nút thắt
Nếu tính hoạt động XK từ năm 2016 đến nay, theo đánh giá, bình quân tăng trưởng XK ước đạt 13,5%/năm. Trước những điểm sáng này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy XK trong thời gian tới.
Bên cạnh việc phát huy những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần khắc phục những tồn tại, thúc đẩy XK tăng trưởng nhanh và bền vững, đặc biệt là các bộ, ngành, địa phương cần cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí, loại bỏ những nút thắt, rào cản đối với XK.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương xem xét lại một số quy định đối với sản xuất và nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, chế biến để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN).
Mặt khác, cần tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy XK các mặt hàng công, nông nghiệp có thế mạnh là thủy sản, rau quả, cà phê, điều, hồ tiêu, gạo, sắn hay dệt may, da – giày, điện tử, gỗ và sản phẩm gỗ…
Trong vấn đề XK hiện nay, Thủ tướng lưu ý cần tăng cường công tác thông tin giúp định hướng sản xuất phục vụ XK, chủ động trong nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến XK của Việt Nam.
Đơn cử như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán, các hoạt động tuyên truyền thiếu thiện chí đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam để Chính phủ, các bộ, ngành, Hiệp hội và DN có phản ứng kịp thời.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch XK lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều tăng trưởng mạnh mẽ trong quý III/2018. Các mặt hàng nông sản, thủy sản cũng đẩy mạnh XK trong quý này.
Đối với quý IV/2018, XK các mặt hàng nông sản, thủy sản, công nghiệp tiêu dùng tiếp tục tăng do nhu cầu lớn đến từ các sản phẩm phục vụ mùa đông có giá trị cao và phục vụ các dịp lễ tết.
Điển hình như XK dệt may trong tương lai được đánh giá sẽ gặp những thuận lợi khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khả năng có hiệu lực vào năm 2019 sẽ kỳ vọng thúc đẩy XK khi thị trường trên 40 tỷ USD của 6 nước nhập khẩu dệt may trong CPTPP sẽ được áp dụng các ưu đãi thuế quan.
Đà tăng trưởng xuất khẩu nông sản đang cần sự tự tin của các DN nhỏ và vừa |
Chờ doanh nghiệp nhỏ tự tin
Ngành da – giày có cơ hội được hưởng lợi từ sự dịch chuyển đơn hàng từ thị trường Trung Quốc (do Trung Quốc có xu hướng chuyển dịch sang sản xuất các sản phẩm công nghệ cao).
Việc ký kết một số hiệp định thương mại như Hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) hay CPTPP sẽ mở ra cơ hội phát triển cho ngành da – giày Việt, đặc biệt là sự thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy XK đối với các thị trường EU và các nước tham gia Hiệp định CPTPP.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề một hội thảo gần đây ở Tp.HCM để bàn về những vấn đề hỗ trợ XK cho DN trong thời gian tới, Ts.Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng điều cần làm là cập nhật những thông tin diễn biến mới trên thị trường XK. Đơn cử như chuyện bảo hộ mậu dịch ở một số thị trường lớn.
Theo ông Khương, hiện nay, một số nền kinh tế lớn đang hướng về bảo hộ mậu dịch. Chính sách này đem lại rất nhiều hệ luỵ liên quan đến hàng rào kỹ thuật, liên quan đến việc tuân thủ pháp luật… Đây là điều mà các DN XK cần phải nhận thức tốt, trong đó việc nghiên cứu thông tin thị trường là hết sức quan trọng.
"Qua những thông tin đó, chúng ta cần có những dự án xây dựng chiến lược mới để phù hợp với thị trường XK. Trước bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ, việc XK sản phẩm chỉ dựa vào nguyên vật liệu thô hay dựa nhiều vào sức lao động, kỹ năng thấp chắc chắn trong tương lai sẽ có nhiều biến đổi", ông Khương lưu ý.
Theo Phó Chủ tịch VCCI, trên 95% DN trong nước là DN vừa và nhỏ, trong đó có những DN đã nắm bắt được các thông tin về thị trường XK, nhưng cũng có nhiều DN thiếu kinh nghiệm và tầm hiểu biết về thị trường quốc tế.
Do đó, làm sao để các DN nhỏ tự tin XK trên thị trường quốc tế là điều hết sức quan trọng. Ở đây rất cần vai trò định hướng của Chính phủ và các cơ quan xúc tiến thương mại.
Ngoài ra, các DN nhỏ bên cạnh việc sản xuất kinh doanh ở thị trường trong nước, trước bối cảnh hội nhập nên mạnh dạn tiến ra thị trường quốc tế, nhất là nhận chuyển giao những công nghệ mới để XK hàng hóa chất lượng cao.
Thanh Loan