Theo Bộ NN&PTNT, ước tính giá trị nhập khẩu (NK) nông, lâm, thủy sản 8 tháng đầu năm 2018 đạt 20,72 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ước tính NK các mặt hàng nông sản chính đạt 15,89 tỷ USD, tăng 6,9%.
Các mặt hàng NK tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm là thủy sản, lúa mỳ, rau quả, sản phẩm chăn nuôi…
Nguy cơ mất "sân nhà"
Giá trị NK mặt hàng rau quả 8 tháng đầu năm 2018 đạt 1,15 tỷ USD, tăng 13,4%. Trong đó, thị trường có giá trị NK rau quả tăng nhiều nhất là Hàn Quốc (tăng gấp 2,07 lần), tiếp đến là thị trường Mỹ và Australia.
Với sản phẩm chăn nuôi, ước giá trị NK 8 tháng đầu năm 2018 đạt 1,71 tỷ USD, tăng 15,6%.
Không chỉ NK rau quả, sản phẩm chăn nuôi, mà thủy sản – mặt hàng lâu nay luôn được xem là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam cũng có tốc độ NK tăng mạnh, đạt 1,14 tỷ USD, tăng 24,1%.
5 thị trường NK thủy sản lớn nhất là Ấn Độ, Na Uy, Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, chiếm thị phần lần lượt 22,9%, 10,1%, 6,6%, 6,4% và 6,2%.
Tình trạng này dẫn tới các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh không hề nhỏ ở chính thị trường nội địa. Ts. Vũ Trọng Khải, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng khi đã mở cửa hội nhập, việc NK các loại nông sản là đương nhiên, kinh tế thị trường phải theo quy tắc "nước chảy chỗ trũng".
"Tuy nhiên, khi Việt Nam xuất khẩu nông sản, các nước dựng lên những hàng rào kỹ thuật khắt khe, với yêu cầu nông sản an toàn, chất lượng cao… Còn khi Việt Nam NK thì chưa tạo được những hàng rào như nước ngoài. Chúng ta cứ cho nhập ồ ạt, nhất là từ Trung Quốc", ông Khải nói.
Thời gian gần đây, nhiều mặt hàng nông sản rau, củ, quả của Đà Lạt (Lâm Đồng) đã bị rớt giá thê thảm, khiến nhiều hộ nông dân rơi vào cảnh khó khăn. Nguyên nhân ban đầu được cho là nông sản Trung Quốc giá rẻ nhưng gắn mác Đà Lạt xuất hiện tràn lan trên thị trường.
Mặt khác, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Ts. Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cảnh báo nếu các DN không vào cuộc chủ động ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, tăng chất lượng cạnh tranh, khi nông sản các nước tràn vào, chúng ta có thể đánh mất thị trường ngay trên "sân nhà".
Điển hình như, trong khi trái dứa trong nước được bán với giá 1.000- 3.000 đồng/kg mà vẫn phải vứt bỏ đầy ruộng, trái dứa nhập khẩu từ Đài Loan về có giá tới đắt gấp 10 lần, người dùng vẫn tranh nhau mua với lý do đó là hàng ngoại và có nguồn gốc xuất xứ.
Trước tình trạng ngành nông nghiệp vẫn sản xuất ồ ạt và manh mún, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc phải chuyển mạnh sang giai đoạn phát triển thương mại hóa, tức là dựa vào thị trường kể cả thị trường toàn cầu và ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Để làm được cần có sự tham gia của DN – có công nghệ then chốt và nắm thị trường tốt.
Trái cây ngoại với giá ngày càng rẻ đang cạnh tranh trực tiếp với trái cây Việt trên "sân nhà" |
Cạnh tranh bằng cách nào?
Việt Nam cần phải có kế hoạch gắn dịch vụ với sản xuất nông nghiệp. Những dịch vụ đầu vào phục vụ cho nông nghiệp phải tốt, có giá rẻ, khi đó giá thành sản xuất nông nghiệp mới thấp, chất lượng mới tốt. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết địa phương đều quan tâm tới phát triển khâu chế biến (đầu ra) mà ít quan tâm tới đầu vào.
