Câu chuyện nội địa hóa của ngành ô tô là minh chứng rõ nét nhất cho những bất cập trên, sau bao nhiêu năm ngành này vẫn chỉ dừng ở các sản phẩm mang hàm lượng công nghệ thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa…
Vì sao doanh nghiệp chưa thể tận dụng cơ hội?
Theo bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam, có thông tin và nhận định rằng sau đại dịch Covid-19, các công ty đa quốc gia có thể chuyển sản xuất hoặc mua hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia thứ 3, và đây là cơ hội tốt của Việt Nam.
Tuy nhiên, trên thực tế, cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp CNHT rất ít thông tin lạc quan từ thị trường. Một vài công ty sản xuất linh kiện nhựa và cơ khí nhận được thêm đơn hàng từ khách hàng tại Việt Nam, do việc cung ứng từ Trung Quốc khó khăn trong thời gian trước. Tuy nhiên, ngay khi Trung Quốc phục hồi sản xuất thì các đơn hàng thêm này đã giảm dần và sẽ dừng hẳn.
Doanh nghiệp CNHT trong nước khó tham gia vào chuỗi sản xuất của tập đoàn đa quốc gia (Ảnh: Tư liệu) |
Thực tế, việc chuyển sản xuất/mua hàng sang quốc gia thứ 3 ngoài Trung Quốc đã được các công ty trong mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tìm kiếm từ vài năm trở lại đây. Hiệp hội CNHT và các doanh nghiệp đã tiếp rất nhiều các khách hàng như vậy. Tuy nhiên, CNHT của Việt Nam hầu như không đáp ứng được các yêu cầu để đáp ứng việc chuyển giao. Trong khi đó, có nhiều quốc gia có lợi thế hơn hẳn Việt Nam trong việc nhận chuyển giao này như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ...
Theo bà Bình, các lý do chính là quy mô doanh nghiệp CNHT Việt Nam rất nhỏ (trung bình là dưới 200 lao động, máy móc ít, có vài dây chuyền, trình độ quản lý dừng ở mức thấp), nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời, chỉ một vài công ty có thể sản xuất cả cụm linh kiện. Trong khi khách hàng chuyển từ Trung Quốc luôn cần sản lượng lớn hoặc sản phẩm phải là cụm linh kiện hoàn chỉnh.
Mặt khác, số lượng doanh nghiệp CNHT đạt yêu cầu về chất lượng rất ít (chỉ khoảng 1.000 công ty, so với Trung Quốc là hàng trăm nghìn). Để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với sản phẩm là cụm linh kiện hoàn chỉnh, chuỗi phải đầy đủ công đoạn, như thế cần có nhiều doanh nghiệp đảm nhận các khâu. Việc chia sẻ này cũng góp phần cạnh tranh về giá. Hiện tại, với nhiều hạng mục hoàn thiện, doanh nghiệp Việt Nam phải gửi sang Thái Lan hoặc Trung Quốc gia công rồi gửi về, làm chi phí cao thêm.
Hơn nữa, bà Bình cho biết vấn đề khó khăn nhất hiện nay là ngay cả khi đã đạt về chất lượng và chủng loại sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh về giá so với Trung Quốc. Chi phí cao đến từ: Lãi vay ngân hàng cao (FDI tại Việt Nam vay theo hệ thống ngân hàng của họ chỉ 1-2%/năm), thuế và phí các loại cao (không có ưu đãi gì), chi phí không chính thức cao (cao hơn so với FDI/công ty nhà nước tại Việt Nam), khấu hao nhiều (hầu hết máy móc mới đầu tư), sản xuất chưa tinh gọn nên lãng phí không tận dụng hết năng lực, thiếu nhiều công đoạn gia công, CNHT phải nhập khẩu hầu hết đầu vào.
"Các hỗ trợ của Chính phủ về đất đai, công nghệ, vốn, nhân lực chỉ tồn tại trên chính sách, hầu như doanh nghiệp CNHT không tiếp cận được, không hiệu quả, hoặc rất ít. Nếu so với các hỗ trợ mà CNHT ngành chế tạo được Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ (cũng như các quốc gia khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia), doanh nghiệp Việt Nam quá thiệt thòi", bà Bình đánh giá.
