Khi mà hoạt động sản xuất công nghiệp hậu Covid-19 đang dần quay trở lại trạng thái bình thường, CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) cho biết Nhà máy Ghế ô tô (Autocom) của công ty đặt tại Khu công nghiệp Thaco Chu Lai (Quảng Nam) trong năm nay dự kiến sẽ đẩy mạnh xuất khẩu (XK) với giá trị có thể lên đến 10,5 triệu USD, trong đó có 8 triệu USD từ sản phẩm áo ghế và bọc cần số là 2,5 triệu USD; đồng thời mở rộng thị trường sang Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản.
Đầu ra vẫn tốt
Bên cạnh đó, Autocom có kế hoạch gia tăng sản lượng XK áo ghế lên 150.000 bộ/năm và bọc cần số lên 1.200.000 bộ/năm cho các đối tác Hàn Quốc. Mặt khác, nhà máy sẽ tham gia chuỗi cung ứng các sản phẩm ghế xe bus, nệm ghế xe du lịch… cho các doanh nghiệp (DN) trong nước.
Thời gian qua, nhà máy này đã XK các sản phẩm như áo ghế xe du lịch, bọc cần số cho các nhà máy sản xuất lắp ráp của các hãng xe nổi tiếng (như Honda, Hyundai, Kia, Haval) tại nhiều nước trên thế giới, trong đó thị trường trọng điểm là Hàn Quốc và Malaysia. Hồi năm ngoái, tổng giá trị XK áo ghế của nhà máy là 5 triệu USD và 1,2 triệu USD đối với bọc cần số.
Không phải ngẫu nhiên mà hoạt động gia tăng XK linh kiện ghế ô tô của Thaco lại đầy lạc quan như vậy trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang làm tăng trưởng XK ở nhiều ngành, lĩnh vực chậm lại.
Điều đó được lý giải là bởi việc sản xuất ghế ô tô của DN nội địa này với tỷ lệ nội địa hóa 100% đã đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển đa dạng các sản phẩm, đáp ứng yêu cầu riêng biệt của khách hàng.
Hơn nữa, nhờ chú trọng hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) giúp Thaco nâng cao năng lực thiết kế, phát triển nhanh và đa dạng sản phẩm. Riêng công đoạn lắp ráp hoàn thiện sản phẩm ghế được thực hiện trên băng chuyền tự động, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Không chỉ với Thaco, nhìn vào bức tranh chung của hoạt động XK linh kiện phụ tùng thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay dù đối mặt thách thức lớn từ dịch Covid-19 nhưng vẫn còn nhiều triển vọng ở phía trước.
Số liệu mới đưa ra từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong 4 tháng đầu năm nay, trị giá XK nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt 6,78 tỷ USD, so cùng kỳ năm trước đã tăng 1,46 tỷ USD, tương ứng mức tăng 27,4%.
Như vậy, có thể thấy đầu ra vẫn khá tốt dù có tác động của dịch Covid-19. Các thị trường XK máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác trong 4 tháng từ đầu năm 2020 chủ yếu gồm: thị trường Mỹ với 2,22 tỷ USD, tăng mạnh 71%; EU đạt trị giá 1,07 tỷ USD, tăng 31,7%; Nhật Bản với 655 triệu USD, tăng 9,4%; Hàn Quốc với 643 triệu USD, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2019...
Dây chuyền lắp ráp ghế ô tô để xuất khẩu |
Trạng thái bình thường mới
Để sức tăng trưởng XK ở lĩnh vực này không bị chững lại do ảnh hưởng đại dịch, giới chuyên gia cho rằng rất cần thêm những chính sách lớn khuyến khích các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước. Đặc biệt là các DN sản xuất các sản phẩm đầu vào cho một số ngành công nghiệp nhằm tăng cường sản xuất, kết nối với các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh ở trong nước lẫn ngoài nước.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng lưu ý những chính sách lớn sắp tới có nhiều ý nghĩa tích cực cho hoạt động XK nói chung hay lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới khi thực thi phải làm sao để cho DN Việt thấy được là có bản thân họ ở trong đó và có lợi.
“Để những DN Việt làm công nghiệp hỗ trợ có lợi thì khâu chính sách phải cụ thể hơn, từ cụ thể hoá lộ trình cho đến hướng đi, những thủ tục giấy tờ cần phải làm và kể cả việc chia sẻ thông tin minh bạch cho DN. Chẳng hạn quy trình XK, chính sách miễn giảm thuế như thế nào”, ông Dũng nói.
Đơn cử như việc chia sẻ thông tin, nhiều phản ánh cho thấy thông tin về nhà cung cấp thường bị phân tán, không được cập nhật thường xuyên và lưu giữ trong cơ sở dữ liệu trong nước và quốc tế. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu hiện tại không có giải pháp xây dựng uy tín của nhà cung cấp, gây khó khăn cho nhà cung cấp nội địa trong việc được các công ty đa quốc gia công nhận.
Chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng sau dịch Covid-19, khi hoạt động của DN ngành công nghiệp hỗ trợ trở lại trạng thái bình thường mới, cần phải nghĩ đến việc không chỉ bình thường ở mức độ khôi phục sản xuất mà còn phải hướng đến sản xuất, XK bền vững sau này.
Trạng thái bình thường mới này là “chất xúc tác” để cho việc tái cấu trúc sản xuất công nghiệp hỗ trợ bền vững và lâu dài hơn. Để việc XK lĩnh vực công nghiệp phụ trợ là “sân chơi” của khối nội thì việc kết nối các công ty đa quốc gia với DN nội địa là điều cực kỳ quan trọng.
Nghĩa là, DN trong nước cần phải hiểu được khoảng cách kỹ thuật và kỹ năng của họ trước tiên, cũng như các tiêu chuẩn QCD (Chất lượng, Giá thành và Giao hàng) để bắt đầu nâng cấp năng lực.
Như trường hợp của Thaco, chất lượng sản phẩm linh kiện phụ tùng XK của công ty được kiểm soát chặt chẽ trên từng công đoạn bằng các thiết bị kiểm tra hiện đại nhập khẩu từ Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thế Vinh