Bà Lan cũng cho rằng quyền tài sản trên đất đai vô cùng quan trọng. Nên thu tiền thuế với đất nông nghiệp, vì trong thời gian đầu chủ trương miễn thuế đất nông nghiệp là đúng nhưng thời gian qua, nông dân bỏ quê nhưng vẫn sợ lúc nào đó mình quay trở lại thì không còn đất. Bởi vậy, đất bỏ không vô cùng hoang phí.
Đồng quan điểm, ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết sản xuất trong chăn nuôi và trồng trọt rất cần đất đai, nhưng quỹ đất của Việt Nam quá manh mún. Có thể nói, Việt Nam là một trong những nước có quỹ đất nhỏ nhất thế giới, trung bình chỉ 0,6ha cho một hộ, chia ra nhiều mảnh.
Giống như đánh giá của bà Lan, ông Sơn cho rằng người dân dù dời khỏi quê hương đi làm ăn nhưng không ai dám bán đất vì họ làm việc ở khu vực không chính thức – không có bảo hiểm lao động, không có tương lai. Bởi vậy, mảnh đất nông nghiệp ở quê không còn là tư liệu sản xuất mà còn để bảo hiểm cho tương lai của họ. Trong khi đó, nông trại làm ăn tốt lại không có đất.
Do vậy, ông Sơn cho rằng để giải quyết vấn đề đất đai không chỉ cần mở rộng hạn điền, kéo dài thời gian thuê đất, mà vấn đề cốt lõi nhất là phải tạo điều kiện để lao động ở nông thôn tham gia làm việc ở các khu vực lao động chính thức.
Bên cạnh đó, cần quy định quyền đất đai là quyền tài sản, khi đó giá mới minh bạch, thủ tục mua bán mới rõ ràng. Có như thế, đất đai mới được đưa vào tay người sản xuất giỏi.
Bên cạnh đó, với tình hình khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, dịch vụ nông thôn như hiện nay, theo ông Sơn, đầu tư vào nông nghiệp lợi nhuận thấp nhưng rủi ro cao.
Trên thế giới, không một DN chế biến, sản xuất nông nghiệp nào mà luôn gặp phải tình trạng cắt điện thường xuyên và hệ thống giao thông khó khăn như Việt Nam.
"Chúng ta đầu tư nhiều vào sân bay nhưng đường sắt kém phát triển, đường cao tốc ở nông thôn hầu như không có. Đặc biệt, những vùng nông sản chiến lược như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên không có một km đường sắt hay đường cao tốc nào. Người nông dân và DN thường phải chở hàng hóa bằng đường thủy lên Tp.HCM", ông Sơn nói.
Đồng thời, ông Sơn khẳng định đây đang là nguyên nhân làm đội giá thành sản xuất các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam so với hàng hóa nước ngoài.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Công Thừa - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp tổng hợp Anh Đào Vừa qua, Trung Quốc truy xuất lý lịch trái cây Việt Nam nhưng chúng ta lại không thể làm điều này với trái cây từ nước họ. Các DN như chúng tôi cũng ấm ức lắm nhưng suy cho cùng, nguyên nhân là vì các khâu trong kiểm soát chất lượng trái cây bao gồm từ khâu trồng, chăm sóc cho tới thu hoạch, bảo quản vẫn chưa được hoàn thiện. Ts. Đặng Kim Sơn - Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Nếu chúng ta vẫn tiếp tục sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và chậm thay đổi theo nhu cầu thị trường, tình trạng thừa nông sản là không tránh khỏi. Thậm chí, ngành nông nghiệp sẽ chịu sức ép rất lớn về tiêu thụ nông sản từ chăn nuôi, thủy sản, rau quả và lúa gạo trên chính "sân nhà". Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Quá trình hội nhập đang đặt ra áp lực với ngành nông nghiệp Việt Nam. Nếu Việt Nam không cố gắng, nguy cơ mất thị trường, thua ngay trên "sân nhà" rất cao, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, nông nghiệp vẫn sản xuất manh mún theo hộ gia đình, không có yếu tố liên kết sản xuất quy mô lớn, chắc chắn không thể thành công. |