Ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã bày tỏ lo ngại này tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019, sáng 26/6.
Tình trạng thiếu điện và không ổn định nguồn điện sẽ làm giảm ý định mở rộng kinh doanh của các nhà đầu tư (Ảnh: Internet) |
Cùng với sự gia tăng nhanh về nhu cầu điện, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng cung và cầu về điện ở Việt Nam đang bị thắt chặt. Đặc biệt, đối với ngành sản xuất thì điện là sự sống còn của hoạt động sản xuất kinh doanh, tình trạng thiếu điện và không ổn định nguồn điện sẽ làm giảm ý định mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam và sẽ là yếu tố cản trở các hoạt động đầu tư mới vào Việt Nam.
Để tránh mất điện quy mô lớn, ông Nobufumi Miura cho hay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang yêu cầu những người có nhu cầu sử dụng điện lớn tiết kiệm điện trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, "chúng tôi không biết mức độ nào được coi là tình trạng khẩn cấp, chính vì vậy đây là một rủi ro lớn đối với doanh nghiệp để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Rất mong Chính phủ Việt Nam hiểu", ông nói.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, không khó để hình dung rằng nhu cầu về điện sẽ tiếp tục tăng trong tương lai khi thực hiện công nghiệp hóa và gia tăng các hoạt động đầu tư mới để phát triển kinh tế hơn nữa.
Vì vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản mong Chính phủ Việt Nam sớm xây dựng các nhà máy điện quy mô lớn và hỗ trợ việc áp dụng các nguồn năng lượng tái tạo giúp ổn định điện năng.
Liên quan tới vấn đề năng lượng, ông Peter Rimmer, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam, cho biết nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, tuy nhiên hạ tầng lưới điện yếu cùng với nhu cầu sử dụng điện tăng 12% khiến các doanh nghiệp có thể phải đối mặt với thách thức về năng lượng.
Theo Tổng sơ đồ điện hiện tại, tỷ trọng nhiệt điện than dự kiến sẽ tăng từ 49% vào năm 2020 lên 53,2% vào năm 2030. Điều này sẽ àm gia tăng ô nhiễm, vấn đề nghiêm trọng hiện gặp phải tại nhiều thành phố lớn. Các lựa chọn về năng lượng tái tạo thay thế là hết sức tiềm năng tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, song song với đó cần cân nhắc đến ưu đãi cho hiệu quả năng lượng và đầu tư từ khu vực tư nhân.
Các nhà đầu tư lo ngại về giá FiT thấp của Việt Nam và khả năng thanh toán của hợp đồng mua bán điện. Các nhà sản xuất chỉ có thể bán cho nhà cung cấp điện độc quyền của nhà nước EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), đồng nghĩa với việc sẽ không nhận được bảo đảm của Chính phủ Việt Nam.
Để mở đường cho các dự án năng lượng tái tạo, Việt Nam cần điều chỉnh giá điện, điều tiết thị trường và cung cấp nhiều hơn các sản phẩm tài chính hỗn hợp cho khu vực tư nhân.
"Doanh nghiệp Anh ủng hộ sự chuyển đổi mô hình định giá điện dựa trên cơ chế định giá thị trường. Điều này khuyến khích nhiều nhà đầu tư tư nhân tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo. Việc làm mới hệ thống truyền tải của các dự án năng lượng mặt trời đang chờ Chính phủ phê duyệt và các sửa đổi tham vọng hơn trong Tổng sơ đồ điện cũng sẽ xảy ra", đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc kiến nghị.
Thy Lê