Theo dự đoán được chuyên gia phân tích của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) đưa ra vào ngày 6/5 thì giá cá tra XK có thể sẽ được điều chỉnh tăng ít nhất 10% so với giá hiện tại trong nửa cuối năm nay và dự kiến tình hình XK sẽ tốt hơn từ quý 3/2024.
Lựa chọn chiến lược cho mặt hàng chế biến
Ngoài ra, điểm đáng chú ý là XK cá tra chế biến giá trị gia tăng (GTGT) sang hai thị trường chủ lực là Trung Quốc và Mỹ đã có tăng trưởng ấn tượng trong quý đầu của năm nay. Cụ thể, Trung Quốc và Hồng Kông đã mua từ Việt Nam hơn 305 nghìn USD mặt hàng cá tra chế biến GTGT, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, còn Mỹ nhập khẩu mặt hàng này có giá trị đạt 559 nghìn USD, tăng đến 449% so với cùng kỳ năm 2023.
Việc đa dạng các sản phẩm chế biến nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế chính là cách để các DN phát huy lợi thế hàng giá trị gia tăng cho nông sản Việt. |
Dữ liệu cho thấy, trong XK sản phẩm cá tra vào quý I năm nay, trong khi XK cá tra phile đông lạnh giảm 5%, thì XK sản phẩm cá tra chế biến GTGT tăng 16%, tuy vậy chỉ chiếm có 2% tỷ trọng. Đáng lưu ý là 2 dòng sản phẩm phụ là bong bóng cá tra và snack da cá lại ghi nhận mức tăng khả quan.
Phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho rằng, biến động thị trường những năm qua cho thấy, lựa chọn chiến lược kinh doanh hàng chế biến GTGT sẽ là phù hợp hơn cho doanh nghiệp (DN) thủy sản Việt Nam. Do vậy, đang có sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm trong từng ngành hàng XK chủ lực. Nhất là tại các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, sản phẩm GTGT là lợi thế của Việt Nam.
Cho nên, để góp phần cho ngành hàng thủy sản hồi phục và bứt phá trong nửa cuối năm nay thì việc các DN phát huy lợi thế chế biến sản phẩm có GTGT là rất cần thiết, nhất là cần tỷ trọng mặt hàng này trong tổng kim ngạch XK.
Chẳng hạn như đứng ở góc độ của một DN hàng đầu về XK tôm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC), nhấn mạnh sách lược cho sắp tới là cần nâng cao trình độ chế biến, là đa dạng hóa sản phẩm để thu hút người tiêu dùng và giữ vững phân khúc thị phần cấp cao. Chẳng hạn như DN chế biến tôm giờ làm thêm há cảo, xíu mại…; DN cá làm thêm nông sản, thêm bánh…Và tất cả là hàng chế biến cao. Và giá cũng cao!
Bên cạnh câu chuyện về mặt hàng GTGT của ngành thủy sản, cũng nên nhắc đến thông tin mới đây về sản phẩm nước mía ép nguyên chất đóng lon của CTCP mía đường Lam Sơn (Lasuco) ở Thanh Hóa đang được phân phối khá hiệu quả tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị ở thành phố biển Miami, bang Florida (Mỹ). Dù mới được đưa vào thị trường Mỹ cách đây 2 tháng song sản phẩm nước mía đóng lon “made in Vietnam” rất được người tiêu dùng ở đây ưa chuộng.
Như chia sẻ của ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, mía là loại cây có tiềm năng XK rất lớn và đặc biệt sản phẩm mía (đã tước vỏ làm sạch) không thuộc danh mục phải qua đánh giá nguy cơ dịch hại nên bất kể lúc nào cũng có thể XK được sang thị trường Mỹ.