Tiến tới làm chủ "cuộc chơi"
Trước thực trạng trên, các doanh nghiệp CNHT Việt Nam kiến nghị: Chính phủ cần tạo thị trường, kích cầu tiêu dùng tại nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm và tiếp cận các khách hàng tiềm năng tại Việt Nam và các thị trường xuất khẩu. Chính phủ cần có các chương trình đặc biệt, hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng của mỗi ngành. Đây là điểm doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay, không chỉ với CNHT các ngành chế tạo mà với tất cả các ngành sản xuất.
Đặc biệt, liên quan đến CNHT và khả năng chuyển sản xuất/mua hàng từ các công ty đa quốc gia có thể di dời khỏi Trung Quốc, bà Bình đề xuất Chính phủ cần có tiếp cận để đàm phán cụ thể với các công ty đa quốc gia này. Song song với đó, cần có kế hoạch chi tiết tình hình các tổ hợp/liên danh CNHT gồm các doanh nghiệp nhỏ, các cụm liên kết sản xuất, hoặc có biện pháp cụ thể ưu đãi cho các công ty CNHT cỡ vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất đáp ứng yêu cầu mới. Cần xây dựng các chương trình hiệu quả khuyến khích hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT.
Ngoài ra, để phát triển ngành CNHT, các ngành chế tạo cần phát triển các tập đoàn nội địa sản xuất sản phẩm cuối cùng, các tổ hợp doanh nghiệp, các cụm liên kết công nghiệp để làm chủ “cuộc chơi” công nghiệp chế tạo và có thể ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam khi cung ứng. Đồng thời, ban hành Luật CNHT hoặc Luật Công nghiệp, để có thể thực hiện các nội dung kể trên. Luật cũng để khẳng định tầm quan trọng của loại hình công nghiệp này, từ đó có các chính sách chuyên biệt và đặc sắc nhằm thúc đẩy phát triển CNHT, đón các dòng đầu tư và dịch chuyển sản xuất từ các quốc gia.
Trước làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu ngay lúc này cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế tạo lớn của Việt Nam theo hướng bền vững.
"Chúng ta phải tận dụng cơ hội này khi có sự thay đổi chuỗi cung ứng, nhưng đồng thời phải có kế hoạch, chương trình hoạt động thu hút đầu tư, hình thành chuỗi cung ứng, tạo nên nền kinh tế tự chủ hơn", Bộ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp CNHT có nguy cơ đóng cửa Theo Hiệp hội CNHT Việt Nam, không như một số ngành khác, CNHT không quá khó khăn về nguyên vật liệu đầu vào. Đa số các công ty sử dụng đa dạng nguồn cung từ nhiều quốc gia và có tồn kho duy trì đến tháng 5. Doanh nghiệp cho biết nguyên liệu từ Trung Quốc có bị chậm thời gian đầu nhưng đến nay đã tương đối ổn định trở lại. Mặc dù không bị ngừng sản xuất nhưng gần 1/2 số doanh nghiệp CNHT cho biết doanh thu trong quý I giảm đến 50% so với cùng kỳ năm 2019, có công ty giảm đến 70%. Cuối quý I và đầu quý II, dịch bệnh gia tăng trên toàn cầu làm tình hình các ngành chế tạo xấu đi nhiều. Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô công bố tiêu thụ xe nội địa quý I sụt giảm 33% so với cùng kỳ năm 2019. Nissan, Toyota, VinFast, TC Motor, Honda lần lượt tạm dừng nhà máy và đóng cửa các đại lý bán hàng từ đầu tháng 4. Các khách hàng ngành xe máy cũng giảm trung bình khoảng 50%, điện tử giảm đến 80%. Samsung Việt Nam ước tính giá trị xuất khẩu năm 2020 sụt giảm 12%. Các khách hàng lớn của hội viên Hiệp hội CNHT Việt Nam ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ đều dừng tất cả đơn hàng từ giữa tháng 3. Do tình hình này, sang quý II, doanh thu của 85% doanh nghiệp CNHT giảm đến 70%. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục khó khăn do các nền kinh tế lớn tiêu thụ sản phẩm chế tạo đều có thể còn rất lâu mới hoạt động trở lại. Do đó, việc phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu sẽ làm cho nhiều công ty CNHT phải đóng cửa. |
Lê Thúy