Sáng nay (29/5), tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về việc phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách Trung ương (NSTW) trong nước còn lại và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Chính phủ cũng trình bổ sung danh mục dự án mới từ nguồn điều chỉnh nội bộ và dự phòng 10% tại bộ, ngành, địa phương và một số nội dung liên quan đến việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án tại Phụ lục kèm theo của các bộ, ngành và địa phương với tổng số vốn là 15.487,22 tỷ đồng (trong đó 1.744,59 tỷ đồng từ nguồn cắt giảm của các dự án đã có trong danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn của chính bộ, ngành và địa phương đó và 13.733,63 tỷ đồng từ dự phòng 10% vốn NSTW tại bộ, ngành và địa phương). Giao Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án và quyết định giao bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo quy định.
Bố trí 391,372 tỷ đồng từ nguồn dự phòng 10% vốn NSTW tại địa phương để bố trí, hoàn thành dứt điểm các dự án thuộc Chương trình kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn.
Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020 từ nguồn dự phòng 10% vốn nước ngoài đã giao kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho tỉnh Lạng Sơn 19,43 tỷ đồng để thực hiện dự án Dự án Chuẩn bị Dự án Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện các tỉnh vùng Đông Bắc (gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn).Tỉnh Hà Tĩnh là 15,697 tỷ đồng để thực hiện dự án Chuẩn bị dự án Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Hà Tĩnh; tỉnh Thừa Thiên Huế 48,96 tỷ đồng để thực hiện dự án Cải thiện Dịch vụ Y tế tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm |
Đánh giá về kế hoạch này đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh hay phân bổ là việc làm hết sức bình thường, vì trong điều hành ngân sách, số 10% dự phòng chưa phân bổ trong giai đoạn phân bổ đầu kỳ thì để dành lại với giả thiết có những tình huống bất thường nếu xảy ra thì sử dụng.
Thực tế, trong giai đoạn hiện nay đã gần cuối nhiệm kỳ, các tình huống bất thường không xảy ra và dự kiến từ nay đến cuối nhiệm kỳ cũng không có gì biến động lớn, thì phải phân bổ sử dụng có hiệu quả.
Tuy nhiên, đại biểu Lâm cũng nhấn mạnh, cần phân bổ như thế nào cho “trúng”, tức là có những tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư đúng nhu cầu thực tiễn, khi đó sẽ phát huy được hiệu quả.
"Chính phủ trình các phương án để Quốc hội xem xét cũng dựa trên cơ sở những tiêu chí và nguyên tắc mà trước đây Quốc hội đã thống nhất", ông Lâm nói.
Ngoài ra, đại biểu này kiến nghị, cần sớm đưa nguồn vốn này vào sử dụng, vì Việt Nam vẫn đang phải đi vay vốn nước ngoài và trả lãi với một khoản tiền không nhỏ, trong khi có khoản tiền “cất trong tủ” thì rất lãng phí.
Thanh Hoa