Trong những năm qua, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư đã trở thành nền tảng và động lực quan trọng của quan hệ hai nước. Hoa Kỳ đã trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Nhà đầu tư Hoa Kỳ mong gì?
Kim ngạch thương mại hai nước từ mức 7,8 tỷ USD năm 2005 đã tăng lên mức trên 54 tỷ USD năm 2017. Năm 2018, tính đến hết quý II, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 27,4 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Hoa Kỳ tăng hơn 20%.
Về đầu tư, đến tháng 6/2018, Hoa Kỳ có 877 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn 9,37 tỷ USD, đứng thứ 10 trong số 128 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Ông Gilbert Kaplan, Thứ trưởng đặc trách thương mại quốc tế, Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), bày tỏ ấn tượng khi Việt Nam có thị trường hơn 93 triệu dân, trong đó tầng lớp trung lưu phát triển mạnh. Đây là lý do nhiều DN Hoa Kỳ muốn kinh doanh ở Việt Nam, quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển không ngừng.
Đặc biệt, trong bối cảnh năm 2017, Việt Nam đứng thứ 5 về quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cam kết tạo thuận lợi để hàng hóa Hoa Kỳ XK tới Việt Nam.
Song, các DN Hoa Kỳ cũng chia sẻ những băn khoăn khi kinh doanh tại Việt Nam. Cụ thể, ông Michael Kelly, Chủ tịch Amcham tại Hà Nội, cho biết các nhà đầu tư Hoa Kỳ muốn đầu tư hàng tỷ USD tại Việt Nam, tuy nhiên các DN mong Việt Nam tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí kinh doanh cho DN.
"DN Hoa Kỳ quan tâm tới việc đổi mới của chính sách và quy định Việt Nam không những giống thông lệ tốt của quốc tế, mà môi trường kinh doanh cần lành mạnh, thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ", ông Michael Kelly nói.
Bên cạnh đó, đi vào mong muốn cụ thể, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham tại Hà Nội, bày tỏ mối quan tâm về các cách tiếp cận chính sách mà Chính phủ Việt Nam đang thực thi liên quan đến các vấn đề công nghệ.
Sẽ tạo điều kiện tốt nhất
"Chế độ bảo mật dữ liệu đang hạn chế các luồng dữ liệu xuyên biên giới và thiết lập các rào cản nội địa trong phạm vi cá nhân và an ninh mạng. Những cách tiếp cận này làm cản trở khả năng hoạt động của các công ty trong và ngoài nước khi hạn chế sự lựa chọn, tăng chi phí cho khách hàng và sau cùng là giảm khả năng cạnh tranh. Điều này làm chậm sự phát triển kinh tế và ngăn trở những mục tiêu mà các DN mong muốn đạt được", ông John Goyer, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á, AmCham, cho biết.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ 2018 diễn ra ngày 10/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh nền kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng gia tăng tính hỗ trợ cho nhau.
Việt Nam có mặt hàng thế mạnh như dệt may, nông sản, giày dép… mà Hoa Kỳ cần. Hoa Kỳ cung cấp sản phẩm công nghệ cao như máy bay cho Việt Nam. Nhiều hợp đồng thỏa thuận mua máy bay và động cơ máy bay với giá trị hàng tỷ USD đã và đang được đàm phán giữa DN hai nước trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Hoa Kỳ nói riêng.
"Thành công của các bạn chính là thành công của chúng tôi. Việt Nam coi nhà đầu tư Hoa Kỳ như là công dân của Việt Nam, chúng tôi sẽ giúp các bạn tháo gỡ khó khăn để hợp tác giữa hai bên ngày càng tốt đẹp và đem lại hiệu quả cao hơn trong thời gian tới", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng những diễn biến gần đây trong các thỏa thuận hợp tác kinh tế đa phương và khu vực đang đặt ra những thách thức mới cho cả Chính phủ và DN hai nước.
Do đó, DN hai nước cần cùng nhau đưa ra những đánh giá và đề xuất giải pháp mới, góp phần duy trì đà tăng trưởng tích cực của quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước, đề xuất được những cơ hội mới, hướng đi mới, phát huy tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo trong kinh doanh, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại, đầu tư song phương nói chung và quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ nói riêng.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bên cạnh hoạt động cải cách thể chế một cách mạnh mẽ, Việt Nam cũng quyết liệt triển khai hoạt động cơ cấu lại nền kinh tế, theo hướng phát triển bền vững, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chú trọng tăng cường kết nối hạ tầng của các nền tảng hệ thống tài chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
"Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh cải cách thể chế và nâng cấp cơ cấu nền kinh tế hướng tới nền kinh tế có công nghệ cao hơn, có giá trị gia tăng lớn hơn và sự cạnh tranh lớn hơn. Việc hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ là rất quan trọng", ông Lộc cho biết.
Thy Lê