Bjuv là vùng đất ở miền Nam Thụy Điển, nơi được mệnh danh là vùng nông nghiệp tốt nhất Bắc Âu, có các tiêu chuẩn nông và công nghiệp tốt, đạt chuẩn hữu cơ, sản phẩm chất lượng cao và các nông trại với sản lượng trung bình 10.000 lít sữa/con bò/năm.
Vươn ra thế giới
Ở Bjuv có khoảng 2.500 nông trại đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ (organic), là nguồn nguyên liệu dồi dào cung cấp cho các nhà máy chế biến thực phẩm, đặc biệt các sản phẩm organic.
Vùng đất này đã được một doanh nghiệp (DN) sữa thuần Việt là Nutifood "để mắt" khi quyết định hợp tác đầu tư với Tập đoàn Backahill (Thụy Điển) của tỷ phú Erik Paulsson để đặt nhà máy sản xuất các sản phẩm sữa, thực phẩm dinh dưỡng organic nhằm cung cấp cho thị trường EU và châu Á.
Tại buổi công bố hợp tác đầu tư tổ chức ở Tp.HCM ngày 11/9, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT công ty NutiFood, cho biết đây là bước tiếp theo trong chiến lược vươn ra thế giới kể từ sau khi được cấp chứng nhận của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) với những điều kiện hết sức khắt khe để XK sản phẩm sữa vào thị trường này.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng đây là con đường đúng đắn hướng vào nông nghiệp hữu cơ, vì thị trường thực phẩm hữu cơ đang bùng nổ trên thế giới. Không gian của thị trường hữu cơ đang mở rộng ra. VCCI sẽ hậu thuẫn cho các DN, đồng hành với DN trong bước đường vươn ra thế giới.
Cũng liên quan đến mảng sữa hữu cơ, cần nhắc lại hồi tháng 3 năm ngoái, tuy không đầu tư ra nước ngoài nhưng hãng sữa hàng đầu Việt Nam là Vinamilk đã khánh thành trang trại chăn nuôi bò sữa đầu tiên theo tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu tại Việt Nam với tổng số 500 con trên diện tích 76ha tại Tu Tra, Đơn Dương, Lâm Đồng.
Hiện, Vinamilk đang tự sản xuất được toàn bộ thức ăn xanh và một phần thức ăn tinh theo tiêu chuẩn organic châu Âu để cung cấp cho đàn bò ở đây. Riêng phần thức ăn tinh hữu cơ còn lại đang nhập khẩu từ Hà Lan, khả năng tự sản xuất 100% thức ăn cho bò sữa organic tại Việt Nam là khả thi nếu có đủ diện tích đất cần thiết.
Trong những năm tiếp theo, hãng sữa này có thể sẽ tiếp tục phát triển thêm 2 – 3 trang trại hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, ở khâu chính sách, Vinamilk đề xuất Chính phủ hỗ trợ phát triển mô hình canh tác nông nghiệp hữu cơ nhằm từng bước nội địa hóa những vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện vẫn còn đang phải nhập khẩu như hạt giống, cây thức ăn, thức ăn tinh.
Đặc biệt, cần định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ dựa theo các tiêu chuẩn quốc tế đã áp dụng rộng rãi như tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu để giúp DN Việt Nam thuận lợi trong việc hòa nhập nông nghiệp hữu cơ thế giới trong cả sản xuất và thương mại.
Nhiều cơ hội cho DN Việt đầu tư xuất khẩu sản phẩm hữu cơ |
Cần sự liên kết
Theo thống kê, thị trường nông sản hữu cơ toàn cầu tăng trưởng 10 – 15% trong nhiều năm qua. Sự tăng trưởng này đang tạo ra cơ hội xuất khẩu (XK) cho DN ở các quốc gia nông nghiệp như Việt Nam. Tuy nhiên, sản lượng nông sản hữu cơ XK hàng năm của Việt Nam vẫn còn thấp, với kim ngạch khoảng 15 triệu USD.
Từ việc đầu tư ra nước ngoài như trên của một DN thuần Việt để XK sản phẩm sữa hữu cơ vào EU, cũng cần nhìn lại diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở trong nước vẫn còn ở mức thấp, dù tốc độ có tăng nhanh trong những năm gần đây.
Một thống kê cho thấy Việt Nam xếp thứ 51/179 quốc gia có tiềm năng sản xuất nông nghiệp hữu cơ với 76.000ha và trên 3.800 nông dân trực tiếp sản xuất hình thức nông nghiệp hữu cơ.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hồi năm ngoái cho thấy đã có 50 công ty Việt Nam được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ với các mặt hàng nông sản. Các mặt hàng được chứng nhận gồm rau, củ, dừa và sản phẩm dừa, gạo, trái cây sấy…
Thị trường XK hàng nông sản hữu cơ của Việt Nam chủ yếu vẫn là Mỹ, EU, Trung Quốc, Nga, Canada, Thái Lan, Campuchia…, nhưng sản lượng chưa nhiều. Doanh thu thực phẩm hữu cơ ở Việt Nam cũng chỉ chiếm chưa tới 1% giá trị của thế giới.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Võ Quan Huy, Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty TNHH Huy Long An – Mỹ Bình (một DN có tiếng về nhiều kinh nghiệm XK nông sản sạch sang Nhật), nhấn mạnh "sân chơi" XK sản phẩm nông nghiệp hữu cơ rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và DN. Những ai không liên kết được và làm lẻ tẻ thì không thể đặt chân vào.
"Kinh nghiệm XK sang Nhật của chúng tôi cho thấy, phía đối tác Nhật phải tới tận nông trại của mình, coi tất cả hồ sơ và gần như đi "lục" tới cả thùng rác, để xem có sử dụng mặt hàng gì nằm ngoài nhật ký sản xuất hay không", ông Huy chia sẻ.
Cũng theo vị chủ DN này, những sản phẩm hữu cơ trước nhất phải hợp lệ về chứng nhận trên hồ sơ, thứ hai là quy trình phải minh bạch. Nếu không liên kết thì làm sao có quy trình minh bạch. Điều này đòi hỏi nông dân phải có kiến thức và phải làm cho đàng hoàng!
Thế Vinh