Hiện nay, truy xuất nguồn gốc đối với nông sản xuất khẩu (XK) đang là xu hướng bắt buộc. Việc áp dụng tiêu chuẩn sẽ giúp doanh nghiệp (DN) và bản thân người nông dân có những bằng chứng, chứng cứ chứng minh được nguồn gốc sản phẩm của mình.
Nhu cầu lớn và thiết yếu
Nói về việc "bắt tay" giữa DN với nông dân (đặc biệt là trong các HTX nông nghiệp) sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ đạt tiêu chuẩn XK, bà Trần Thị Kim Nhung, Chủ tịch HĐQT công ty TNHH Kim Đồng Thuận (Tp.HCM), cho rằng để làm được điều này, tất cả đều theo quy trình hữu cơ, phân hữu cơ, thuốc sinh học, kỹ thuật hướng dẫn, tập huấn theo VietGAP, GlobalGAP… do phía DN hỗ trợ cho nông dân nhằm có chất lượng "sạch" theo yêu cầu.
"Điều quan trọng ở đây là các nông dân thực hiện theo đúng như thỏa thuận để có được chất lượng nông sản đáp ứng yêu cầu XK, mặc dù việc chuyển đổi từ quy trình cũ sang hữu cơ với những khó khăn về năng suất là một thách thức cho họ", bà Nhung chia sẻ.
Trong các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn nông sản Việt khi XK, đơn cử như vào thị trường EU, ông Nguyễn Huy, Giám đốc khối thực phẩm của Bureau Veritas Việt Nam, phân tích hầu hết các chuỗi bán lẻ của EU thừa nhận tiêu chuẩn GlobalGAP như một chuẩn mực cao trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi.
GlobalGAP đưa ra nhiều yêu cầu về đất, nước, môi trường, cách ứng xử với vật nuôi… Quá trình chứng nhận GlobalGAP cũng không quá khó khăn, khó nhất là khi các vùng nuôi, hộ nông dân chưa có "thói quen" để lại các hồ sơ, bằng chứng.
"Vì vậy, đẩy mạnh việc đào tạo, nhận thức của những hộ nông dân rất quan trọng. Ngoài những yêu cầu về an toàn thực phẩm, GlobalGAP còn yêu cầu thêm trong vấn đề truy xuất nguồn gốc", ông Huy nhấn mạnh.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Huy cho biết việc nhận biết giữa lô hàng nông sản XK đang có chứng nhận GlobalGAP và lô hàng không có chứng nhận là yêu cầu bắt buộc. Việc nhận biết này bao gồm từ thực tiễn, từ nguồn nguyên liệu để dễ nhận ra những lô hàng đang được chứng nhận.
Do đó, cần có những hoạt động về quản lý, đào tạo để người sản xuất trực tiếp có thể hiểu được sự khác nhau của sản phẩm có chứng nhận và sản phẩm không có chứng nhận.
Gần đây, Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao đã có cuộc khảo sát thực tế và nhận thấy nhu cầu về sản xuất theo chuẩn chất lượng đối với các DN cũng như nông dân là thiết yếu và rất lớn.
Họ mong muốn nhận được sự hỗ trợ để sản xuất tốt hơn, cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng theo các tiêu chuẩn trong và ngoài nước.
![]() |
Nhu cầu sản xuất theo chuẩn chất lượng giữa các DN và nông dân là rất lớn |
Đồng hành, hỗ trợ DN
Trong chương trình hỗ trợ nông dân và DN xây dựng tiêu chuẩn chất lượng từ nay đến năm 2020 được công bố mới đây, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, cần phải giúp nông dân và DN thay đổi tư duy và cả hành vi phù hợp với thông lệ sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là cơ hội để giúp DN và nông dân sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa đạt chất lượng cao, theo tiêu chuẩn quốc tế, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
"Trong đó, rất cần vai trò của các hiệp hội DN chung tay, đồng hành trong việc tư vấn, hướng dẫn, khuyến khích DN để họ hiểu rõ lợi ích của việc xây dựng và tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế", ông Duy nói.
Ông Duy cho rằng cần tập trung đến việc tư vấn, huấn luyện hỗ trợ các DN xây dựng tiêu chuẩn, xây dựng nhận thức và kiến thức nền về tiêu chuẩn. Đồng thời, tư vấn xây dựng tiêu chuẩn cũng như kết nối, hỗ trợ truyền thông cho nông dân và DN. Cuối cùng là hỗ trợ đổi mới công nghệ, thương mại hóa sản phẩm.
Có thể nói, xét trên bình diện quốc gia hay ở mỗi địa phương, để có thể cạnh tranh trên thị trường, nông sản rất cần phải có chất lượng đạt tiêu chuẩn nội địa hoặc tiêu chuẩn quốc tế… Tuy nhiên, nếu tự thân các hộ nông dân cá thể thì không thể làm được điều này.
Theo Gs.Ts. Võ Tòng Xuân, lâu nay, đội quân thương lái đến tận ruộng, vườn, ao cá, vuông tôm mua hàng của nông dân để sơ chế rồi bán lại cho DN, thế nên chất lượng không đồng đều, nguồn gốc không truy nguyên được. Như vậy, làm sao DN có thể chế biến thành sản phẩm có thương hiệu mạnh, giá trị cao?
Đặc biệt là mặt hàng lúa gạo, trên cùng một cánh đồng có nhiều giống lúa, thương lái mua về rồi trộn chung lại để sơ chế, sau đó bán cho DN chế biến để XK gạo, không thể truy nguyên nguồn gốc. Vì vậy, đến nay, Việt Nam vẫn thiếu các loại gạo có thương hiệu mạnh.
Chính vì vậy, trong việc hợp tác giữa nông dân và DN, như chia sẻ của Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, rất cần sự đồng hành, hỗ trợ DN, không chỉ giúp họ thay đổi tư duy mà còn thay đổi bằng hành động cụ thể, thay đổi quy trình theo tiêu chuẩn sản phẩm đạt chất lượng ổn định.
Bên cạnh đó là duy trì sự tin cậy bền vững về chất lượng sản phẩm để trở thành thứ "vũ khí sắc bén" của nông sản Việt trong cạnh tranh trên trường quốc tế.
Thế Vinh