Hơn 10 năm lăn lộn trong ngành, ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (Đồng Nai), cho biết 60% sản phẩm như: linh kiện máy công nghiệp, van nước, nắp cống... của công ty đã bán được cho các khách hàng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) đến từ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).
Cơ hội chưa rõ, cạnh tranh đã đến
Trước thông tin Việt Nam trở thành điểm hấp dẫn "sóng" FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc, ông Tứ nói với Thời báo Kinh Doanh rằng: "Đây sẽ là cơ hội để các DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) như công ty Kim Vĩnh Thắng "bắt tay" được với các khách hàng lớn, giúp đơn hàng của DN ổn định hơn".
Các DN CNHT Việt Nam chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu |
Tuy vậy, Giám đốc Công ty Kim Vĩnh Thắng không giấu nỗi lo khi DN của mình sắp tới phải chuyển khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (Đồng Nai). Do khu công nghiệp này có chủ trương di dời, nên DN nay có tiền cũng không thể mở rộng nhà máy.
Trong khi đó, theo ông Tứ, quy mô nhà máy rất quan trọng trong việc thu hút khách hàng. Một nhà máy của Trung Quốc có thể cung ứng được khoảng 1 triệu linh kiện/tháng, trong khi ở Việt Nam trung bình chỉ đáp ứng được khoảng 10.000 linh kiện.
"Vì vậy, khách hàng nhìn vào nhà máy của DN ở Trung Quốc là đã muốn hợp tác, còn với mình thì họ luôn đặt dấu hỏi kiểu như "Trường hợp này có thể hay không?". Nếu không được, chúng tôi cũng đành phải trả lời là không, bởi cứ cố nhận đơn hàng thì sẽ bị phạt", ông Tứ nói.
Trước tình cảnh trên, vị giám đốc DN này kiến nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ khi DN phải di dời khỏi khu công nghiệp. Cụ thể, từ ngày có quyết định di dời khu công nghiệp đến ngày bắt buộc là khoảng bao nhiêu năm để chủ đầu tư có kế hoạch cụ thể.
Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ miễn thuế thuê đất ban đầu để DN xây dựng lại máy máy. Từ đó, DN đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất, đón bắt cơ hội từ làn sóng FDI dịch chuyển vào Việt Nam.
Tự nhận mình là DN nhỏ, mỏng về vốn, Giám đốc Công ty Kim Vĩnh Thắng mong muốn Chính phủ có chính sách tạo điều kiện cho DN CNHT được vay vốn ưu đãi.
Trước cơ hội được đánh giá là "trăm năm mới có một lần", bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam, cho biết nhiều DN FDI vào Việt Nam đồng nghĩa ngành CNHT sẽ có thêm các khách hàng mới. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng trong trường hợp DN FDI sử dụng nguyên phụ kiện từ DN Việt.
Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều DN FDI vào Việt Nam chỉ để chế xuất, mua linh kiện từ bên ngoài vào hoặc sử dụng linh kiện do chính DN FDI "vệ tinh" của họ cung cấp.
Nhận định về thị trường ngành CNHT sắp tới, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam cho rằng cơ hội chưa rõ ràng, trong khi cạnh tranh rất gay gắt. Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), thị trường trong nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với linh phụ kiện nhập khẩu.
"Trung Quốc đã đưa ngành CNHT phát triển được 30 năm, trong khi dường như Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ", bà Bình thẳng thắn nhận định.
Doanh nghiệp cần "đòn bẩy" chính sách
Theo bà Bình, tham dự vào "cuộc chơi" CNHT có nghĩa là DN Việt đã sẵn sàng để đón bắt cơ hội. Nếu thấy rõ cơ hội, có khách hàng mới, DN sẽ đầu tư. Vì vậy, Chính phủ cần phải tạo thị trường cho các DN. Trường hợp nội địa hóa thành công của ngành xe máy đã cho thấy rõ vai trò của thị trường. Nếu quy mô thị trường đủ lớn, chắc chắn DN sẽ đầu tư.