Giới chuyên gia cho rằng việc XK sản phẩm nước mía nguyên chất đóng lon hay XK nước mía tươi đông lạnh và cấp đông cũng là cách để phát huy lợi thế GTGT cho cây mía của Việt Nam. Điều này cũng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cao của người tiêu dùng trên thế giới vào mùa nắng nóng. Thậm chí có DN Việt còn sản xuất và XK sản phẩm nước mía có tính “bắt trend” khi phối trộn với nước dừa, nước dừa, nước tắc, nước chanh dây…, qua đó giúp tạo GTGT cho nông sản Việt.
Tránh “phung phí” khoảng trống nâng cao giá trị
Đơn cử như Công ty TNHH Viet Goods Trade ở Tiền Giang được ghi nhận là có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất mía tươi đông lạnh và nước mía cấp đông XK đến các thị trường như Mỹ (hơn 2.000 tấn trong năm 2023), Pháp, Đức, Ba Lan, Hungary, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore…
Hồi năm rồi công ty này đã XK hơn 3.000 tấn mía tươi, mía đông lạnh và nước mía đông lạnh. Công suất sản xuất nước mía đông lạnh XK của phía công ty là 1.200 tấn/năm, còn công suất sản xuất mía tươi đông lạnh XK là 3.500 tấn/năm.
Trong việc phát huy lợi thế GTGT cho nông sản Việt khi XK cũng có thể kể thêm đến câu chuyện hồi tháng 3/2024, lô hàng 40 tấn cà phê nhân xanh hữu cơ đầu tiên của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp ở tỉnh Gia Lai đã được XK sang thị trường Nhật Bản sau 2 năm đàm phán. Giá bán của mặt hàng cà phê nhân xanh hữu cơ này được cho là cao hơn cà phê thông thường đến 35%.
Đây được xem là tín hiệu vui, mở ra cơ hội nâng cao GTGT cho ngành hàng cà phê Việt, cũng như đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về XK bền vững. Đặc biệt là trong bối cảnh ngành hàng này vẫn còn “phung phí” khoảng trống rất lớn tiềm năng để nâng cao giá trị.
Điển hình như việc XK cà phê vào thị trường lân cận đầy tiềm năng như Singapore thì Việt Nam là đối tác XK cà phê xếp thứ 9 và vẫn còn chiếm thị phần khá nhỏ (chỉ chiếm khoảng 2,2%). Một phần nguyên nhân là do các DN Việt chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ những mặt hàng cà phê có GTGT cao, chất lượng cao, nhất là để phục vụ tại các khách sạn, nhà hàng, tiệm cà phê cao cấp ở đây.
Theo thông tin mới đưa ra từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore, thị phần của cà phê Việt Nam tại Singapore còn rất khiêm tốn so với các đối tác khác trong khu vực. Trong khi đó, ngoài nhu cầu tiêu dùng nội địa, Singapore còn là trung tâm thương mại trung chuyển hàng đầu khu vực, nếu khai thác tốt sẽ giúp mặt hàng cà phê Việt Nam XK sang các nước thứ ba.
Giới chuyên gia lưu ý, để tăng thị phần cà phê Việt Nam tại Singapore thì các DN Việt cần chú tâm đến các mặt hàng có GTGT cao để đáp ứng xu hướng uống cà phê theo phong cách phương Tây ở đây (uống cà phê xay ngay tại chỗ).
Thêm nữa, nhu cầu của các DN Singapore là nhập khẩu cà phê của Việt Nam và tái XK ra thị trường thế giới (là quốc gia đứng thứ 5 thế giới về tái XK cà phê). Chính vì thế, dư địa ở thị trường này là rất lớn, cho nên thay vì “phung phí” thì các DN cần quan tâm, nỗ lực tận dụng nhiều hơn bằng các mặt hàng cà phê có GTGT cao.
Có thể nói, việc phát huy lợi thế hàng giá trị gia tăng trong hoạt động XK là rất cần thiết với ngành hàng nông sản Việt trong lúc này. Điều đó không chỉ giúp các DN thực hiện những đơn hàng mới với mức giá tốt hơn mà còn góp phần giúp gia tăng kim ngạch XK và nâng tầm thương hiệu nông sản Việt trên thị trường thế giới.
Thế Vinh