Từ năm 2005 đến nay, công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cung cấp ra thị trường hơn 700.000 xe ô tô các loại. Ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Thaco, cho biết doanh nghiệp này sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống sản xuất của mình.
Đã có 'ông tơ bà nguyệt'
CEO Thaco kỳ vọng sự ra đời của hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ giúp doanh nghiệp này vừa dễ dàng kết nối được với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để cung cấp phụ tùng cho Thaco. Ngược lại, Thaco mong muốn cung cấp những sản phẩm cơ khí cho doanh nghiệp cần với giá cạnh tranh.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (Ảnh: TL) |
Ông Tài chia sẻ: "Chúng tôi không thể sản xuất tất cả sản phẩm. Đặc biệt, sau dịch Covid-19, sản lượng giảm, nhà máy dư công suất. Vì vậy, sự ra đời của hệ thống cơ sở dữ liệu này rất có ý nghĩa. Đây là tài sản phải khai thác, đem đến sự hữu ích cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là chất xúc tác mới để doanh nghiệp phục hồi hậu Covid-19".
Trong khi đó, ông Jang Yoon Ho, Giám đốc bộ phận quan hệ đối tác, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, chia sẻ trong quá trình đầu tư kinh doanh sản xuất tại Việt Nam, doanh nghiệp này đã tiến hành các chương trình tư vấn, cải tiến năng lực giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung, từ đó giữ cam kết với Chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, đại diện Samsung cho biết, họ gặp khó khăn trong tìm kiếm doanh nghiệp. Mặc dù, chắc chắn nhiều doanh nghiệp Việt Nam có đủ tiềm năng để tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung.
Ông Jang Yoon Ho cho biết: Thông tin về chất lượng sản phẩm, giới thiệu công ty của doanh nghiệp Việt Nam rất khiêm tốn. Quá trình tìm kiếm mất nhiều thời gian, chi phí. "Hệ thống cơ sở này sẽ là cơ hội rất tốt để chúng tôi đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nhiều hơn trong tương lai, để nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung".
Đại diện Samsung cho biết thêm, trong trường hợp doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm mà họ cần. Họ sẽ liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp, mời tham gia sự kiện triển lãm nhà trưng bày của Samsung, nếu đủ tiêu chí sẽ tham gia trở thành nhà cung ứng của Samsung.
Đánh giá về vai trò của hệ thống cơ sở dữ liệu, ông Bùi Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Nhựa Hà Nội (An Phát Holdings Group), nhận định trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, hoạt động xúc tiến thương mại đình trệ, việc chuyển sang giao thương kết nối trực tuyến là rất cần thiết.
Đặc biệt, thời gian qua, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã chủ động tìm kiếm kết nối hợp tác nhưng không đem tới nhiều kết nối như mong đợi. Sự ra đời của hệ thống chính là tin vui với cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Theo ông Hải, hệ thống dữ liệu quốc gia doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ giúp các doanh nghiệp như An Phát mở rộng hợp tác với đối tác trong, ngoài nước, thiết lập chuỗi cung ứng công nghiệp hoàn toàn với sản phẩm "made in Vietnam" mang hàm lượng công nghệ cao
Nhưng liệu có đi đến "hôn nhân"?
Tuy nhiên, đại diện An Phát cho rằng hệ thống đã ra đời nhưng thẳng thắn mà nói chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Thực tế, nhiều doanh nghiệp khó đáp ứng được những tiêu chuẩn của các tập đoàn lớn. Vì vậy, Bộ Công Thương cần hối thúc, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn.
Với gần 40 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ - đang là nhà cung cấp linh phụ kiện cho nhiều tập đoàn đa quốc gia như Honda, Toyota, LG, Panasonic.... Đại diện An Phát cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao năng lực để đáp ứng đòi hỏi của khách hàng.
Hiện nay, đa phần doanh nghiệp Việt Nam đều là doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực yếu. Hơn nữa, các doanh nghiệp chủ yếu mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết với nhau nên cung cấp các sản phẩm linh kiện rời rạc.
"Tập đoàn đa quốc gia khi bước chân vào Việt Nam họ có rất nhiều tiền, nhiều công ty FDI sẵn sàng làm "vệ tinh" cho họ. Vì vậy, nếu doanh nghiệp Việt không liên kết lại với nhau, chúng ta đánh sẽ mất đi chính lợi thế ở nước mình", ông Hải chia sẻ.
Đồng thời, theo đại diện An Phát, trong quá trình nỗ lực, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ. Hiện, chính sách hỗ trợ của Bộ Công Thương mới chỉ là kết nối thông tin, đứng ra làm cầu nối cho doanh nghiệp tìm đến với nhau. Trong khi đó, doanh nghiệp cần được hỗ trợ nhiều hơn về vốn, chính sách ưu đãi, công nghệ... Hiện những vấn đề này gần như doanh nghiệp phải tự nỗ lực, tự mày mò.
"Rất mong Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nghe được tiếng nói của doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ sâu, thiết thực hơn", ông Hải chia sẻ.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn làn sóng chuỗi sản xuất dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Cơ hội ai cũng nhìn thấy nhưng cơ hội có dành cho doanh nghiệp Việt Nam hay không còn phụ thuộc lớn vào sự nỗ lực cả từ phía doanh nghiệp và Chính phủ.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ là dấu mốc quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu hình thành mạng lưới kết nối B2B trong nước với nước ngoài, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, đáp ứng nhu cầu kết nối đầu tư, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các hoạt động giao thương trực tiếp gặp nhiều khó khăn, hệ thống này sẽ càng phát huy vai trò của mình, giúp doanh nghiệp kết nối và nắm bắt cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia như CPTPP hay mới đây nhất là EVFTA.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn lực, tài chính để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, mở rộng thông tin dữ liệu của nhiều ngành hàng và tiếp tục phát triển các tính năng mới cho phép doanh nghiệp tự tạo gian hàng giới thiệu sản phẩm, tiến đến thiết lập một sàn thương mại điện tử về công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.
Hơn 3.600 doanh nghiệp đã có mặt trên Hệ thống dữ liệu Cuối tuần qua, Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức “Lễ khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”. Theo Bộ Công Thương, công nghiệp chế biến, chế tạo được ví như "xương sống" của nền kinh tế, là nền tảng và là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp Việt Nam. Công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đang là lĩnh vực chủ lực thu hút đầu tư nước ngoài. Chỉ tính riêng trong năm 2019, cả nước thu hút được 3.478 dự án mới, với tổng vốn đạt gần 31,8 tỷ USD thì lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với tổng vốn đạt 21,6 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đến nay, Cục Công nghiệp đã cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về các doanh nghiệp, gồm có 500 doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, 347 doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô, 750 doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, 1.145 doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và 910 doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày. Trong bối cảnh dịch Covid-19, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC nhận định: Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với các công ty đa quốc gia thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu này, cùng với môi trường kinh doanh ổn định và ít rủi ro của Việt Nam - được minh chứng bởi thành công trong kiểm soát dịch Covid-19 nhanh chóng - hứa hẹn giúp khẳng định Việt Nam là một trung tâm chế biến chế tạo chủ chốt trong khu vực.” |
Lê Thúy