Nhìn vào thực tế phát triển của ngành này, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam đánh giá, DN đa phần vẫn quy mô nhỏ, số lượng ít, sản lượng nhỏ. Nguyên nhân là do thiếu thị trường, thiếu chính sách.
Theo đó, bà Bình kiến nghị, để thúc đẩy CNHT phát triển, nhất thiết phải có "bàn tay hữu hình" của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách, tìm kiếm sản phẩm với lợi thế đầu tư cạnh tranh được.
Theo Ts. Nguyễn Đình Cung, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, một trong những nguyên tắc cần phải đặt ra trong việc thu hút FDI trong thời gian tới là phải gắn kết được với khu vực tư nhân trong nước, đưa DN tư nhân Việt Nam vào trong mạng lưới của họ.
Ông Cung khẳng định: Để DN tư nhân có thể trở thành đối tác của khối ngoại, Việt Nam cần phải tạo điều kiện, môi trường kinh doanh tốt nhất cho khu vực tư nhân trong nước phát triển. DN tư nhân cần được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ về đất, vốn, thuế...
Ở góc độ cơ quan quản lý, Bộ Công Thương cho biết thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trọng tâm là khu vực CNHT. Có các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, tài chính cho DN CNHT, bảo đảm duy trì hoạt động của DN và duy trì việc làm.
Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ sớm thông qua Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT để có căn cứ xây dựng các chính sách lớn và tổ chức triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương các giải pháp phát triển ngành.
"Nghị quyết được thông qua sẽ tạo điều kiện để các bộ, ngành và địa phương thống nhất triển khai hiệu quả các chính sách nền tảng, đột phá nhằm phát triển các ngành CNHT trong thời gian tới, với mục tiêu nâng cao sự tự chủ cho các ngành sản xuất nền tảng, cơ bản của đất nước", Bộ Công Thương nhận định.
Theo Bộ Công Thương, Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo ban hành chính sách tín dụng ưu đãi cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển theo định hướng của Đảng và Chính phủ, với cơ chế sử dụng nguồn vốn thương mại lãi suất thấp do ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất (khoảng 3%/năm) trong một thời gian nhất định.
Đồng thời, sửa quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng về việc hoàn thuế giá trị gia tăng có thời hạn (không thực hiện hoàn thuế theo phương pháp khấu trừ như hiện nay) đối với máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định của DN sản xuất sản phẩm CNHT và các ngành công nghiệp thuộc danh mục ngành nghề được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư nhằm tạo điều kiện để DN có thêm nguồn vốn phục vụ sản xuất.
Doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp nhận hỗ trợ Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ Công Thương cho biết tính đến năm 2018, số lượng DN đang hoạt động trong ngành CNHT chiếm gần 4,5% tổng số DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo... Tuy nhiên, Bộ Công Thương thừa nhận quy mô và năng lực của các DN CNHT còn nhiều hạn chế. Số lượng ít, năng lực sản xuất còn rất thấp, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khả năng tài chính của DN yếu, vốn tự có thấp.... Nguyên nhân là do chính sách thu hút các DN FDI chưa gắn với các ràng buộc về trách nhiệm phát triển hệ thống nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam. Một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ tuy đã được quy định trong Nghị định số 111/2015/NĐ - CP, nhưng chịu sự điều chỉnh của các Luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Đấu thầu... Cơ chế về ưu đãi tín dụng, thuế, tiền thuê đất, đặc biệt là phân bổ nguồn lực để triển khai các chính sách về CNHT chưa được cụ thể hóa… khiến DN khó khăn trong việc tiếp cận các hỗ trợ và ưu đãi. Dung lượng thị trường đối với nhiều ngành cơ khí và ô tô còn nhỏ, chưa đảm bảo tính kinh tế trong việc đầu tư sản xuất. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập để hỗ trợ cho DN CNHT phát triển. |
Lê Thúy