Trên website của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) hôm 4/3 có đăng tải thông điệp của bà Nguyễn Thị Thu Sắc (Chủ tịch Vasep) gửi tới các doanh nghiệp (DN) thủy sản và bà con nông-ngư dân.
“Cú hích” để xem lại chuỗi cung ứng
Trong đó, bà Sắc lưu ý vẫn còn những vấn đề DN xuất khẩu (XK) thủy sản phải đối mặt như tình trạng dư cung, tồn kho nhiều, giá mua thấp, áp lực cạnh tranh lớn…Bên cạnh đó là những thách thức mới như căng thẳng Biển Đỏ làm cước vận tải tăng, thẻ vàng IUU và thuế chống trợ cấp sẽ làm khó cho DN.
Việc duy trì được lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu là điều rất quan trọng với các DN Việt trong lúc này. |
Mặc dù vậy, vị chủ tịch Vasep tin rằng với bản lĩnh vượt khó, kinh nghiệm thương trường và sự linh hoạt, nhạy bén, DN sẽ biến “nguy thành cơ”, hy vọng vào sự hồi phục mạnh mẽ hơn trong năm 2024 này, khai thác và phát triển được các sản phẩm và thị trường phù hợp bối cảnh mới hậu Covid, lạm phát và chiến tranh.
Cũng qua thông điệp này, bà Sắc mong muốn ngành thủy sản của Việt Nam hướng tới mục tiêu là nâng cao năng lực cạnh tranh. Và để làm được điều này, như về mặt nguyên liệu, thì đòi hỏi quan trọng là chất lượng nguyên liệu, nguyên liệu hợp pháp với giá thành hợp lý nhất. Hoặc như việc cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, giảm giá thành sản xuất…
Có thể nói những điều mà vị chủ tịch Vasep nêu ra cũng là vấn đề chung của các DN nội địa hiện nay trong hoạt động XK sau khi XK của cả nước trong tháng 2/2023 đã giảm 28,1% so với tháng trước và giảm 5% so với cùng kỳ năm trước (một phần nguyên nhân sụt giảm do ảnh hưởng dịp nghỉ Tết Nguyên đán). Và điều mà họ cần làm là tìm được lời giải cho “bài toán” duy trì lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh còn nhiều bất trắc ở phía trước.
Chẳng hạn như vấn đề khủng hoảng ở Biển Đỏ đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại của Việt Nam khi mà hoạt động thương mại với châu Âu và Bắc Mỹ, vốn chiếm 28,4% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam hồi năm 2023, dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo Ts. Irfan Ulhaq, chuyên gia ngành quản lý chuỗi cung ứng và logistics (Đại học RMIT), những gián đoạn tiếp diễn có thể là “cú hích” khiến các DN hoạt động tại Việt Nam xem xét lại chuỗi cung ứng của họ, khám phá các tuyến thương mại an toàn hơn nhưng có thể tốn kém hơn.
Điều này có thể thúc đẩy hướng chuyển đổi sang chiến lược near-shoring (sản xuất tại nước lân cận) hoặc re-shoring (quay trở lại sản xuất trong nước) để đưa hoạt động sản xuất về gần hơn với các thị trường trọng điểm, mặc dù những thay đổi như vậy sẽ đi kèm với thách thức và đẩy chi phí lên cao hơn.
“Mặc dù có thể cần thêm thời gian để thấy rõ tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam, nhưng tình hình chung cho thấy cần có các giải pháp và chiến lược đổi mới để giảm thiểu thách thức và duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu”, Ts. Ulhaq nhấn mạnh.
Chính vì vậy, vị chuyên gia này đề xuất tăng cường hợp tác giữa các DN Việt với các nhà cung cấp dịch vụ logistics, cơ quan quản lý để chia sẻ rủi ro và xây dựng giải pháp chung, bao gồm các chính sách đảm bảo an ninh và ổn định cho các tuyến thương mại quan trọng.
Cần sự đồng hành, chung vai
Ts. Irfan Ulhaq cũng cho biết việc áp dụng cách vận hành linh hoạt, bao gồm điều chỉnh lịch trình sản xuất, dòng sản phẩm và phương thức phân phối, là rất quan trọng để ứng phó với gián đoạn chuỗi cung ứng. Bằng cách ứng dụng các công nghệ tiên tiến như Trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ chuỗi khối (blockchain), các DN cũng có thể tăng cường quản lý chuỗi cung ứng theo hướng hiệu quả, dễ dự đoán và minh bạch hơn.
Trong các biện pháp xử lý khác mà các DN Việt đang cân nhắc, Ts. Ulhaq nhận thấy việc dự trữ các cấu phần chính hoặc hàng hóa thành phẩm để phòng ngừa gián đoạn đang được chú ý, mặc dù điều này đòi hỏi phải quản lý hàng tồn kho thật cẩn thận để tránh chi phí vượt mức.
Không chỉ phải vững vàng ở các thị trường trọng điểm, DN cần chú trọng khai thác những thị trường, khu vực hiện đang có FTA với Việt Nam. Đồng thời, xây dựng chiến lược thâm nhập các thị trường mới, thị trường tiềm năng.
Hoặc về thị trường XK, như bày tỏ của bà Nguyễn Thị Thu Sắc, các DN thuỷ sản đã có hàng chục năm nỗ lực từ nguyên liệu, tài chính, sản xuất, chứng nhận và chất lượng để thâm nhập các thị trường khó tính nhất như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Cho nên, điều hy vọng là với sự chung tay của cộng đồng DN và các Cơ quan nhà nước, qua đó sẽ tiếp tục gia tăng ở các thị trường truyền thống và thâm nhập nhiều hơn nữa ở các thị trường đầy tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, ASEAN...
Hay vấn đề đáp ứng các tiêu chuẩn cao về sản xuất và XK bền vững cũng đang gây áp lực cho các DN Việt nhưng cũng tạo cơ hội cho họ tăng lợi thế cạnh tranh. Theo Ts. Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về quản lý chuỗi cung ứng và logistics, một khi tất cả các công ty ở Việt Nam cố gắng cạnh tranh về chi phí, chất lượng và giao hàng, thì làm xanh hóa quy trình có thể là yếu tố để giành được đơn hàng và có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh cho DN Việt trong XK thì sự hỗ trợ cần thiết về mặt chính sách là điều cực kỳ quan trọng và cần hết sức tránh “đẻ” thêm những quy định bất cập có tính cản trở sức cạnh tranh. Đơn cử như chính sách về thuế Giá trị gia tăng (VAT) đối với dịch vụ XK. Trong góp ý mới nhất về Dự thảo luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ rõ mối lo ở Điều 9.1 của Dự thảo sửa đổi theo hướng sẽ đánh thuế đối với hầu hết dịch vụ XK, mà không cho phép hưởng thuế suất 0% như trước đây.
Như băn khoăn của VCCI, việc phải chịu thuế suất 10% khi XK sẽ khiến các nhà cung cấp dịch vụ cho nước ngoài của Việt Nam gặp khó khăn khi cạnh tranh với đối thủ đến từ quốc gia khác. Bởi lẽ, theo tìm hiểu sơ bộ của VCCI, các quốc gia khác đều áp thuế suất 0% cho dịch vụ XK và cho phép DN được hoàn thuế đầu vào.
Từ những vấn đề nêu trên để thấy việc tìm lời giải cho “bài toán” duy trì lợi thế cạnh tranh của DN giữa nhiều bất trắc là không hề đơn giản. Điều này rất cần sự đồng hành, chung vai của các cơ quan quản lý và khâu chính sách để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các DN.
Thế Vinh